Đây cũng là tác phẩm thơ duy nhất lọt vào Vòng chung khảo của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 3 - 2022.
Từ tựa đề cho đến từng bài thơ trong mỗi tập của Dắt mẹ đi chơi đều mang đến cho người đọc cảm giác gần gũi, tự nhiên và gần với những khoảnh khắc thường ngày của con trẻ. Bộ sách hệt như một cuộc trò chuyện dài bằng thơ theo suốt hành trình trưởng thành và cảm nhận cuộc sống của mỗi đứa trẻ.
Làm thơ để “hầu chuyện” con
Thơ đến với tác giả Mai Quyên đầy tình cờ, và cũng được nảy nở từ chính cậu con trai yêu dấu. “Tôi bắt đầu làm thơ từ năm 2014, khi đó con trai tôi hơn 2 tuổi. Con rất tò mò về thế giới, thường đặt ra muôn vàn câu hỏi, và đặc biệt rất thích nghe đọc sách. Một lần hai mẹ con đi chơi, con đòi mẹ đọc thơ. Khi ấy, tôi không mang theo sách, chỉ thuộc mấy bài. Đọc hết, con vẫn đòi đọc tiếp rồi nói: Mẹ ơi hay là mẹ viết cái thơ đi!”, chị kể. “Câu nói của một đứa trẻ đang tập nói cùng ánh mắt trong veo chờ đợi khiến tôi chợt nghĩ: Tại sao không viết thơ cho con nhỉ?”.
Tác giả Mai Quyên. Ảnh: TT&VH. |
Và từ suy nghĩ chợt lóe ấy, tác giả Mai Quyên bắt đầu làm thơ.
Bài thơ đầu tay của tác giả Mai Quyên cũng chính là bài thơ mang tên Dắt mẹ đi chơi, được viết ngay vào buổi chiều tối sau cuộc đi chơi ấy. Đó là những suy nghĩ, cảm xúc bất chợt đầy hồn nhiên của một đứa trẻ tò mò về cuộc sống xung quanh: “Chiều nay dắt mẹ đi chơi / Bao điều muốn hỏi chẳng đuôi chẳng đầu / Con ong nó cứ đi đâu / Để bao nhiêu mật chảy vào trong hoa / Đám mây sao lại chơi xa / Mặt trời bị nắng chẳng nhà nào che / Cầu vồng ở tít trên kia / Mẹ trèo lên đấy hái về cho con / Ông trăng tròn đến là tròn / Chẳng về sao cứ lon ton giữa trời / Chiều nay dắt mẹ đi chơi / Hái về cả một bầu trời ước mơ”.
Bài thơ được viết đơn thuần, chỉ từ những câu hỏi mà chú bé con hỏi mẹ, được sắp xếp hoàn chỉnh bằng những vần điệu dung dị, rất gần với tiếng nói của con trẻ thường ngày. Có lẽ chính điều đó đã trở thành khởi nguồn cho toàn bộ tinh thần của bộ sách. Khi xuất bản tập thơ, tác giả Mai Quyên đã chọn Dắt mẹ đi chơi làm tựa đề chung như một cách để gợi nhắc kỷ niệm đến với thơ của mình.
Thơ Mai Quyên trước hết là thơ viết cho con. Chị làm thơ như một cách để chia sẻ, để “hầu chuyện” đứa con yêu dấu của mình. Từ những câu nói của con, từ những điều mà mẹ con cùng trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày, chị viết thành những bài thơ nhỏ. Hầu như không có bài thơ nào chị viết không xuất phát từ một kỷ niệm, một câu nói, một mẩu chuyện hay một câu hỏi thực trong cuộc sống của con trai.
Bởi thế cả 5 tập: Ngày mai con sẽ, Nói chuyện với hạt ngô, Rủ rà rủ rỉ, Đố mẹ và Dế mèn học chữ trong bộ sách thơ Dắt mẹ đi chơi đều đầy ắp những câu chuyện. Mỗi bài thơ vang lên như tác giả đang thủ thỉ, trò chuyện với chính cậu con trai của mình vậy.
Về mỗi tập thơ, tác giả Mai Quyên cho hay: “Ngày mai con sẽ gồm những lời trò chuyện tâm tình của mẹ và con. Những bài thơ trong tập này là những ước mơ, những tâm sự mà một đứa trẻ thường thủ thỉ với mẹ cha. Cũng có những bài là lời tôi gửi gắm đến con, và đến tuổi thơ nói chung. Trong khi đó, Rủ rà rủ rỉ là thơ kể chuyện. Con trai tôi rất ưa kể chuyện, hai mẹ con thường cùng nhau đọc sách, cùng nhau xem phim hoạt hình, và sau nhiều câu chuyện, tôi lại viết thành thơ để con dễ nhớ, dễ thuộc”.
Chắc hẳn không ai lạ, mọi đứa trẻ đều ưa hỏi han, khám phá. Cậu con trai của tác giả Mai Quyên cũng vậy. Thế giới trong mắt cậu bé đều trong veo veo, và cậu ước ao được điền vào đó biết bao sắc màu. Đó là lý do tập thơ Đố mẹ ra đời.
“Đố mẹ gồm những bài thơ tôi viết khi con gần 3 tuổi. Những cuộc chuyện trò, những khám phá bất ngờ, tất cả đều gợi lên dưới hình thức câu hỏi và câu trả lời. Nhiều khi, người lớn chúng ta cho những câu hỏi đó là thừa, là buồn cười, nhưng suy ngẫm kỹ thì câu trả lời thực sự không hề giản đơn. Tập thơ có thể coi là một cuộc đối đáp bất tận của những người cha người mẹ với con cái của mình”, tác giả nói. “Sang đến Dế mèn học chữ, tập thơ này tôi bắt đầu viết khi con lên 5, lên 6 và bắt đầu học chữ. Những bài thơ ghi lại những cảm xúc, những va chạm đầu đời của một đứa trẻ với chữ, với số và với môi trường học tập. Tôi chỉ là người thư ký trung thành ghi lại tất cả bằng thơ”.
