Bảo vệ thiên nhiên, môi trường là vấn đề toàn cầu, được quan tâm sâu sắc hiện nay. Xu hướng xuất bản sách thiếu nhi về thiên nhiên, môi trường được bàn thảo trong tọa đàm “Sách và giáo dục môi trường”.
Chương trình diễn ra sáng 15/4 tại phố sách Hà Nội, là một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022.
Cuốn sách truyền tình yêu thiên nhiên, môi trường. Ảnh: Việt Linh. |
Truyền tình yêu thiên nhiên, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường
Sách về thiên nhiên, môi trường cho thiếu nhi là một mảng đề tài lớn, xu hướng của xuất bản thế giới. Vài năm trở lại đây, mảng đề tài này được nhiều đơn vị xuất bản trong nước chú trọng.
Nhà xuất bản Kim Đồng, đơn vị chuyên làm sách thiếu nhi, thực hiện một số cuốn sách nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Trong đó, Loài plastic là cuốn sách tiêu biểu, từng nhận giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư.
Ở lĩnh vực sách tranh, đơn vị này cũng thực hiện Chang hoang dã - Gấu - cuốn sách về bảo tồn động vật đã được mua bản quyền tại nhiều quốc gia, đoạt giải A giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư.
Kim Đồng cũng mua bản quyền, đưa nhiều bộ sách về môi trường thế giới về Việt Nam, tiêu biểu như bộ sách 5 cuốn Công dân nhí bảo vệ tự nhiên…
Quan tâm tới mảng sách môi trường cho thiếu nhi, Nhã Nam thực hiện nhiều cuốn sách, bộ sách. Bộ Hít hà mùi đất nước dành cho tuổi mầm non, tiểu học lấy bối cảnh làng quê Việt Nam, giúp bạn đọc nhỏ biết lắng nghe và thêm yêu thiên nhiên.
Bộ sách Go Green! giúp bạn đọc lứa tuổi tiểu học nhận thức về tình trạng ô nhiễm hiện nay, tăng cảm hứng sống xanh qua những ý tưởng thông minh.
Cuốn Trở về nơi hoang dã dành cho tuổi 6+, thông qua hành trình của một nhà bảo tồn động vật hoang dã, truyền cảm hứng, tình yêu thiên nhiên.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng thực hiện nhiều cuốn sách về ý thức bảo vệ môi trường như: Bộ sách Chăm sóc hành tinh của chúng mình, cuốn 100 điều nhỏ nhặt tớ làm cho Trái Đất, No. More. Plastic; các bộ sách nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên như: Sinh vật học kỳ thú, Kiến thức bất tận, Bộ sách đầu đời về thiên nhiên (Bốn mùa - Hoa cỏ), Khoa học chẳng khó, bộ sách đa tương tác Ú òa, sa mạc và nước xiết, Ú òa, rừng rậm và tuyết phủ, Vườn bách thảo - vườn bách thú bằng tranh…
Đại diện công ty sách Nhã Nam cho rằng giáo dục môi trường là một phần của giáo dục toàn diện cho những công dân văn minh. Những cuốn sách tâm huyết về đề tài này sẽ truyền cảm hứng cho bạn đọc, đặc biệt là độc giả nhỏ để tình yêu thiên nhiên và ý thức môi trường được nuôi dưỡng, phát triển một cách tự nhiên, bền vững.
Thạc sĩ sinh thái Anh Tuấn và tác giả sách Nguyễn Hữu Quỳnh Hương cho biết sách vở thường được họ sử dụng trong các hoạt động truyền thông, giáo dục về bảo vệ môi trường.
“Sách, truyện thiếu nhi là vũ khí để chống lại biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường”, tác giả Quỳnh Hương khẳng định.
Bộ sách truyền tình yêu thiên nhiên cho thiếu nhi. Ảnh: Nhã Nam. |
“Mềm hóa” thông điệp bảo vệ môi trường
Nguyễn Hữu Quỳnh Hương là tác giả của nhiều đầu sách về lối sống và giáo dục môi trường, cô cũng giảng dạy về lối sống xanh cho trẻ em mẫu giáo, tiểu học.
Quỳnh Hương kể trước đây khi làm truyền thông, cô và các đồng nghiệp thường đưa nhiều số liệu về ô nhiễm, các con số đáng báo động để mọi người thấy sợ mà có ý thức bảo vệ môi trường. Nhưng quá trình làm, cô nhận ra cần chạm tới cảm xúc, mềm hóa những thông điệp để mọi người tiếp nhận một cách gần gũi, tự nhiên nhất.
"Những cuốn sách sẽ đóng vai trò tạo ra cảm xúc, từ cảm xúc sẽ thay đổi nhận thức, từ đó chuyển sang hành động bảo vệ môi trường", Quỳnh Hương nói.
Đồng tình với tác giả này, thạc sĩ sinh thái Anh Tuấn cho biết vốn là người nghiên cứu nên khi chia sẻ với cộng đồng về môi trường, anh thường đưa ra nhiều số liệu. Sau này, anh chuyển những nghiên cứu hàn lâm thành câu chuyện nhỏ, từ đó có thể chuyển thông điệp tới giới trẻ, học sinh, thiếu nhi.
Thạc sĩ Anh Tuấn (phải), tác giả Quỳnh Hương (giữa) tại tọa đàm sáng 15/4. Ảnh: Đ.T. |
Thạc sĩ Tuấn cho rằng sách giáo dục môi trường cho thiếu nhi nên đi theo hai hướng.
Thứ nhất là những câu chuyện về các loại động, thực vật đặc hữu ở Việt Nam. Mỗi câu chuyện nhỏ, giản dị đóng vai trò dẫn lối bạn đọc đến tìm hiểu, khám phá, kết nối với thiên nhiên.
Thứ hai, có nhiều người đang hoạt động bảo tồn động vật, bảo vệ thiên nhiên. Họ từ châu Âu, từ thành thị… đến những khu rừng, vùng biển hoạt động bảo tồn. Những cuốn sách về các nhà bảo tồn sẽ truyền cảm hứng mạnh mẽ tới độc giả nhỏ.
Các diễn giả tại tọa đàm đồng tình sách về những vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu cho thiếu nhi cần có thông điệp mang tính địa phương. Để phục vụ bạn đọc Việt, cần câu chuyện về thiên nhiên, bối cảnh Việt, dù là sách chuyên môn khoa học cũng cần được chuyển tải dễ hiểu. Khi làm sách cho thiếu nhi, cần cân bằng giữa sách chuyên môn với câu chuyện truyền cảm hứng.
Theo Quỳnh Hương, các tác giả và nhà xuất bản khi làm sách về môi trường cho thiếu nhi cần cân nhắc có nên gây lo âu quá nhiều cho bạn đọc nhỏ. Đối với người viết sách, nên chọn những câu chuyện, ngôn ngữ giản dị, hình ảnh sống động để tạo cảm giác gần gũi với thiếu nhi.
“Cần lắng nghe trẻ, từ đó có cách kể chuyện phù hợp khi viết sách cho các em. Sách đóng vai trò gợi mở và nhắc nhở các em trong vấn đề bảo vệ thiên nhiên”, tác giả Quỳnh Hương nói.