Theo Bloomberg, dầu thô Brent hiện được giao dịch ở mức 73,8 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ WTI đã tụt xuống chỉ còn 69,7 USD/thùng.
Đây là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của cả hai loại dầu. Trong đó dầu WTI thậm chí còn ghi nhận tuần mất giá thứ 4 liên tiếp, xác lập chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 9/2022.
Thực tế, nhu cầu dầu trên toàn thế giới đang rất yếu. Giá dầu thô đã giảm tới 13% kể từ đầu năm do lo ngại Mỹ - quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới - rơi vào suy thoái. Nỗi lo này thậm chí còn lấn át cả tác động từ việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cắt giảm nguồn cung.
Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc chưa thể hồi phục hoàn toàn sau khi gỡ bỏ chính sách Zero Covid-19 cũng là một trong những lý do khiến giá dầu giảm. Lạm phát nước này hiện ở mức thấp nhất trong 2 năm, hoạt động sản xuất tại các nhà máy đang dần co lại, trong khi ngành bất động sản chưa thể phục hồi.
Thậm chí, biên lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu hiện cũng ở mức thấp. Theo một khảo sát gần đây, tâm lý bi quan của các quỹ đầu tư và công ty quản lý tài sản tập trung vào dầu Brent đang ở mức cao nhất kể từ tháng 7/2021.
Hiện tại, giới đầu tư đang chờ thêm các số liệu kinh tế của Trung Quốc tuần này để đánh giá tốc độ hồi phục của họ, và giá dầu có khả năng tiếp tục biến động theo những số liệu nói trên. Ngoài ra, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng sẽ công bố báo cáo hàng tháng vào ngày 16/5.
"Tâm lý trên thị trường dầu vẫn tiêu cực. Triển vọng nhu cầu thì thiếu chắc chắn trong khi lo ngại về trần nợ công Mỹ vẫn còn. Thị trường có lẽ đang chờ đánh giá trong báo cáo triển vọng của IEA", ông Warren Patterson, Giám đốc Chiến lược hàng hóa tại ING Group cho biết.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.