Cha mẹ hãy khen ngợi bé khi con tiến bộ để trẻ cảm thấy nỗ lực của bản thân được ghi nhận. Ảnh: M&C. |
Tôi ngày càng nghe nhiều phụ huynh bày tỏ mối quan ngại của họ về khuyến khích hành vi sau khi đọc một cuốn sách về phương pháp Montessori hoặc sau khi nói chuyện với một người bạn không được đào tạo về tâm lý học hoặc thần kinh học.
Có một quan niệm phổ biến rằng khuyến khích các hành vi tích cực của trẻ có thể khiến chúng phụ thuộc vào những sự khích lệ này (đứa trẻ chỉ làm những gì được bảo là đúng) hoặc ái kỷ (đứa trẻ nghĩ rằng chúng làm tốt mọi việc). Thật vậy, có những nghiên cứu cho thấy rằng nếu chúng ta khuyến khích hành vi một cách bừa bãi, có thể đứa trẻ sẽ tin rằng mình là thánh là tướng, hoặc nếu chúng ta khuyến khích mọi điều nhỏ nhặt mà trẻ làm tốt, có thể trẻ sẽ quá lệ thuộc vào sự đánh giá của người khác.
Trong chủ đề này cũng như nhiều chủ đề khác, bạn có thể tưởng tượng rằng sự cực đoan thường có hại và rõ ràng là việc liên tục khuyến hành vi của trẻ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới lòng tự trọng của chúng. Tuy nhiên, tất cả các nghiên cứu đều chỉ ra rằng sự khuyến khích hành vi được áp dụng đúng lúc, với tần suất phù hợp là nền tảng cho quá trình giáo dục trẻ em.
Tôi đảm bảo với bạn rằng nếu bạn biết mình nên khuyến khích một số hành vi nhất định vào thời điểm nào và như thế nào, 90% là bạn sẽ thắng trong cuộc chiến giáo dục và việc nuôi dạy con sẽ khiến cả cha mẹ và con cái hài lòng hơn nhiều, bởi vì cha mẹ cần con cái hình thành thói quen hành vi một cách từ từ và trẻ thường cảm thấy an tâm hơn nếu chúng hiểu và biết hành động đúng luật.
Khuyến khích có nghĩa là tăng cường một hành vi chứ không phải là uốn nắn hành vi của trẻ một cách sai lệch khi giáo dục trẻ, đó là một xu hướng hoàn toàn tự nhiên.
Sự thật là bạn không thể giáo dục trẻ nếu không khuyến khích hành vi, bởi vì khuyến khích hành vi là điều tự nhiên, như mỉm cười với một đứa trẻ đang khoe thứ gì đó với bạn với vẻ tự hào hoặc thể hiện sự hài lòng của bạn khi trẻ học được một kỹ năng mới.
Có rất nhiều cách khích lệ trẻ: từ phần thưởng vật chất, ví dụ như một món đồ chơi, đến nụ cười; mặc dù các nghiên cứu đã nhiều lần chỉ ra rằng phần thưởng vật chất không có tác dụng khuyến khích (thậm chí còn phản tác dụng). Hay đúng hơn, hiệu quả nhất là những cử chỉ đơn giản.
Điều thú vị nhất về sự khích lệ không phải là bạn làm gì hay trẻ làm gì, mà là điều gì xảy ra trong não trẻ khi chúng được khen thưởng. Mỗi lần đứa trẻ cảm thấy được khích lệ, các tế bào thần kinh đặc biệt nằm trong vùng não kiểm soát động lực sẽ tiết ra một chất gọi là dopamine. Dopamine cho phép bộ não của trẻ liên kết hành vi với cảm giác thỏa mãn hoặc sự khen thưởng.
Nói một cách đơn giản nhất thì sự thỏa mãn tạo ra dopamine và dopamine cho phép hai ý tưởng, hai tế bào thần kinh, kết hợp với nhau. Tôi sẽ đưa ra một ví dụ rất rõ ràng để bạn hiểu nó một cách thấu triệt.
Nếu một ngày nào đó, do tò mò, nhóc con nhà bạn mở một chiếc hộp cất trong tủ bếp và phát hiện bên trong chứa đầy bánh quy chocolate, não của cậu bé sẽ ngay lập tức cảm thấy rất thỏa mãn. Sự thỏa mãn đó sẽ cho phép cậu bé liên kết hành động cụ thể này, và tính tò mò nói chung, với cảm giác thỏa mãn. Rất nhanh chóng, các tế bào thần kinh liên quan đến cơn đói sẽ kết nối với những tế bào đại diện cho hộp bánh quy.
Điều đơn giản mà bạn vừa hiểu này chính là cơ chế học tập cơ bản. Nhờ phần thưởng kiếm được, đứa trẻ đã học được rằng cái hộp này chứa rất nhiều bánh quy chocolate đáp ứng nhu cầu đường của mình. Đây là một ý tưởng rất mạnh mẽ, bởi vì mọi bậc cha mẹ khi cố gắng dạy dỗ con cái, rốt cuộc đều muốn con học tập, tạo ra những kết nối trong não cho phép chúng tự chủ, đạt được mục tiêu và hạnh phúc.
Trẻ sẽ học được những thói quen, cách suy nghĩ, nguyên tắc, giá trị và kiến thức từ bạn. Nếu bạn liên kết thành công những hành động mà bạn cho là có lợi cho trẻ với phần thưởng là cảm thấy thỏa mãn hoặc được công nhận, bạn sẽ giúp thúc đẩy hành vi của trẻ một cách thích hợp.
Có vô số cách áp dụng nguyên tắc rất cơ bản này: từ giúp con cai bỉm, đến ngăn ngừa các vấn đề về hành vi, từ khuyến khích niềm vui đọc sách tới giúp con suy nghĩ tích cực hoặc thực hiện các công việc cơ bản như mặc quần áo và ăn uống.
Khi bạn học cách khuyến khích con đúng cách, bạn sẽ thấy những khoảnh khắc tức giận và thất vọng ít đi như thế nào, bởi vì bộ não của trẻ biết được điều đó là gì trước khi nó xảy ra và điều đó không phải lúc nào cũng phù hợp. Chúng ta hãy tập trung nhìn vào điều này.
Bình luận