Cuối cùng là tập thơ Nói chuyện với hạt ngô, đây có lẽ là tập thơ đặc biệt nhất trong cả bộ sách, ghi dấu nhiều nhất những tháng ngày ấu thơ của chính tác giả. “Tôi sinh ra và lớn lên trên thảo nguyên Mộc Châu, mảnh đất thơ mộng và lộng lẫy. Những trải nghiệm với thảo nguyên, với rừng, với suối, với bốn mùa, với bạn bè… đã ăn sâu vào tâm trí. Khi viết thơ cho trẻ, tôi muốn tất cả những trải nghiệm ngọt ngào ấy trải tràn trên trang giấy, như dòng suối trên thảo nguyên, như cơn mưa mùa hạ, thấm đẫm, tràn trề”, tác giả bày tỏ. “Đó cũng là lý do vì sao khi viết tập thơ này tôi chọn thể thơ văn xuôi và hình thức thơ kể chuyện. Bằng cách ấy, tôi muốn thì thầm với con, với trẻ nhỏ về thiên nhiên, về cuộc sống, về những dấu yêu giăng mắc khắp quanh ta”.
Dễ thấy, từng tập thơ trong Dắt mẹ đi chơi đều nảy nở từ những khoảnh khắc đời thực nhất qua chính trải nghiệm cuộc sống của mẹ và con. Mỗi tập thơ ra đời như cách để người mẹ ghi lại từng quãng trưởng thành của đứa con. Để rồi, trên mỗi quãng đường khám phá thế giới bao la, con vẫn luôn có mẹ đồng hành để chia sẻ, để thấu hiểu.
Bộ sách thơ của tác giả Mai Quyên. Ảnh: TT&VH. |
Lắng nghe con để thơ nảy nở
Thơ viết cho thiếu nhi xưa nay vẫn là thách thức nhiều người viết. Nhưng với Mai Quyên, thơ đến với chị tự nhiên giống như cách chị quan tâm, trò chuyện với con hàng ngày. Chẳng vậy mà chị thừa nhận mình không mấy khi gặp khó khăn trong quá trình sáng tác. Mọi cảm xúc của chị đều là hoa của cuộc sống, nảy nở từ những khoảnh khắc ngọt ngào trong cuộc sống của một người mẹ và đứa con rất đỗi yêu thương.
“Thơ tôi hầu như không có hư cấu, nó cứ đến tự nhiên như là lời nói vậy. Nhiều khi chỉ là bắt gặp cảnh một người mẹ dắt đứa con lẫm chẫm ngoài đường hay cảnh đứa bé con đợi mẹ bên hiên nhà trẻ, lúc trời đang mưa, lòng mình bỗng dưng mềm lại, và thơ đến. Trong 5 tập thơ, có thể gặp vô vàn hình ảnh thực đến tận cùng như thế”, chị chia sẻ.
Với Mai Quyên, sự đồng hành và trải nghiệm cuộc sống cùng con chính là chất liệu sáng tác dồi dào và chẳng thể nào vơi cạn. Thơ của chị là tiếng nói của con trẻ, và con trẻ cũng chính là nguồn cảm hứng vô tận để chị viết thơ. Chị vẫn luôn tin chỉ cần mỗi người lớn chịu dừng lại, nhìn ngắm, lắng nghe những đứa con của mình bằng cả trái tim, thì ai cũng có thể phát hiện ra những điều long lanh trong tiếng nói, nụ cười, trong từng câu từ của trẻ. Theo nghĩa nào đó, tất cả tín hiệu ấy, với chị, đều đã là thơ.
Chị cũng quan niệm, để viết thơ cho thiếu nhi, trước hết hãy là một đứa trẻ, hãy để cho tâm hồn mình được làm trẻ thơ. Đừng nhăm nhăm “dạy dỗ”, “giáo dục” chúng khi cầm bút: “Nếu người viết cho trẻ luôn có ý định lên lớp chúng, dạy chúng cái này cái kia mà không chịu lắng nghe những suy nghĩ của chúng thì tác phẩm sẽ không bao giờ đến được với trẻ thơ”.
Trở lại với Dắt mẹ đi chơi, đây là bộ sách thơ dành cho thiếu nhi, nhưng trước nhất điều mà tác giả Mai Quyên gửi gắm lại hướng đến những người làm cha làm mẹ. Chị muốn nói với họ: “Hãy lắng nghe con mình. Chúng không nói nhảm. Hãy cố gắng dành thời gian cho con, cùng các con chuyện trò, để hiểu con hơn, cùng con khôn lớn, và cũng để tròn đầy hơn nhân cách của chính mình - những người làm mẹ làm cha. Không có những đứa con, chúng ta không bao giờ thành cha mẹ”.
Hãy vui chơi và nhìn thế giới
Với trẻ thơ, Mai Quyên mong bộ sách sẽ như một thông điệp về cuộc sống giản dị mà chan chứa yêu thương: “Các con hãy cùng cha mẹ của mình vui chơi và ngắm nhìn thế giới xung quanh. Có khi chỉ là một chiếc lá, một con thạch sùng trên tường, một tổ kiến trong góc cửa. Nếu được đi xa hơn, con có thể đến với công viên, với vườn cây, ngắm một chồi non mỗi ngày một lớn, quan sát nụ hoa một sáng một tròn đầy. Vạn điều kỳ diệu luôn ở quanh ta. Hãy rời điện thoại hay Ipad, con sẽ gặp ngay thôi”.