Theo CNBC, tuần trước, giá dầu ghi nhận tuần giảm thứ 3 liên tiếp, đánh dấu chuỗi giảm dài nhất kể từ đầu năm. Nhưng giới quan sát tin rằng thị trường sẽ sớm phục hồi.
Tính đến cuối tuần trước, giá dầu Brent đã lao dốc 8% so với hồi đầu năm. Còn dầu WTI chuẩn Mỹ ghi nhận mức giảm 11% trong năm nay.
Biến động của giá dầu trong vòng một năm qua. Ảnh: Trading Economics. |
Chuỗi giảm kéo dài
Giá nhiên liệu lao dốc do những lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp. Trong buổi họp báo sau cuộc họp hôm 3/5, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết cơ quan hoạch định chính sách "không đưa ra quyết định tạm dừng tăng lãi suất trong hôm nay".
Để hạ nhiệt lạm phát, Fed buộc phải tăng lãi suất điều hành để giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và thị trường việc làm.
Giới đầu tư lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế giảm tốc sẽ khiến nhu cầu nhiên liệu sụt giảm.
Dữ liệu mới nhất về thị trường việc làm của Mỹ cho thấy nước này vẫn bổ sung một lượng lớn việc làm mới trong tháng 4. Thu nhập của người lao động nước này cũng gia tăng, làm dấy lên lo ngại về vòng xoáy lạm phát - tiền lương nguy hiểm, từ đó tạo thêm áp lực cho Fed.
Thêm vào đó, sự sụt giảm bất ngờ trong hoạt động sản xuất tháng 4 của Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về đà phục hồi của nước này. Đất nước 1,4 tỷ dân là quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Giá đã chạm đáy?
Nhưng một số chuyên gia tin rằng trên thị trường dầu, cầu vẫn sẽ vượt cung trong phần lớn thời gian của năm nay. "Dường như giá dầu đã chạm đáy. Có nhiều dấu hiệu chỉ ra điều đó", ông Ed Morse - Giám đốc nghiên cứu Hàng hóa toàn cầu tại Citi - bình luận.
"Tồn kho dầu thô tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm rồi giảm đi", vị chuyên gia giải thích thêm.
Hơn nữa, các thị trường sẽ đối mặt với tác động từ việc một số thành viên OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) cắt giảm sản lượng. Nhu cầu nhiên liệu trên toàn cầu cũng sắp tăng lên.
Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng và nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi có thể bù đắp sự sụt giảm ở những nơi khác
Hãng dịch vụ tài chính ANZ
Tháng trước, những quốc gia quyền lực nhất trên thị trường dầu mỏ đã tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng 1,16 triệu thùng/ngày.
Việc cắt giảm sẽ bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến cuối năm 2023. Thời điểm đó, một số chuyên gia tin rằng giá dầu sẽ vọt lên hơn 100 USD/thùng, nhưng điều đó đã không xảy ra.
"Chúng tôi lạc quan về quý thứ 2 và thứ 3 hơn quý đầu tiên", ông Morse bình luận.
Ngân hàng ANZ cũng tin rằng giá dầu sẽ sớm bật tăng. Nhu cầu toàn cầu có thể đạt 2 triệu thùng/ngày, khiến thị trường luôn ở trạng thái thiếu cung trong suốt năm 2023.
"Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng và nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi có thể bù đắp sự sụt giảm ở những nơi khác. Do đó, chúng tôi tin rằng giá dầu sẽ sớm bật tăng từ đáy", ngân hàng nhận định trong một báo cáo được công bố hôm 8/5.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cũng dự báo giá dầu sẽ tăng lên. Theo đó, giá dầu Brent có thể đạt 95 USD/thùng vào tháng 12, rồi cán mốc quan trọng 100 USD/thùng trong tháng 4/2024.
Theo chuyên gia Vivek Dhar tại Commonwealth Bank of Australia, thị trường dầu sẽ phụ thuộc nhiều vào các động thái của OPEC+, nhất là Nga.
Sản xuất dầu của Nga cho thấy sức chống chịu tốt hơn dự kiến. "Sản lượng và xuất khẩu dầu của Nga vẫn phục hồi dù Moscow đã thông báo cắt giảm 500.000 thùng/ngày", ông Kang Wu - Trưởng bộ phận Nhu cầu toàn cầu và Phân tích châu Á của S&P - bình luận.
Ông cho rằng hiện giờ, rất khó để đoán trước động thái tiếp theo của liên minh. "Nếu không thấy nhu cầu sụt giảm mạnh vì nền kinh tế suy yếu, hoặc giá tăng vọt, OPEC+ sẽ vẫn dành nhiều thời gian để quyết định bước đi tiếp theo", vị chuyên gia nói thêm.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.