Tìm hiểu kiến thức khoa học là vấn đề được đông đảo phụ huynh và con trẻ quan tâm hiện nay. Để “mềm hóa” những hiểu biết, quy luật của khoa học, một số bộ sách ra đời, mang đến cách tiếp cận gần gũi cho độc giả nhí thông qua loạt câu hỏi đời thường.
Xu hướng xuất bản sách khoa học dành cho thiếu nhi được bàn đến trong buổi giao lưu với chủ đề “Kể chuyện khoa học”. Sự kiện diễn ra sáng 22/4 tại Phố sách Hà Nội, là một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022.
Các diễn giả chia sẻ tại buổi giao lưu sáng 22/4 tại Hà Nội. Ảnh: Thu Huệ. |
Kiến thức khoa học cần gắn với tinh thần Việt
Sách về khoa học cho thiếu nhi hiện nay được coi là một mảng đề tài quan trọng đối với giới xuất bản. Nhật Bản được biết đến là quốc gia gắn với dòng sách ehon cho trẻ. Những ấn phẩm đó thường thiên về tình cảm, kỹ năng, giáo dục lối sống cho các em.
Trong khi đó, các nước phương Tây lại nổi lên với dòng “picture book”, tập trung nhiều hơn về phần hình ảnh minh họa.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - cho biết đối với sách thiếu nhi, giới xuất bản Việt Nam thường mua bản quyền hai dòng sách này. Bởi ở trong nước, thể loại truyện khoa học cho trẻ vẫn còn khá mới mẻ với các tác giả Việt.
Một số bộ sách khoa học nổi tiếng được các đơn vị xuất bản trong nước mua bản quyền có thể kể đến như Thuyết minh trực quan nhất, Khoa học khủng khiếp, Khoa học diệu kỳ, Babies University… Chúng mang đến kiến thức khoa học chính xác, chi tiết và trực quan cho các em nhỏ; song lại thiếu đi yếu tố tinh thần Việt.
“Ở Việt Nam, rất khó để tìm được tác giả viết sách phổ biến kiến thức khoa học cho thiếu nhi một cách hấp dẫn. Các đơn vị thường dành phần lớn ngân sách để mua bản quyền các ấn phẩm nước ngoài đối với dòng sách này. Điều đó thể hiện sự phát triển, hòa nhập của nền xuất bản. Nhưng nếu chỉ ‘nhập siêu’ mà không ‘xuất siêu’ cũng là điều đáng buồn”, bà Phượng nêu thực trạng.
Người đứng đầu Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cho rằng sách khoa học nếu được thực hiện bởi các tác giả trong nước, sẽ truyền tải gần gũi hơn tinh thần Việt đến độc giả nhí, giúp gieo vào lòng con trẻ tình yêu khoa học ngay từ nhỏ; đồng thời tạo ra sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình.
Quan sát dòng ehon của Nhật Bản cũng như các tựa sách thú vị từ châu Âu, châu Mỹ, tác giả Hoàng Anh Đức đã ấp ủ ý tưởng về một bộ truyện khoa học dành cho trẻ em Việt Nam.
Mới đây, bộ Kể chuyện khoa học của ông chính thức lên kệ, được xuất bản dưới hình thức song ngữ Việt - Anh. Đây cũng là công trình được thực hiện bởi nhóm tác giả người Việt (thạc sĩ Hoàng Anh Đức viết lời, họa sĩ Lộc Linh và Hồng An thực hiện phần tranh minh họa), mang đến kiến thức khoa học lồng ghép giữa văn hóa Việt.
Bộ sách phổ biến kiến thức khoa học cho thiếu nhi của nhóm tác giả Việt. Ảnh: Thu Huệ. |
Cách đặt câu hỏi gần gũi
Trẻ nhỏ luôn có hàng chục nghìn câu hỏi vì sao. Đối với sự tò mò của trẻ, nhóm tác giả đã chọn cách diễn giải dễ hiểu, dí dỏm và sinh động, giúp độc giả nhí dễ dàng tiếp cận và tìm được niềm vui khi đọc.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng đánh giá sự thành công của một cuốn sách khoa học thiếu nhi xuất phát từ tính liên kết giữa hình ảnh và nội dung. Sự liên kết đó phải khơi gợi trí tò mò, tưởng tượng của trẻ. Để làm được điều đó, các tác giả cần nắm bắt được tâm lý của trẻ thơ, mang sự trong sáng, hồn nhiên đó vào từng câu chữ.
Là nhà nghiên cứu giáo dục, đồng thời là một ông bố viết dành tặng con gái trong quãng thời gian hai năm dịch bệnh cùng chơi, cùng học và đọc sách với con, tác giả Hoàng Anh Đức đã nghĩ ra cách đặt câu hỏi gần gũi, lấy đó làm tiêu đề cho 6 cuốn sách của mình: Tại sao phải rửa tay?, Tại sao nước biển mặn?, Lửa đến từ đâu?, Máu chảy thế nào?, Cá có ngủ không? Cầu vồng đi đâu?.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, thạc sĩ Hoàng Anh Đức nói: “Quá trình ra đời bộ sách này rất ngẫu nhiên. Một tối nọ, con gái tôi liên tục bật, tắt công tắc đèn ở bình cá. Khi gia đình giải thích điều đó sẽ khiến cá không được ngủ, bé liền tò mò rằng cá ngủ như thế nào trong khi chúng luôn mở mắt. Cứ thế, các câu hỏi của bé là gợi ý đề tài để tôi triển khai bộ sách này”.
Bộ sách kể lại những câu chuyện trong gia đình với hàng loạt câu hỏi của con gái. Do đó, những cuốn sách này không chỉ dành cho thiếu nhi, mà còn giúp phụ huynh “giải quyết” hàng nghìn câu hỏi vì sao của trẻ.
Họa sĩ Lộc Linh - người thực hiện phần tranh minh họa cho bộ ấn phẩm này - chia sẻ sau khi đọc bản thảo, cảm nhận được sự gần gũi trong phần nội dung, cô đã dùng những nét vẽ, hình ảnh thường ngày nhất có thể để minh họa, nhằm tạo sự thân quen và kích thích trí tò mò của các em.
Trước kiến thức khoa học lý giải hiện tượng tự nhiên, thế giới vi khuẩn, có thể người và các loài sinh vật, những vấn đề khoa học rắc rối được tác giả nhìn nhận qua lăng kính trẻ thơ, tưởng chừng vu vơ song rất tuần tự, dễ hiểu.
“Tôi không dám trả lời những câu hỏi lớn hay đưa ra nội dung khái quát, dẫn luận khó, mà chỉ vui đùa với những câu hỏi đời thường”, tác giả Hoàng Anh Đức nói.
Lối dẫn dắt tự nhiên cùng cách lồng ghép minh họa cụ thể, mang màu sắc tươi sáng và biểu cảm hài hước của nhân vật khiến từng dòng nội dung đều trở nên sinh động.
Cũng trong khuôn khổ buổi giao lưu, Quỹ Sách cộng đồng với khoảng 10.000 bản sách được giới thiệu.
Mục tiêu mà quỹ đề ra trong năm nay là đưa sách về các trại giam, khu công nghiệp và vùng sâu, xa. Bên cạnh đó, ban tổ chức sẽ tặng sách cho nhà trường, giới thiệu những ấn phẩm phù hợp trong trường học về chủ đề danh nhân, lịch sử, thiếu nhi, văn học và giáo dục giới tính.