Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Người trồng rừng’ truyền cảm hứng về tình yêu thiên nhiên

"Người trồng rừng" là câu chuyện về người chăn cừu đã dành hết tâm sức để trồng thật nhiều cây trong thung lũng cằn cỗi suốt nửa đầu thế kỷ 20.

Câu chuyện Người trồng rừng bắt đầu vào năm 1913 khi người kể chuyện đang trong chuyến đi bộ đường dài qua Provence vào dãy núi Alps. Anh bị cạn kiệt nước ở một thung lũng hoang vắng, không có gì ngoài cái giếng khô cạn.

Trong khi mê man vì khát nước, anh được cứu bởi một người đàn ông chăn cừu. Ông đã đưa anh đến một con suối.

Nguoi trong rung anh 1

Sách Người trồng rừng. Ảnh: Netabooks.

Tò mò về người đàn ông này cũng như lý do ông chọn cuộc sống cô đơn như vậy, người kể chuyện đã ở lại với ông ta một thời gian. Người chăn cừu, Elzéard Bouffier, sau khi góa bụa, đã quyết định khôi phục lại khung cảnh hoang tàn của thung lũng bị bỏ hoang này bằng cách trồng rừng. Ông bắt đầu trồng cây sồi và bạch dương.

Năm 1920, bước ra khỏi Chiến tranh thế giới thứ nhất với tâm lý suy sụp, chán nản, chàng trai trẻ tìm đến thung lũng xưa. Anh ngạc nhiên khi nhìn thấy những cây non đang bén rễ trong thung lũng, những con suối mới chảy qua đó. Người kể chuyện hoàn toàn chìm đắm trong sự bình yên và vẻ đẹp của thung lũng xanh.

Trong hơn bốn thập kỷ, Bouffier cần mẫn thực hiện công việc trồng cây mỗi ngày. Bằng sự tận tụy và tình yêu thiên nhiên tha thiết, ông đã tạo nên được điều kỳ diệu - hồi sinh mảnh đất cằn cỗi.

Sự sống xuất hiện là nhờ sự kết hợp chặt chẽ của biết bao yếu tố đến vũ trụ, muôn người và muôn loài. Nhận thức được điều đó, ta mới có thể đem hết tâm ý đóng góp phần tốt đẹp nhất của mình để bảo vệ sự sống, bảo vệ thiên nhiên.

Khi xây dựng nhân vật Elzéard Bouffier, tác giả đã muốn nói lên tâm nguyện thiết tha đó. Mong muốn con người và thiên nhiên sống với nhau thật hài hòa. Đó là mối thâm tình đã có từ muôn thuở. Phá hủy mối thâm tình đó là phá hủy tất cả.

Truyện Người trồng rừng lần đầu tiên xuất hiện trên tờ tuần san Vogue của Mỹ năm 1954, với tên Người gieo trồng hy vọng và hạnh phúc.

Nguoi trong rung anh 2

Phần minh họa tươi sáng, dễ thương của cuốn sách. Ảnh: Netabooks.

Truyện được dịch ra nhiều thứ tiếng, đã gây được phong trào tái tạo rừng khắp nơi. Jean Giono không nhận tiền tác quyền. Ông mong muốn câu chuyện có thể lan tỏa được tình yêu và cảm hứng cho việc trồng rừng.

Người trồng rừng được chuyển thể thành phim năm 1987 và đoạt giải Cành Cọ Vàng Phim ngắn tại Liên hoan phim Cannes năm 1987, giải Oscar cho Phim hoạt hình ngắn xuất sắc năm 1988.

Với 52 trang chuyện kể được minh họa màu sinh động, bắt mắt, hình thức bìa cứng trang nhã, cuốn sách là món quà nhỏ vô cùng ý nghĩa dành tặng cho bạn đọc yêu cây, yêu rừng và yêu những điều bé nhỏ tử tế.

Jean Giono sinh ngày 30/3/1895 tại Manosque, Pháp. Cha ông là thợ sửa giày và mẹ ông làm nghề giặt ủi. Năm 16 tuổi, ông phải ngừng học, đi làm thư ký trong một ngân hàng, để có tiền nuôi sống gia đình.

Năm 1924, ông xuất bản hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên có tiếng vang lớn, nhờ sự hỗ trợ của văn hào Andre Gide. Jean Giono còn là tác giả của 30 cuốn tiểu thuyết, một số truyện ngắn, tiểu luận, thơ ca, kịch bản phim và kịch.

Câu chuyện ứng xử với thiên nhiên

Hai cuốn sách "Đầm lầy" và "Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ" không chỉ nghiên cứu lịch sử môi trường - địa lý, mà còn nói lên câu chuyện ứng xử với thiên nhiên.

Thanh Anh

Bạn có thể quan tâm