Mùa thu năm ngoái, khắp nơi trên đất Mỹ mọi người đều bàn về lạm phát. Lạm phát trở thành chủ đề thống trị cuộc bầu cử giữa kỳ. Theo khảo sát của Gallup, cứ 5 người được hỏi thì 1 người sẽ cho rằng đó chính là vấn đề quan trọng nhất của quốc gia.
Thế nhưng giờ đây sự quan tâm của công chúng đang tập trung ở nơi khác. Chỉ 9% người được khảo sát đưa ra câu trả lời là lạm phát, đứng sau 2 vấn đề “sự lãnh đạo của chính phủ” và “sức khỏe nền kinh tế nói chung”. Lạm phát chỉ được quan tâm nhiều hơn so với vấn đề nhập cư và súng đạn.
Người dân Mỹ không còn quan tâm lạm phát. Ảnh: Reuters. |
Người Mỹ đã quen với lạm phát
Theo các nhà phân tích, đây thực chất không phải là tin tốt và thậm chí có thể là tin xấu, bởi điều này có nghĩa là người dân Mỹ đã quen với giá cả cao. Nếu ngày càng nhiều người cho rằng đây là điều tất nhiên thì lạm phát chắc chắn sẽ khó giảm tiếp.
Và khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ buộc phải chọn giữa việc tiếp tục tăng lãi suất để ghìm lạm phát và có thể gây ra một cuộc suy thoái sâu, hoặc từ bỏ mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ ngày 10/5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái - thấp nhất trong 2 năm qua và giảm đáng kể so với mức tăng 9,1% vào tháng 6/2022. Sự sụt giảm giá tiêu dùng này lý giải nguyên nhân vì sao người dân Mỹ không còn quá ám ảnh về lạm phát, dù vẫn quan tâm tới vấn đề này hơn trước đại dịch.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, giá cả vẫn là một vấn đề lớn tại nền kinh tế hàng đầu thế giới khi lạm phát lõi - CPI không tính giá thực phẩm và năng lượng - vẫn ở mức 5,5% trong tháng 4 - chỉ thấp hơn một chút so với mức 5,6% của tháng 3.
Và khi mà tiền lương - yếu tố ảnh hưởng rất mạnh đến giá dịch vụ - cứ tiếp tục tăng trưởng 5% như 4 tháng đầu năm thì lạm phát còn lâu mới có thể giảm xuống.
Rủi ro giá tăng - lương tăng - lạm phát tăng
Cách đây 2 năm, hầu hết mọi người nhận định rằng khi những tác động nhất thời biết mất, cung và cầu ổn định trở lại thì lạm phát sẽ tự động quay về 2%. Trên thực tế, đúng là một số mặt hàng đã giảm giá mạnh, nhưng nhận định này đã không tính đến một điều quan trọng: các tác động nhất thời càng kéo dài thì nguy cơ lạm phát càng dai dẳng vì người dân sẽ tự thích nghi với nó.
“Chúng ta đang trải qua một quá trình mà ở đó cú sốc lạm phát dai dẳng bắt đầu ảnh hưởng tới việc thiết lập giá cả và tiền lương”, ông Bruce Kasman - nhà kinh tế trưởng tại JPMorgan Chase - nhận định.
Được biết, tâm lý điều chỉnh giá cả và tiền lương thường dựa trên kỳ vọng về lạm phát trong tương lai, và theo nghiên cứu của Đại học Michigan, kỳ vọng của người tiêu dùng là lạm phát ở mức trên 4% trong vòng 2 năm tới. Còn các doanh nghiệp - đơn vị đóng vai trò thiết lập giá cả - cũng dự đoán lạm phát ở mức trên 5%.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh mới công bố gần đây, các doanh nghiệp cũng ít phàn nàn hơn về chi phí đầu vào hay tình trạng thiếu lao động và dần đề cập đến khả năng tăng giá.
“Xét trên tổng thể, độ co giãn (elasticity - chỉ số thể hiện độ nhạy cảm của doanh số bán ra với việc tăng giá) của chúng tôi vẫn ở mức thuận lợi”, ông Andre Schulten - Giám đốc tài chính của Procter & Gamble - cho biết vào tháng trước. Theo ông, doanh số công ty này trong quý I đã giảm khoảng 3% trong khi giá tăng tới 10%.
Người tiêu dùng hay doanh nghiệp đều cho rằng lạm phát cao sẽ kéo dài trong ít nhất 2 năm tới. Ảnh: Financial Times. |
“Khi Coca-Cola, Pepsi, Kimberly-Clark, Kraft Heinz và Conagra tăng giá, điều này sẽ ảnh hưởng đến các nhà hàng. Và khi chúng ta thấy Hilton và Marriott công bố doanh thu bình quân tăng lên tức là đã có lạm phát dịch vụ”, ông Samuel Rines - chiến lược gia tại công ty tư vấn thị trường Corbu - phân tích.
“Xu hướng này sẽ kéo dài mãi cho tới khi người tiêu dùng thắt hầu bao”, ông nói.
Theo ông, người tiêu dùng Mỹ đang giả định rằng nếu giá cả tăng lên, thì tiền lương của họ cũng tăng. “Trước khi giả định này sụp đổ, họ sẽ chẳng do dự khi trả thêm 5-6% để mua một chai tương cà”, ông nói.
Có thể thấy rằng trong ngắn hạn, một khi lạm phát được neo ở mức cao ổn định, tiền lương và giá cả sẽ cùng tăng. Trong tình huống này, có thể sẽ cần tới một cuộc suy thoái sâu để giảm lạm phát.
Đó có vẻ là lý do thị trường đang dự báo rằng lạm phát sẽ giảm sâu trong năm tới và Fed sẽ hạ lãi suất. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy sẽ có một cuộc suy thoái nhẹ. Thị trường nhà ở - lĩnh vực nhạy cảm nhất với lãi suất cao - đã dần ổn định với tổng số việc làm trong lĩnh vực xây dựng đang tăng.
Mời độc giả đón đọc gợi ý về các cuốn sách kinh tế thế giới tại Tủ sách kinh tế thế giới. Các cuốn sách cung cấp các thông tin hấp dẫn về các doanh nhân, triết lý kinh doanh, quy luật kinh tế, khủng hoảng tài chính, tiêu dùng cá nhân...