Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Nhạc lá’ - sức mạnh kỳ diệu của thiên nhiên

“Nhạc lá” của nhà văn Bùi Minh Quốc tái hiện bức tranh thiên nhiên tươi đẹp nhằm truyền tải thông điệp về sự kết nối đặc biệt giữa con người với thiên nhiên.

Nhạc lá xoay quanh câu chuyện của bé Loan từ khi em còn là đứa trẻ cho đến lúc trưởng thành với nhiều biến cố đau thương trong đời.

Vì sự ngay thẳng trong công việc, ba mẹ của em đã bị hãm hại. Ba mất đi mang theo nỗi oan ức, mẹ bị tai nạn nằm liệt giường. Gánh nặng gia đình đặt hết lên đôi vai bé nhỏ của Loan từ khi em lên mười tuổi.

Nhac la anh 1
Sách Nhạc lá. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Trong những ngày tháng khó khăn đó, Loan thường vào rừng để tìm kiếm sự an ủi. Cuộc gặp gỡ với họa sĩ Phan Thạch cũng là bước ngoặt thay đổi cuộc đời Loan.

Tình yêu nghệ thuật và yêu rừng của bác Phan Thạch đã truyền động lực cho cô bé. Em cũng được bác truyền dạy cho môn kèn lá. Chỉ với một chiếc lá trong rừng, em có thể thổi những bản nhạc đầy sắc màu, cảm xúc, giúp em giải tỏa những mệt mỏi.

Âm nhạc cũng đem đến những điều tốt đẹp cho cuộc sống nhiều nỗi mất mát của em. Chiếc kèn lá cũng là biểu tượng ẩn dụ cho âm thanh reo vui của thiên nhiên - âm thanh có thể chữa lành tâm hồn con người.

Với Nhạc lá, nhà văn Bùi Minh Quốc đã dựng nên hình ảnh đặc sắc về những con người yêu rừng, yêu thiên nhiên tha thiết. Đó là họa sĩ Phan Thạch, suốt đời chỉ say mê vẽ những bức tranh núi rừng. Ông sống trong một căn nhà nhỏ giữa rừng, tựa lưng vào cây cối mà nghỉ ngơi.

Loan là hình ảnh tiếp nối của ông, là cô bé có tâm hồn trong trẻo, mang tình yêu hồn nhiên với cây cối.

Mỗi khi buồn, em đều đi bộ mải miết trong rừng, thì thầm trò chuyện với cây cối như tri kỉ. Bởi vì tình yêu ấy, em có thể khiến những chiếc lá reo lên thứ âm nhạc tuyệt vời, lưu luyến trái tim người nghe.

Loan và bác Phan Thạch đều có kết nối đặc biệt với thiên nhiên, bởi vì họ thấu hiểu được việc cây cỏ cũng có linh hồn.

Câu chuyện về cuộc đời Loan, về tình yêu và sự gắn bó với thiên nhiên của em đã khơi dậy những cảm xúc mãnh liệt cho người đọc. Theo dấu chân Loan, ta có thể bước đi sâu vào những cánh rừng, lắng nghe tiếng chim hót, tiếng gió thổi, tiếng suối reo…

Loan luôn giữ cho mình trái tim đầy nỗ lực, tin tưởng. Trước sự ra đi của cha, bệnh tật của mẹ, em đã làm hết sức mình để chăm sóc mẹ, giúp mẹ từng bước khỏi bệnh. Đồng thời, em cũng luôn vui tươi chân thành, sống biết yêu thương và can đảm.

Chứng kiến hành trình trưởng thành của bé Loan, mỗi người cũng có thể tìm cho mình một nguồn động lực mạnh mẽ để sống, để vượt qua nghịch cảnh.

Câu chuyện cảm động được đặt trong bối cảnh thiên nhiên đẹp đẽ tạo nên sức hấp dẫn cho Nhạc lá. Người đọc có thể từng bước khám phá cuốn sách và nhẩn nha ngắm nhìn cây cối, từ đó biết trân trọng thiên nhiên, tìm thấy sự gắn kết với thiên nhiên.

Truyện dài Nhạc lá của nhà văn Bùi Minh Quốc mang đậm tính thời sự trong bối cảnh con người ngày càng chứng kiến nhiều cơn cuồng nộ của thiên nhiên do nạn phá rừng gây ra. Trong lần tái bản năm 2020, Nhạc lá còn có di cảo tranh minh họa đầy thanh thoát, phóng khoáng của cố nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Trọng Tạo.

Nhà văn Bùi Minh Quốc sinh năm 1940 tại Hà Nội. Một số tác phẩm của nhà văn Bùi Minh Quốc là: Làng bên cầu, Đôi mắt nhìn tôi, Đốm lửa xanh, Chuyện của người khách lạ…

Ông đoạt giải A cuộc vận động sáng tác “Vì tương lai con em chúng ta” của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Việt Nam (1980) với tác phẩm Hồi đó ở Sa Kỳ.

Ông Lê Minh Quốc: Sách thiếu nhi được quan tâm tại Giải Sách Quốc gia

Ngoài chia sẻ niềm vui nhận giải, ông Lê Minh Quốc nhấn mạnh những điểm mới và khác biệt trong Giải thưởng Sách Quốc gia năm nay.

Phong Linh

Bạn có thể quan tâm