Theo trang tin Bloomberg, việc First Republic Bank đóng cửa gần đây đang khiến giới đầu tư tỏ ra lo ngại về sức khoẻ của các ngân hàng khu vực.
Phản ứng với điều này, thị trường đã ồ ạt bán tháo cổ phiếu ngành tài chính, khiến chỉ số theo dõi ngành này trong S&P 500 sắp “trượt” khỏi mức đỉnh năm 2007. Ở thời điểm sau cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008, chỉ số này phải mất tới hơn một thập kỷ để lấy lại được số điểm đã mất.
Do đó, theo nhận định của nhà quản lý quỹ phòng hộ Jim Roppel - người sáng lập Roppel Capital Management - nếu ngưỡng hỗ trợ của năm 2007 bị phá vỡ trong thời gian tới thì đây sẽ là một tín hiệu đáng lo ngại với thị trường chứng khoán Mỹ.
Nếu cổ phiếu ngành ngân hàng tiếp tục sụt giảm thì thị trường chứng khoán Mỹ cũng biến động theo. Ảnh: The Economic Times. |
Một tuần đầy biến động
Lý do là bởi diễn biến này có thể gây thêm áp lực cho các ngân hàng trong việc bảo toàn vốn và cắt giảm hoạt động cho vay, qua đó tiếp tục tạo lực cản cho nền kinh tế vốn đã có nguy cơ suy thoái sau khi Fed liên tục tăng lãi suất.
Giải thích cụ thể hơn cho điều này, ông Roppel - người theo quan điểm thị trường tăng giá dài hạn nhưng hiện chỉ nắm giữ tiền mặt và vàng - cho biết: “Bạn không thể chứng kiến một thị trường giá lên nếu cổ phiếu ngân hàng cứ tiếp tục sụt giảm. Việc này giống như bắt một vận động viên Olympic thi chạy mà phải buộc những quả tạ quanh chân.”
Được biết, mối lo ngại về sự ổn định của hệ thống ngân hàng Mỹ đã phần nào tạo nên một thị trường đầy sóng gió khi giới đầu tư nước này liên tục bán mạnh cổ phiếu ngân hàng địa phương. Cụ thể, giá cổ phiếu của Western Alliance Bancorp giảm 27%, còn PacWest Bancorp đã mất tới gần nửa giá trong tuần trước.
Chỉ đến cuối tuần, khi tình trạng bán tháo trở nên thái quá, một số cổ phiếu ngân hàng mới phục hồi mà phần lớn vẫn nhờ vào báo cáo khuyến nghị nắm giữ của JPMorgan.
Nhân cơ hội này, các nhà đầu tư nhỏ lẻ - chủ thể thường đóng vai trò “bắt đáy” - đã mua mạnh cổ phiếu của một số ngân hàng trong bối cảnh giá giảm, bao gồm Bank of America, Truist Financial Corp và SoFi Technologies.
Dẫu vậy, Phố Wall vẫn còn một nỗi lo kéo dài rằng những bất ổn diễn ra trong các ngân hàng khu vực có thể khiến hoạt động cho vay bị thắt chặt.
Trên thực tế, các nhà giao dịch đang đặt cược nhiều vào rủi ro khi tin rằng Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 7 để kích thích nền kinh tế.
Nên đầu tư những gì
Theo bà Nancy Tengler - CIO của Laffer Tengle Investment - hiện vẫn còn quá sớm để mua cổ phiếu của các ngân hàng đang gặp khó khăn. Thay vào đó, nhà đầu tư nên tập trung vào cổ phiếu công nghệ và tiêu dùng - nhóm sẽ được hưởng lợi khi lãi suất giảm.
Nhìn chung, đà hồi phục của thị trường chứng khoán Mỹ ở phiên cuối tuần trước đã được thúc đẩy bởi số liệu việc làm hàng tháng khả quan hơn dự kiến, giúp nhà đầu tư bớt lo ngại về suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, trong khi mức tăng 1,9% của S&P 500 xoá sạch mức giảm của tuần trước, thì riêng nhóm cổ phiếu ngành tài chính của chỉ số này vẫn mất khoảng 3% trong 5 phiên.
Diễn biến của chỉ số ngành ngân hàng trong S&P 500 (S&P 500 Financials Sector) tuần qua. Ảnh: Bloomberg. |
Nhận định về thị trường tuần tới, ông Scott Colyer - CEO của Advisors Asset Management - cho biết S&P 500 có thể sẽ giảm xuống 3.600 điểm hoặc thấp hơn vì định giá hiện tại vẫn ở mức cao. Được biết, khi kết thúc phiên thứ sáu (5/5), S&P 500 đóng cửa ở mức 4.136 điểm.
Ông Colyer cảnh báo: “Chúng ta cần hiểu rằng ngành tài chính luôn là ngành dẫn đường cho một thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, đây lại không phải những gì đang diễn ra. Do vậy, nhà đầu tư đừng nên cố gắng tìm kiếm những khoản lợi nhuận nhỏ mà bỏ qua những rủi ro đang hiện hữu.”
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.