Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp. Nhưng cơ quan này cũng phát đi tín hiệu rằng chu kỳ thắt chặt sắp hoàn thành.
Trong buổi họp báo sau cuộc họp hôm 3/5, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết cơ quan hoạch định chính sách "không đưa ra quyết định tạm dừng tăng lãi suất trong hôm nay". Nhưng ông nhấn mạnh rằng những thay đổi trong tuyên bố chung của Fed là "rất đáng kể".
Fed đã dịu giọng
Trong tuyên bố ở cuộc họp trước đó, FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - dự báo rằng "sẽ có một số chính sách tăng cường nhằm phù hợp với mục tiêu lạm phát 2%" của Fed. Nhưng câu này đã được lược bỏ trong tuyên bố của cuộc họp tháng 5.
Tuyên bố lần này nhắc lại rằng Fed sẽ "cân nhắc toàn bộ tác động của các đợt thắt chặt chính sách tiền tệ, độ trễ của tác động đối với lạm phát và nền kinh tế, cũng như những diễn biến mới của hệ thống tài chính và kinh tế".
FOMC tin rằng lạm phát sẽ không hạ nhiệt nhanh đến vậy. Do đó, việc cắt giảm lãi suất là không phù hợp
Chủ tịch Fed Jerome Powell
Những thay đổi này cho thấy Fed có thể vẫn duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, nhưng sẽ nghiêng về kịch bản dừng tăng lãi suất nhằm đánh giá các dữ liệu kinh tế tiếp theo và những diễn biến mới trong ngành tài chính.
"Giai đoạn tiếp theo của chu kỳ thắt chặt sẽ là tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức cao, đồng thời quan sát xem liệu lạm phát có xu hướng hạ nhiệt hay không", nhóm chuyên gia của Bloomberg dự đoán.
Thị trường lao động của Mỹ vẫn đang tăng trưởng mạnh. Lạm phát cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. Để hạ nhiệt giá cả, ngân hàng trung ương Mỹ buộc phải đánh đổi bằng tăng trưởng kinh tế và việc làm.
Nhiều quan chức Fed cũng tin rằng cơ quan này có thể phải duy trì lãi suất ở mức cao, ngay cả khi đã tạm dừng tăng lãi suất.
Ông Powell: Còn quá sớm để cắt giảm
"Lạm phát đã hạ nhiệt phần nào kể từ giữa năm ngoái, nhưng áp lực lạm phát vẫn cao, và con đường đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% còn rất dài", ông Powell nhận định.
Ông Powell nhận thấy những tín hiệu suy yếu của thị trường lao động. Điều này có thể giúp nền kinh tế Mỹ "hạ cánh an toàn". "Không có gì là chắc chắn, nhưng dường như chúng ta đã hạ nhiệt thị trường lao động mà không làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp như một số giai đoạn trước đây", ông nói thêm.
"Tốc độ tăng trưởng tiền lương đã giảm dần xuống mức bền vững hơn. Đó là một tín hiệu tốt. Tôi nghiêng về khả năng chúng ta sẽ tránh được một cuộc suy thoái", ông Powell bình luận.
Dù vậy, chủ tịch Fed khẳng định vẫn cần thêm dữ liệu để quyết định xem có nên tiếp tục tăng lãi suất điều hành hay không.
Vị chủ tịch khẳng định vẫn còn quá sớm để cắt giảm lãi suất. "FOMC tin rằng lạm phát sẽ không hạ nhiệt nhanh đến vậy. Do đó, việc cắt giảm lãi suất là không phù hợp", ông nhấn mạnh.
Ông cho rằng để đạt được những bước tiến trong việc kìm hãm lạm phát ở khu vực dịch vụ, cần phải hạ nhiệt nhu cầu và tăng trưởng việc làm hơn nữa.
Những "biến số"
"Tuyên bố mới nhất của FOMC đã bớt diều hâu so với những bình luận trước đó. Nhưng nó cho thấy Fed vẫn phụ thuộc vào các dữ liệu tiếp theo", bà Quincy Krosby - chiến lược gia trưởng toàn cầu tại LPL Research - nhận định.
Bà chỉ ra Fed thừa nhận rằng lạm phát vẫn tăng, nhưng nhấn mạnh họ muốn tính toán toàn bộ tác động của các chính sách thắt chặt theo thời gian.
"Dù vậy, tuyên bố đã tạo ra một nền tảng vững chắc. Theo đó, Fed có thể dễ dàng chuyển hướng mà không gây sốc cho thị trường", ông nói thêm.
Fed vẫn còn phải cân nhắc nhiều yếu tố để đưa ra quyết định lãi suất, nhất là những rắc rối trong ngành tài chính thời gian qua. Đầu tuần này, các cơ quan quản lý Mỹ đã nắm quyền kiểm soát First Republic - ngân hàng lớn thứ 14 nước này - rồi bán lại cho JPMorgan Chase.
Đây là động thái nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngân hàng kéo dài 2 tháng đã làm rung chuyển hệ thống tài chính Mỹ.
Theo các ước tính, quỹ bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm Liên bang Mỹ (FDIC) sẽ thiệt hại tới 13 tỷ USD trong thương vụ này. FDIC đã chia sẻ khoản lỗ với JPMorgan Chase.
Cùng với đó là những lo ngại về một cuộc suy thoái. Viễn cảnh này dường như đang đến gần hơn. Trong quý đầu năm, Mỹ ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 1,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.
Chứng khoán, vàng sẽ ra sao trong tuần này
Fed chuẩn bị đưa ra quyết định quan trọng trong tuần này. Giới quan sát dự báo cơ quan này vẫn tăng lãi suất, nhưng đây sẽ là đợt tăng cuối cùng của chu kỳ.
Ngân hàng trung ương Mỹ đã đi đến quyết định cuối cùng sau cuộc họp kéo dài 2 ngày. Theo đó, Fed vẫn tăng lãi suất bất chấp khủng hoảng ngành ngân hàng và nguy cơ suy thoái.
Lời giải cho mức tăng trưởng 8% của Việt Nam
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% năm nay, Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ thương mại, đầu tư, tiêu dùng nội địa đồng thời vượt thách thức về hạ tầng, lao động và biến động toàn cầu.