Bộ sách gồm 3 cuốn: Mái nhà trên cao nguyên, Tiếng rừng và Trở về. Mỗi cuốn là một câu chuyện thú vị về chú voi Đing Đoong trên hành trình tìm kiếm gia đình của mình.
Bộ sách gồm 3 cuốn, lấy bối cảnh Tây Nguyên. Ảnh: Thu Huệ. |
Gieo hạt giống của lòng tốt
Lấy cảm hứng từ vùng đất Tây Nguyên xa xôi, bộ sách còn mang đến kiến thức về văn hóa các dân tộc, đồng thời nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước cho các em nhỏ.
Mái nhà trên cao nguyên bắt đầu khi bạn voi đi lạc và được gia đình bạn Minh cưu mang. Những ngày tiếp theo đó, voi sống với buôn làng. Tình bạn của Minh, Đing Đoong cùng đồng bào nơi đây bắt đầu. Giữa cao nguyên hùng vĩ, thứ tình cảm ấy trở nên gắn kết hơn khi Minh và Đing Đoong cùng nhau lớn lên.
Thế nhưng, khi ngắm nhìn cánh rừng, Đing Đoong luôn cảm thấy nhớ nhà da diết và nhận ra nơi đồng bào đang ở không thuộc về mình. Đó là nội dung của cuốn Tiếng rừng. Ở tập này, độc giả nhí sẽ theo chân nhân vật tìm về nguồn cội.
Ở tập cuối cùng - Trở về - sau khi đã toàn tụ cùng gia đình, voi nghe tin buôn làng gặp nạn do một trận lũ lụt nên đã quyết định quay về để giúp đỡ. Đây là hành động thể hiện sự biết ơn được gieo từ lòng tốt trước đó. Nó giống như một lời hồi đáp ơn nghĩa của Đing Đoong trước lúc quay trở về rừng mãi mãi.
Thông qua bộ sách, bạn nhỏ không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, mà còn hiểu được phẩm chất nương tựa, giúp đỡ nhau của người Việt; tầm quan trọng của gia đình và ý thức bảo vệ động vật hoang dã.
Tác giả Nguyễn Chiều Xuân cho biết với việc sử dụng chất liệu Tây Nguyên bình dị, tự nhiên, mang đến những cảm nhận chân thật về con người và cuộc sống nơi đây, từng câu chuyện trong bộ sách đều được lồng ghép nhiều bài học về văn hóa và sự bảo tồn thiên nhiên, động vật.
Cây bút 9X này ấp ủ dự định thực hiện một series sách về các mảnh đất dọc miền Tổ quốc, nhưng cô chọn Tây Nguyên là nơi bắt đầu vì nơi đây mang những đặc trưng về cảnh sắc thiên nhiên và có sự đa dạng văn hóa.
“Bộ sách gieo vào lòng trẻ bài học về vòng luân hồi của lòng tốt. Khi gieo hạt giống lòng tốt ở bất cứ đâu, ta cũng sẽ nhận lại sự hồi đáp đến từ cả thiên nhiên và con người. Bên cạnh đó, sách còn cho các em hiểu biết thêm về quy luật tự nhiên. Mỗi loài động vật đều có môi trường sống riêng, chỉ khi được sống trong môi trường đó, nó mới có thể hạnh phúc trọn vẹn”, tác giả Chiều Xuân nói.
Tranh, ảnh, dụng cụ và sản vật Tây Nguyên được trưng bày sáng 2/4 tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh và trẻ nhỏ. Ảnh: Thu Huệ. |
Ngôn từ dẫn lối trí tưởng tượng
Bà Phan Hồ Điệp - chuyên gia giáo dục sớm tại Đại học Sư phạm Hà Nội - cho rằng dù chọn Tây Nguyên, một địa điểm khá xa xôi, bộ sách vẫn có thể chạm đến các em nhỏ một cách gần gũi bởi cách dẫn dắt chuyện chân thật cùng hệ thống ngôn từ đẹp.
“Ngôn từ có một sức mạnh to lớn, cụ thể là trí tưởng tượng. Nó đưa trẻ đi từ nơi này sang nơi khác, thậm chí là thám hiểm vũ trụ, đặt chân đến những vùng đất không hề tồn tại. Bộ sách này có nhiều câu văn miêu tả rất đẹp với ngôn từ trong sáng. Các em có thể ghi nhớ và vận dụng vốn từ đó vào việc hành văn của mình”, giảng viên Phan Hồ Điệp nói.
Bên cạnh tình yêu thiên nhiên, lật mở trang sách, các bạn nhỏ còn cảm nhận được vẻ đẹp bởi phần tranh minh họa đậm chất Tây Nguyên và thông điệp về sự kết nối giữa con người với nhau và với động vật.
Bộ sách cũng là tâm huyết của họa sĩ trẻ Thanh Phan. Khi thực hiện phần tranh minh họa, cô đã dành nhiều tháng tại Thư viện Quốc gia để tìm hiểu văn hóa, con người và thông tin về bảo tồn động vật hoang dã.
Sự kết hợp giữa lễ ra mắt sách và triển lãm “Tiếng rừng” (gồm nhiều tranh, ảnh, nhạc cụ, vật phẩm văn hóa Tây Nguyên) sáng 2/4 tại Hà Nội, khiến giảng viên Phan Hồ Điệp có cảm giác “lạc vào buổi giới thiệu một bộ phim hoạt hình, bắt gặp nhiều con vật, cảnh sắc núi rừng với tiếng đàn T’rưng và những hạt cà phê”.
Đại diện đơn vị xuất bản bộ sách Em yêu Việt Nam mình cho biết khi lên ý tưởng kết hợp giữa triển lãm tranh và ra mắt sách, toàn ê-kip đã nghĩ Tây Nguyên là mảnh đất đẹp nhưng quá xa xôi so với độc giả, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch. Vì thế, với sự kết hợp này, mọi người có thể ghé thăm vùng đất ấy qua tranh ảnh, đắm chìm vào cảnh sắc thiên nhiên.