Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mênh mông trái tim của mẹ

Trường ca “Mẹ” của Trần Thế Tuyển gồm 6 chương và phần vĩ thanh, xoáy sâu vào hình ảnh chịu thương chịu khó, nỗi khắc khoải của người mẹ có hai con xung phong chiến đấu xa nhà.

Từng đào hầm nuôi cán bộ, từng chứng kiến cảnh giặc càn khiến bao nhiêu chiến sĩ nằm xuống khi tuổi đời còn xanh, ngày nghe “thằng Ớt” - người con trai cả nói “Có thể con đi hết thời trai trẻ”, mẹ thấp thỏm âu lo nhưng “Tiễn con đi mẹ không khóc”.

Truong ca Me anh 1

Hai năm sau, “thằng Cay” - con trai thứ hai của mẹ nối bước anh vào tận miền Nam tham gia chiến đấu mong ngày đất nước thanh bình. Cũng như bao người mẹ thời chiến, mẹ vẫn đêm đêm thao thức đợi các con trở về.

Kết thúc chiến tranh. Con trai lớn trở về, con trai kế vẫn biệt vô âm tín. “Con về, còn em con đâu?”, câu hỏi được tác giả dùng đặt tên cho chương I khiến người đọc rơi nước mắt bởi nó chất chứa muôn nỗi nghẹn ngào, đau xót của sự mất mát, hy sinh trong chiến tranh khốc liệt.

“Mẹ ơi, con biết trả lời sao. Em con đã biến thành đất nước. Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc. Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”. Vậy là, mẹ đợi nhưng con chẳng thể trở về. Xót đau nhưng không bi lụy, vì mẹ biết, ai từng đi qua chiến tranh sẽ thấm hiểu màu tang tóc.

Chương IV - “Nơi con tôi nằm xuống” kể lại hành trình đầy xúc động của người mẹ ấy. Mẹ rời quê vào tận miền nam, đến những chiến trường nơi Cay từng chiến đấu, chỉ để tìm lời giải cho niềm đau đáu: “Nó vẫn còn hay mãi mãi đi xa?”.

Chẳng tìm thấy mộ con, mẹ đau lòng, nhưng lại vỗ về chính mình và bao bà mẹ khác, rằng “Thôi thì, ở đâu cũng đất, cũng trời. Đất cha ông rộng dài mênh mông quá. Thôi thì, hy sinh ở đâu cũng là liệt sĩ”.

“Những cô gái để sau lưng tuổi trẻ. Hóa đá đêm đêm. Để đất nước bình yên. Đã hiến dâng những giọt máu. Để ngôi làng dọc bờ sông. Lung linh như cổ tích. Con đò xưa neo đậu mãi trong tim”. Chiến tranh luôn đi cùng đau thương, mất mát.

Mẹ của anh Ớt, anh Cay cũng như bao bà mẹ Việt Nam anh hùng khác, tiễn con đi là chấp nhận chia ly. Bao nước mắt đợi ngày đón con trở lại khi quê nhà ngưng tiếng súng rồi có người trở về, có người nằm lại nơi chiến tuyến. Nhưng mẹ nén đau, vì biết rằng sự hy sinh ấy để dành cho đất nước, non sông nối liền một dải.

Nỗi đau của một gia đình thời chiến qua cách kể trong trường ca Mẹ khiến độc giả thấu hiểu những mất mát chung của bao người mẹ thuở ấy. Để thấy quý giá biết bao khi đất nước hòa bình, độc lập.

'Dắt mẹ đi chơi' - lời tâm sự chan chứa yêu thương

Bằng ngôn ngữ trong trẻo, nhẹ nhàng và dung dị, bộ sách thơ "Dắt mẹ đi chơi" đã gợi tinh thần gắn kết và tình yêu thương chan chứa giữa những người làm mẹ, làm cha với con trẻ.

Những câu chuyện cảm động về mẹ

Tình mẹ là thứ tình cảm hoàn mỹ nhất mà ở đó, mỗi người mẹ yêu thương và hy sinh vì con theo một cách khác nhau.

https://nhandan.vn/menh-mong-trai-tim-cua-me-post712894.html

Mỹ Dung / Thời nay

Bạn có thể quan tâm