Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ Phó chủ tịch UBND đầu tiên của TP.HCM sau năm 1975

Sách “Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ” là câu chuyện về cuộc đời của bà Đỗ Duy Liên, nữ Phó chủ tịch UBND đầu tiên của TP.HCM sau ngày đất nước giải phóng (30/4/1975).

Tác phẩm gồm những trang viết dang dở của cuốn hồi ký Cuộc đời của mẹ của bà Đỗ Duy Liên và những dòng ký ức của một số bạn bè, đồng nghiệp, đồng đội, đồng chí và người thân viết về bà.

Mấy lời với các con

Sau khi nghỉ hưu, khoảng năm 1992, bà Đỗ Duy Liên bắt đầu viết những trang đầu tiên của hồi ức Cuộc đời của mẹ. Bà âm thầm, lặng lẽ viết và không cho các con biết. Mãi những năm gần đây, khi tuổi cao và sức khỏe của mẹ giảm sút, khi dọn dẹp phòng của bà, các con bà mới tìm thấy quyển hồi ức, được bà đánh số 1.

Trong trang đầu tiên, “Mấy lời với các con”, bà Đỗ Duy Liên dự định sẽ viết 5 phần, bao gồm: (1) Tuổi thơ và bước đường khôn lớn; (2) Đi kháng chiến; (3) Tình yêu, gia đình, hạnh phúc và mất mát; (4) Vẫy vùng; (5) Nghỉ ngơi. Và bà đã viết hết quyển số 1 với trọn phần 1 và phần lớn phần 2 (đến sự kiện bà ở tù lần thứ hai, tháng 5/1967 và được trao trả ra căn cứ vào tháng 3/1968).

Đáng tiếc là các con bà Đỗ Duy Liên không tìm thấy quyển số 2, có lẽ do sức khỏe không tốt, nhất là sự suy giảm trí nhớ đã không cho phép bà viết tiếp và kết thúc như dự định. Vì vậy các con bà đã cố gắng viết tiếp những phần còn lại - chủ yếu dựa vào những gì bà đã kể, các bài bà đã viết (đăng trên báo chí, sách và kỷ yếu liên quan) và cả những quan sát, cảm nhận của họ. Phần bổ sung này là các bức thư “Mẹ viết cho ba”, “Các con nhớ về mẹ”, “Trong tình thương của đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè, các con gia đình liệt sĩ”.

Theo bà Quách Thu Nguyệt (nguyên Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ) phần bổ sung này đã tạo nên điểm độc đáo của tập sách, bởi nó chẳng những làm đủ đầy, trọn vẹn dạng thức cần có của một hồi ức cá nhân mà còn làm giàu thêm cảm xúc người đọc không chỉ với cuộc đời của một nhân vật cụ thể mà còn phóng chiếu hình ảnh bi hùng, đẹp lãng mạn của người phụ nữ Việt Nam, của những nữ chiến sĩ cách mạng trong thời chiến.

Cuoc doi cua me anh 1

Sách Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ. Ảnh: M.L.

Người nữ chiến sĩ trung kiên trong thời chiến, người nữ cán bộ tâm huyết trong thời bình

Có thể nói cuốn sách Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ đã phác họa nên chân dung một nữ cán bộ rất năng nổ, đầy nhiệt huyết, đầy trách nhiệm, luôn sáng tạo và có phần táo bạo trong công tác; một người bạn sống giản dị, tình nghĩa; một người vợ, người mẹ hết lòng vì chồng, vì con.

Theo mạch nguồn của cuốn sách chúng ta biết được tuổi thơ, quá trình trưởng thành và tham gia kháng chiến của cô nữ sinh Đỗ Duy Liên. Đó là những ngày tháng hăng say, trốn nhà để tham gia cách mạng, những bỡ ngỡ với cuộc sống tập thể và những bài học lý luận đầu tiên, từ cô giao liên đến người cán bộ Hội phụ nữ, thành viên tiểu ban tình báo, làm báo, tuyên truyền… và nhiều công tác khác, việc gì bà cũng làm hết mình.

Bà đảm nhiệm những công việc ngày càng quan trọng và đi kèm đó là những hiểm nguy: Bà đã bị bắt bốn lần, phải ngồi tù hai lần, bị tra tấn, sức khỏe bị ảnh hưởng nhiều nhưng không suy chuyển tấm lòng trung kiên.

Giữa tháng 2/1969, bà nhận được tin chồng hy sinh tại chiến trường Bến Cát. Từ Hội nghị Paris trở về Hà Nội, bà bắt đầu viết những dòng nhật ký cho ông, đều đặn từ thời điểm đó đến hết cuốn sổ (ghi năm 2003). Đây là những trang viết chan đầy nước mắt, nỗi nhớ thương của một người vợ, mà từ đây phải gánh cùng lúc hai vai, vừa là cha, vừa là mẹ, để làm tròn trách nhiệm của một cán bộ đảng viên được phân công của tổ chức, vừa phải thay chồng quán xuyến việc nuôi dạy các con nên người.

Sau năm 1975, bà Đỗ Duy Liên đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng: Bà là Giám đốc đầu tiên của Sở Thương binh và Xã hội, về sau là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM phụ trách Văn-Xã (hai nhiệm kỳ 1980-1989), cũng là nữ phó chủ tịch đầu tiên. Bà là người chủ trì phát hành số đầu tiên báo Phụ nữ Sài Gòn (tiền thân của báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh), đặt nền móng cho Hội bảo trợ Bệnh viện miễn phí thành phố (sau là Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM), Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi TP.HCM; luôn quan tâm con em gia đình liệt sĩ sống và học tập tập trung tại trường Lý Tự Trọng…

Nhận xét về nội dung cuốn sách, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, viết: “Những dòng hồi ức của Duy Liên, nhất là những trang viết cho chồng khi nghe tin anh hy sinh và sau đó, những trang viết tiếp của các con, các bài viết của đồng đội, đồng chí, bạn bè của Duy Liên thật chân thực và vô cùng xúc động, nó phản ảnh rất đúng về con người Duy Liên”.

“Trong sự nghiệp của mình, Duy Liên đã cống hiến gần như toàn bộ thời gian, sức lực và tâm trí cho người dân Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh... Cần phải nói: Cuộc đời Duy Liên là một tấm gương của người phụ nữ đã kiên cường vượt qua bao thách thức, gian khó của cuộc kháng chiến, những bỡ ngỡ ban đầu thời hậu chiến và trên hết là những mất mát không thể nói nên lời - của người mẹ xa con trong thời gian dài, của người vợ có chồng hy sinh khi còn khá trẻ - để làm tốt nhất nghĩa vụ với đất nước, với gia đình”, bà Nguyễn Thị Bình viết.

Cảm xúc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày 30/4/1975

“Thời điểm hạnh phúc nhất trong đời chiến đấu là khi từ mặt trận báo về tướng Dương Văn Minh đã ra lệnh cho quân đội của ông ngừng bắn”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói.

Nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn làm gì sau ngày 30/4/1975?

Dù vui mừng với chiến thắng ngày 30/4/1975, nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn vẫn chưa được phép lộ diện.

Menh mong trai tim cua me hinh anh

Mênh mông trái tim của mẹ

0

Trường ca “Mẹ” của Trần Thế Tuyển gồm 6 chương và phần vĩ thanh, xoáy sâu vào hình ảnh chịu thương chịu khó, nỗi khắc khoải của người mẹ có hai con xung phong chiến đấu xa nhà.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm