Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 5/5, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã tăng 547 điểm - tương đương 1,65% - và chốt phiên với 33.674 điểm. Cùng lúc đó, chỉ số S&P 500 cũng nhảy vọt 1,85%, đạt 4.136 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 2,25% để đóng cửa với 12.235 điểm.
Theo trang tin CNBC, sắc xanh đã trở lại với bảng điện tử ở Phố Wall sau 4 phiên bán tháo liên tiếp. Tuy vậy, Dow Jones và S&P 500 vẫn ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 3, bất chấp sự phục hồi của phiên 5/5.
Dow Jones - chỉ số với thành viên là 30 cổ phiếu bluechip - mất 1,24% trong tuần này, trong khi S&P 500 giảm 0,8%, còn Nasdaq ngược chiều tăng nhẹ 0,07%.
Chứng khoán Mỹ đã tăng trở lại sau 4 phiên giảm từ đầu tuần. Ảnh: Reuters. |
Trên thực tế, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm bất chấp số liệu việc làm tháng 4 nóng hơn dự kiến - điều có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn. Trong tháng qua, nền kinh tế số một thế giới đã tạo thêm 253.000 việc làm mới dù kỳ vọng của Phố Wall chỉ là 180.000 việc làm.
Một yếu tố chính giúp thúc đẩy chứng khoán Mỹ trong phiên vừa qua là Apple đã công bố doanh thu và lợi nhuận quý I vượt trội nhờ doanh số iPhone khả quan. Sự hứng khởi của nhà đầu tư về kết quả này đã đưa giá cổ phiếu gã khổng lồ smartphone nhảy vọt 4,7%.
Ngoài ra, cổ phiếu các ngân hàng khu vực cũng dần phục hồi sau nhiều phiên bán tháo liên tiếp. Được biết, cú huých cho dòng cổ phiếu này đến từ một báo cáo của JPMorgan, khi đơn vị này nâng hạng đánh giá Western Alliance, Zions Bancorp và Comerica lên mức có triển vọng cao hơn thị trường.
Theo JPMorgan, 3 ngân hàng này dường như “đang bị định giá quá thấp” do hoạt động bán khống.
Nhờ đà tăng này, cổ phiếu quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF chuyên đầu tư vào các ngân hàng khu vực cũng tăng hơn 6%. Cổ phiếu PacWest - ngân hàng bị bán tháo trong tuần do lo ngại sụp đổ - đã tăng 81,7%, còn cổ phiếu Western Alliance tăng 49,2%.
Theo CNBC, thị trường tuần này đã chịu áp lực lớn do nhà đầu tư lo ngại có thêm những tổ chức tài chính chịu chung số phận với SVB, Signature Bank hay gần nhất là First Republic Bank.
Bà Liz Young - Giám đốc Chiến lược đầu tư tại SoFi - không tin rằng khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng khu vực đã kết thúc, bất chấp sự phục hồi của chứng khoán phiên 5/5.
“Khi chu kỳ tin tức bắt đầu, người ta cố gắng giải thích rằng đây là những trường hợp cá biệt. Nhưng thực tế là toàn bộ hệ thống đang gặp vấn đề thanh khoản”, bà giải thích. “Ban đầu là vấn đề do người dùng rút toàn bộ tiền gửi, nhưng bây giờ phải lo cho giá trị thị trường của khối chứng khoán mà các ngân hàng đang cầm”.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.