Theo trang tin CNBC, thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 16/5, sau khi hãng bán lẻ thiết bị nội thất Home Depot đưa ra dự báo gây thất vọng và chỉ số bán lẻ tháng 4 cho thấy người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu.
Ngoài ra, mối bấp bênh về lãi suất và cuộc đàm phán trần nợ cũng khiến nhà đầu tư lo lắng.
Cụ thể, lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 336,46 điểm - tương đương 1,01% - để chốt ở mức 33.012,14 điểm. Tương tự, chỉ số S&P 500 giảm 0,64% còn 4.109,9 điểm và chỉ số Nasdaq giảm 0,18%, còn 12.343,05 điểm.
Chứng khoán Mỹ đã lao dốc sau phiên tăng điểm ngày 15/5. Ảnh: WSJ. |
Nhận xét về thị trường, chuyên gia Bill Merz của U.S. Bank Wealth Management cho biết: "S&P 500 luôn ở trong phạm vi 3.800-4.200 điểm từ đầu tháng 11, và thị trường vẫn mắc kẹt ở đó cho đến nay. Điều này thể hiện tâm lý không chắc chắn của giới đầu tư đối với khả năng thay đổi chính sách, và nền kinh tế đang bị lung lay bởi vấn đề này".
Trong số các mã trên sàn, Home Depot trượt 2,15% - trở thành cổ phiếu dẫn đầu phiên giảm này của Dow Jones và S&P 500. Cú giảm diễn ra sau khi hãng nội thất cắt giảm dự báo doanh thu hàng năm và cho biết lợi nhuận năm nay sẽ giảm mạnh hơn kỳ vọng.
Kéo theo đó, cổ phiếu Lowe’s Companies - đối thủ của Home Depot - cũng chốt phiên với mức giảm 1,16%.
Trước đó, báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh thu bán lẻ ở nước này đã tăng 0,4% trong tháng 4 - chỉ bằng một nửa mức dự báo 0,8% mà giới phân tích đưa ra. Tuy nhiên, doanh thu bán lẻ lõi - không bao gồm các mặt hàng ô tô, xăng dầu, vật liệu xây dựng, và dịch vụ ăn uống - lại bật tăng mạnh.
“Mọi người bắt đầu cho rằng Fed sẽ thành công trong cuộc chiến chống lạm phát, nhưng câu chuyện trần nợ đang gây ra nhiều lo ngại”, nhà quản lý danh mục Ken Polcari của công ty Kace Capital Advisors cho biết.
Các số liệu kinh tế gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ đã giảm tốc sau 10 đợt tăng lãi suất liên tiếp của Fed. Sự giảm tốc này cùng với cuộc khủng hoảng trần nợ của Chính phủ Mỹ đang dẫn tới những đồn đoán cho rằng Fed sắp dừng tăng lãi suất và thậm chí là chuyển sang cắt giảm.
Trong một diễn biến tích cực khác sau khi thị trường phiên 16/5 đóng cửa, Tổng thống Joe Biden - đại diện Đảng Dân chủ, và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy - đại diện đảng Cộng hòa đang tiến gần hơn tới một thỏa thuận nâng trần nợ nhằm ngăn chặn vụ vỡ nợ chính phủ đầu tiên trong lịch sử Mỹ.
Sau cuộc gặp kéo dài một giờ tại Nhà Trắng, ông McCarthy cho biết hai bên vẫn còn nhiều quan điểm trái ngược về nâng trần nhưng “có thể đạt thỏa thuận trong tuần này”. Dù vậy, ông vẫn nhấn mạnh về việc chính phủ cần thắt chặt chi tiêu.
Hôm thứ hai, Bộ Tài chính Mỹ một lần nữa cảnh báo nước này có thể vỡ nợ vào ngày 1/6 nếu trần nợ không được nâng kịp thời.
Mời độc giả đón đọc gợi ý về các cuốn sách kinh tế thế giới tại Tủ sách kinh tế thế giới. Các cuốn sách cung cấp các thông tin hấp dẫn về các doanh nhân, triết lý kinh doanh, quy luật kinh tế, khủng hoảng tài chính, tiêu dùng cá nhân...