Xu hướng xanh hóa nền kinh tế mở ra cơ hội nâng cao giá trị cho quả dừa Việt Nam trên thị trường xuất khẩu. Ảnh: Thoibaonganhang. |
Chia sẻ tại Tọa đàm "Tiền Mekong Connect 2024" với chủ đề "Nâng cao chuỗi giá trị dừa trong xu hướng xanh hóa nền kinh tế” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng CLB Doanh nhân Bến Tre tại TP.HCM (HBBC) tổ chức ngày 13/12, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết Trung Quốc và các nước nhập khẩu hiện có nhiều tiêu chuẩn khắt khe khi cấp giấy chứng nhận hữu cơ cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.
Theo bà, đây là cơ hội để các công ty, doanh nghiệp tiến đến việc trồng trọt, canh tác theo hướng xanh và bền vững, đặc biệt là đối với trái dừa. Tuy nhiên, bà Kim Hạnh nhận định việc xanh hóa nền kinh tế là yếu tố buộc doanh nghiệp phải tư duy, thay đổi chiến lược lại từ đầu.
Kiểm tra từ những khâu nhỏ nhất
Từ phía doanh nghiệp, ThS Nguyễn Phong Phú, Giám đốc kỹ thuật Vina T&T Group cho biết tập đoàn đang tuân thủ nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhằm thực hiện yêu cầu xanh.
Cụ thể, trong giai đoạn triển khai một vùng trồng dừa hoặc các loại trái cây khác, công ty đều kiểm tra khắt khe liệu chất lượng đất, nước… có đạt yêu cầu hay không thì mới tiến hành liên kết mã số vùng trồng (MSVT) với vùng trồng đó.
Hiện tại, Tập đoàn Vina T&T đang triển khai quy hoạch vùng trồng với diện tích tối thiểu 10 ha.
Đây cũng là quy định về MSVT được Mỹ đưa ra từ năm 2008. Sau đó, nhiều nước khác tại châu Âu và Trung Quốc cũng đã áp dụng yêu cầu “diện tích 10 ha” để đồng bộ trong việc quản lý MSVT. "Chúng tôi thực hiện gom nhiều vùng trồng lại với nhau để đủ diện tích về mặt tiêu chuẩn", ông Phú chia sẻ.
Nói đến việc phát triển bền vững, TS Huỳnh Kỳ Trân, Chủ tịch Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo (Thorakao) bày tỏ mô hình phát triển bền vững chỉ có thể thực hiện khi nguyên liệu đầu vào được tuyển chọn kỹ lưỡng. Từ đó, đầu ra của sản phẩm mới khởi sắc và thật sự theo hướng "bền vững".
TS Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Anh Nguyễn. |
Cũng tại tọa đàm, TS Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM nhận định những quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), canh tác hữu cơ… đều là quy định chung ở "sân chơi" quốc tế. “Dù muốn hay không muốn, các doanh nghiệp tại Việt Nam đều phải tuân thủ theo”, ông nói thêm.
TS Quốc cũng khẳng định tương lai của nghề trồng dừa phụ thuộc vào việc nắm bắt sự đổi mới và bền vững.
Với nhu cầu quốc tế về các sản phẩm dừa dự kiến đạt 15 tỷ USD vào năm 2025, ngành công nghiệp này cần phải thích ứng với những thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu, áp dụng các thực hành bền vững và tận dụng công nghệ để phát triển theo hướng bền vững.
Áp dụng công nghệ
Theo bà Kim Hạnh, nhiều tỉnh thành ở khu vực Tây Nam Bộ hiện cho ra sản phẩm dừa tươi đạt tiêu chuẩn cao. Từ khi thực hiện việc khai thác tài nguyên bản địa, nhiều loại dừa đã dần xuất hiện trên thị trường.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy, Giám đốc ngành hàng đảm bảo kinh doanh và thực phẩm, Công ty tiêu chuẩn toàn cầu Intertek, cho biết việc kiểm tra tiêu chuẩn đối với tất cả loại dừa không gặp khó khăn bởi sự thừa hưởng về mặt công nghệ.
Các chuyên gia và doanh nghiệp chia sẻ về việc nâng cao chuỗi giá trị dừa trong xu hướng xanh hóa nền kinh tế. Ảnh: Anh Nguyễn. |
"Mỗi loại dừa sẽ có một tiêu chuẩn kiểm nghiệm nhất định cũng như các quốc gia trên thế giới đều sẽ đưa ra khung tiêu chuẩn khác nhau. Công nghệ kiểm tra tiêu chuẩn tại Việt Nam cũng đã được Hàn Quốc và Nhật Bản công nhận. Đồng thời, các máy móc, thiết bị được nhiều trung tâm kiểm nghiệm đầu tư từ trước. Do đó, quá trình kiểm tra dừa được thừa hưởng rất nhiều từ các công nghệ này", ông nói thêm.
Ông Huy cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp và hộ trồng dừa cần ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và quản lý như sử dụng công nghệ IoT (Internet of Things) để giám sát vườn dừa. Công nghệ này sẽ giúp doanh nghiệp theo dõi độ ẩm đất và lượng nước tưới.
Đồng thời, doanh nghiệp nên áp dụng dây chuyền chế biến tự động để tăng hiệu quả và giảm chi phí lao động.
Đối với việc tiếp cận thị trường, ông Huy khuyến nghị doanh nghiệp cần thực hiện đẩy mạnh quảng bá sản phẩm qua các nền tảng TMĐT như Amazon, Alibaba… và kết hợp với việc phát triển hệ thống bán hàng trực tuyến.
Không phải ai cũng có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với những doanh nhân, tỷ phú, những nhà quản lý doanh nghiệp nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, vẫn có cách để chúng ta tiếp cận, tìm hiểu về câu chuyện kinh doanh, cuộc đời, kinh nghiệm của các doanh nhân, tỷ phú nổi tiếng thông qua sách.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách doanh nhân - nơi chia sẻ những cuốn sách, câu chuyện về cuộc đời và kinh nghiệm của các tỷ phú, nhà quản lý nổi tiếng thế giới. Tủ sách không chỉ bao gồm các cuốn sách, câu chuyện từ tác giả độc lập mà còn bao gồm những cuốn sách do chính các tỷ phú viết về cuộc đời mình. Tủ sách doanh nhân mong muốn gửi tới độc giả các câu chuyện, góc nhìn về những cá nhân thành công nhất trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời mong muốn lan tỏa tri thức, phát triển văn hóa đọc cho người Việt.