Chiều 29/9, tại Hà Nội, ban tổ chức đã trao giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn cho các sáng tác ở lĩnh vực văn học, âm nhạc, hội họa, sân khấu… Trong đó, ban tổ chức trao một giải thưởng lớn Hiệp sĩ Dế Mèn (Cricket Knight) và 4 giải Khát vọng Dế Mèn (Cricket Desire).
Ngoài 2 giải Khát vọng Dế Mèn dành cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và họa sĩ nhí Nguyễn Đới Chung Anh (10 tuổi), các giải thưởng còn lại được trao cho tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học.
Tác giả Cao Khải An (thứ hai từ trái sang) nhận giải Khát vọng Dế Mèn. Ảnh: Hương Hoàng. |
Phát hiện tài năng văn học nhí
Nhà văn trẻ Nguyễn Chí Ngoan, sinh năm 1991, giành giải Khát vọng Dế Mèn với tập truyện ngắn Mộng giang hồ. Tập truyện ngắn được thầy giáo trẻ viết trong những ngày cách ly vì dịch Covid-19. Với cây bút trẻ, tên tuổi còn khá mới trên văn đàn, đây là một thành công.
Tác giả có cái nhìn rất tinh tế khi khai thác cuộc sống của những đứa trẻ lớn lên ở thôn quê, thiếu vắng hình bóng cha mẹ. Vì cuộc mưu sinh, ba má các em phải bám trụ ở thành phố. Để lấp đầy khoảng trống trong lòng, những đứa trẻ tìm kiếm yêu thương từ tình người, tình cảm hàng xóm láng giềng.
Giống họa sĩ nhỏ tuổi Nguyễn Đới Chung Anh, nhà văn nhí Cao Khải An (12 tuổi) là phát hiện mới của giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn.
Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm là bản thảo chưa được xuất bản của “nhà văn nhỏ tuổi” này. Tác phẩm đã tập hợp nhiều mẩu chuyện nhỏ hài hước và hóm hỉnh. Chúng thể hiện cái nhìn hồn nhiên của con trẻ về cuộc sống xung quanh.
Vốn sống dồi dào, cùng ngôn ngữ kể chuyện phong phú, đậm chất Nam Bộ là điểm mạnh của tập truyện này. Trong khi nhiều tác giả viết cho thiếu nhi hứng thú với văn học giả tưởng, Cao Khải An vẫn muốn bám sát đời sống để kể những mẩu chuyện gần gũi, sống động.
Trong những ngày tháng nghỉ học vì dịch bệnh, cậu bé này đã đọc rất nhiều sách. Thế giới thú vị của những cuốn sách đã đọc thôi thúc em viết câu chuyện của riêng mình với phong cảnh đơn sơ của mảnh đất Cà Mau quê hương.
Một điều bất ngờ cho ban giám khảo khi biết Cao Khải An chính là con trai của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Cậu bé khá nhút nhát này chia sẻ: "Sau khi đọc, mẹ nhận xét tác phẩm của em không hấp dẫn lắm, vì trong đó không ẩn chứa bài học đạo đức cho thiếu nhi". Tác giả nhí rất bất ngờ khi tập truyện của mình đoạt giải.
Truyện dài Làm bạn với bầu trời giành được nhiều tình cảm của bạn đọc nhỏ tuổi. Ảnh: NXB Trẻ. |
Giải thưởng lớn dành cho “nhà văn của thiếu nhi”
Giải thưởng lớn Hiệp sĩ Dế Mèn giành cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với truyện dài Làm bạn với bầu trời. Tác phẩm này được ra mắt cách đây khoảng 1 năm, đúng dịp Trung Thu năm 2019. Vào Tết Trung Thu 2020, nó lại được trao giải thưởng lớn Hiệp sĩ Dế Mèn lần thứ nhất. Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đây là "một cái duyên".
Trong lễ trao giải, các thành viên ban giám khảo như nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đều cho rằng viết cho thiếu nhi rất khó. Một nhà văn đã trưởng thành, thậm chí lớn tuổi, phải giữ cho mình tâm hồn thật trong trẻo, nhờ đó mới cảm nhận được cuộc sống bằng cái hồn nhiên của con trẻ.
Một tác phẩm viết cho thiếu nhi được đánh giá là thành công khi đạt được 2 yếu tố. Đầu tiên, nó phải làm cho trẻ nhỏ thấy hấp dẫn. Người lớn đọc tác phẩm cũng phải thấy thú vị và ngẫm nghĩ được những điều quý báu.
Hiện nay, ít tác phẩm thiếu nhi làm được điều này. Bởi, trong trẻ con là một người trưởng thành đang dần lớn, trong người lớn lại có một đứa trẻ không bao giờ già.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói: “Tôi được xem là nhà văn của thiếu nhi, bởi viết cho bạn đọc nhỏ tuổi phù hợp nhất với 'cái tạng' của bản thân. Tôi mong muốn nhờ những câu chuyện giản dị, mang hình bóng xứ Quảng của mình, sẽ gieo vào lòng các em những hạt giống của lương thiện".
Là người dõi theo chặng đường sáng tác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong suốt thời gian dài, nhà phê bình Ngô Văn Giá nói việc nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đoạt giải Hiệp sĩ Dế Mèn không có gì bất ngờ. Tạo bất ngờ và tìm ra nhân tố mới không phải điều quan trọng nhất với một giải thưởng. Trên hết, giải thưởng phải được trao cho những tác phẩm chất lượng và xứng đáng.