Dòng tiền trú ẩn đang chảy vào vàng. Ảnh: Bloomberg. |
Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 5/5, trong vòng 24 giờ qua, giá vàng đã vọt lên gần 2.060 USD/ounce, tiến sát mốc kỷ lục rồi điều chỉnh giảm về gần 2.050 USD/ounce. Giới quan sát tin rằng nguy cơ suy thoái kinh tế và những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng sẽ đưa kim loại quý lên mức cao mới.
Theo nhóm chiến lược gia tại JPMorgan, giới đầu tư sẽ đổ tiền vào vàng và cổ phiếu công nghệ. Bởi chúng là vùng đệm bảo vệ các nhà đầu tư trước rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ trong năm nay.
Dòng tiền trú ẩn
"Cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ đã thúc đẩy nhu cầu đối với vàng. Kim loại quý trở thành công cụ thay thế khi lãi suất thực giảm đi, và cũng là hàng rào chống lại những rủi ro tồi tệ trước mắt", các chiến lược gia Nikolaos Panigirtzoglou và Mika Inkinen viết.
Việc đặt cược vào vàng và các cổ phiếu tăng trưởng sẽ giúp hạn chế rủi ro khi nền kinh tế Mỹ trải qua một cuộc suy thoái nhẹ, và thậm chí mang lại nhiều lợi ích hơn nữa nếu kinh tế suy thoái sâu.
Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư đang tăng cường bán khống đồng USD. Nguyên nhân là mối quan hệ chặt chẽ giữa lợi suất trái phiếu Mỹ và USD Index - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với những tiền tệ lớn khác.
USD đang chịu sức ép lớn, trong khi kim loại quý hưởng lợi. Ảnh: Reuters. |
Nói với Zing, ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda - tin rằng động lực đằng sau đà tăng trưởng của giá vàng đang rất mạnh mẽ.
"Nguyên nhân là những bất ổn của ngành ngân hàng và rủi ro suy thoái của nền kinh tế đang ngày càng gia tăng", vị chuyên gia nhận định.
"Tình hình thực tế của nền kinh tế sẽ cực kỳ tồi tệ do những rắc rối về tài chính. Điều đó có thể thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn", ông Moya nói thêm.
"Vàng sẽ tỏa sáng trong bối cảnh vĩ mô hiện nay. Nếu tâm lý lo ngại vẫn còn bao trùm Phố Wall, kim loại quý có thể cán mốc 2.100 USD/ounce trong vài phiên tới", vị chuyên gia tài chính dự báo.
Loạt yếu tố hỗ trợ
Đầu tuần này, các cơ quan quản lý Mỹ nắm quyền kiểm soát First Republic - ngân hàng lớn thứ 14 nước này - rồi bán lại cho JPMorgan Chase. Đây là động thái nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngân hàng kéo dài 2 tháng đã làm rung chuyển hệ thống tài chính Mỹ.
Ngoài ra, mới đây, bà Janet Yellen - Bộ trưởng Tài chính Mỹ - tiết lộ rằng theo ước tính chính xác nhất của cơ quan này, Mỹ có thể vỡ nợ sớm nhất vào ngày 1/6. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với việc nới trần nợ khẩn cấp.
Thêm vào đó, theo ông Moya, việc Fed "ôn hòa" hơn cũng đã định đoạt số phận của đồng USD, từ đó thúc đẩy giá vàng. "USD đã bị đè bẹp sau cuộc họp của Fed khi cơ quan này phát đi tín hiệu cho thấy chuẩn bị kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ", ông Moya bình luận.
Kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày, Fed tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp. Nhưng cơ quan này cũng phát đi tín hiệu rằng chu kỳ thắt chặt sắp hoàn thành.
Trong buổi họp báo sau cuộc họp hôm 3/5, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết cơ quan hoạch định chính sách "không đưa ra quyết định tạm dừng tăng lãi suất trong hôm nay". Nhưng ông nhấn mạnh rằng những thay đổi trong tuyên bố chung của Fed là "rất đáng kể".
Trong tuyên bố ở cuộc họp trước đó, FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - dự báo rằng "sẽ có một số chính sách tăng cường nhằm phù hợp với mục tiêu lạm phát 2%" của Fed. Nhưng câu này đã được lược bỏ trong tuyên bố của cuộc họp tháng 5.
Việc Fed dừng tăng lãi suất sẽ giúp vàng hưởng lợi. Bởi lãi suất điều hành tăng cao khiến chi phí vốn và chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý đi lên, vàng trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.