Mô hình nhân vật trong Dragon Ball. Ảnh: Reuters. |
Theo Bloomberg, ngành công nghiệp manga Nhật Bản hiện trị giá tới 14 tỷ USD với rất nhiều nhân vật có giá trị thương mại cao như Dragon Ball, Pokemon,…. Tuy nhiên, manga, anime cùng các ngành công nghiệp sáng tạo giá trị cao khác của nước này đang bị đe doạ khi các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) xuất hiện. Với sự giúp đỡ từ AI, bất kỳ ai đều có thể dễ dàng bắt chước các tác phẩm nghệ thuật mà giới nghệ sĩ đã dành nhiều thời gian để sáng tạo.
Cuộc chiến vì tương lai của nghệ thuật trong kỷ nguyên AI đang diễn ra trên toàn cầu và Nhật Bản cũng phải cập nhật luật pháp để bảo vệ tác phẩm và những nhà sáng tạo đã góp phần lan tỏa nền văn hóa của mình.
Tuy nhiên, các quy định thân thiện với sự phát triển AI hay ưu tiên nhu cầu dữ liệu của các công ty công nghệ của Nhật Bản dường như chưa thể hiện được sự bảo vệ dành cho những nghệ sĩ đang lan toả văn hoá nước này.
Lần gần đây nhất luật sở hữu trí tuệ của Nhật Bản được cập nhật là vào năm 2018, tuy nhiên, còn rất mơ hồ và được hiểu là cho phép các tài liệu có bản quyền được sử dụng rộng rãi để phát triển các công cụ AI mà không cần xin phép chủ sở hữu. Một số nhà phân tích trong ngành công nghiệp sáng tạo cho biết cách tiếp cận cởi mở này hướng đến việc thu hút các công ty công nghệ.
Hình ảnh các nhân vật với tao hình khác nguyên gốc đang xuất hiện tràn lan nhờ sự hỗ trợ từ AI. Ảnh: Reddit. |
Trước tình hình này, một tiểu ban của Cơ quan văn hóa Nhật Bản cho biết họ sẽ xem xét các vấn đề liên quan tới bản quyền AI. Đầu năm nay, tiểu ban đã công bố bản dự thảo về cách diễn giải luật bản quyền hiện hành theo hướng chia sẻ với khó khăn của các nhà sáng tạo, tuy nhiên, văn bản này không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý.
Trong khi đó, họ cũng đang cung cấp tư vấn pháp lý miễn phí cho các nghệ sĩ và tiếp cận các nhà sáng tạo để hiểu rõ hơn về các khó khăn cụ thể. Nhà bình luận về công nghệ châu Á của Bloomberg Catherine Thorbecke cho rằng phản ứng của chính phủ Nhật chậm trong khi các công ty công nghệ đang “ngấu nghiến” nội dung trên Internet để đào tạo các mô hình AI.
Đòn đánh kép
Đối với các nhà sáng tạo Nhật Bản, họ đang chịu gấp đôi sức ép. Nhiều người cảm thấy rằng các tác phẩm của họ đang bị lợi dụng để tạo ra chính những công cụ đe dọa sinh kế của họ.
Một cuộc khảo sát do Hiệp hội các nhà sáng tạo nghệ thuật Nhật Bản tiến hành vào năm ngoái cho thấy 92% họa sĩ minh họa lo ngại tác phẩm của họ đã bị sao chép để phát triển AI mà không được phép. Khoảng 60% số người được hỏi cũng lo ngại về việc ít cơ hội việc làm hơn.
Bên cạnh đó, một số nhân vật manga, anime được yêu thích nhất Nhật Bản dường như cũng đã bị AI sử dụng. Mạng xã hội đang tràn ngập các phiên bản AI mới của những nhân vật này, như Hello Kitty cầm súng máy hoặc lực sĩ Pikachu.
Không dừng lại ở đó, một loạt các mô hình AI nguồn mở hiện nay cũng có thể giúp bất kỳ người hâm mộ nào sao chép phong cách từ các nghệ sĩ yêu thích của họ chỉ bằng việc sử dụng những hình ảnh, tác phẩm đã có sẵn.
Và sự sao chép này không dừng lại ở các tác phẩm tĩnh. Đầu năm nay, OpenAI đã hé lộ công cụ làm video Sora do AI thực hiện. Nhà làm phim Tyler Perry cho biết ông đã dừng kế hoạch mở rộng studio trị giá 800 triệu USD của mình ở Atlanta, Mỹ sau khi thấy khả năng "gây sốc" của Sora.
Sora là một bước phát triển mới của AI trong ngành công nghiệp sáng tạo. Ảnh: Medium. |
Trong khi đó, OpenAI vẫn chưa công khai chia sẻ thông tin chi tiết về dữ liệu mà công ty đã sử dụng để phát triển Sora. Giám đốc công nghệ Mira Murati của Sora đã né tránh các câu hỏi về vấn đề này trong một cuộc phỏng vấn đầu năm nay. Khi được hỏi liệu Sora có sử dụng video từ YouTube hay không, bà nói rằng "Tôi thực sự không chắc chắn về điều đó".
Phản ứng từ Mira cũng phần nào cho thấy tình trạng đáng báo động về sự thiếu minh bạch của các công ty trong quá trình phát triển AI. Trong khi đó, OpenAI đã công bố sẽ khai trương văn phòng châu Á đầu tiên tại Tokyo và nhiều ý kiến cho rằng quy định cởi mở với AI của Nhật Bản đóng vai trò trong quyết định đó.
Sự bắt chước không có linh hồn
Trên toàn cầu, các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền AI đang được đưa ra tòa án. Trung Quốc hiện đi đầu trong vấn đề siết chặt quy định pháp lý với AI. Trong một vụ án mang tính bước ngoặt vào đầu năm nay, một tòa án ở Quảng Châu đã phán quyết rằng một nhà cung cấp dịch vụ AI phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm bản quyền đối với các sản phẩm đầu ra giống với nhân vật khoa học viễn tưởng Ultraman của Nhật Bản.
Catherine Thorbecke nhận định, Nhật Bản, một cường quốc về các sản phẩm văn hoá, nên có cách tiếp cận chủ động hơn bằng cách yêu cầu các công ty AI minh bạch về dữ liệu họ sử dụng. Và bước đi tiếp theo có thể là đưa ra những hướng dẫn rõ ràng về cách đền bù cho nghệ sĩ nếu tác phẩm của họ bị AI sử dụng.
Việc cho phép các công ty công nghệ làm giàu bằng cách tiếp cận miễn phí giá trị lao động của những nhà sáng tạo, những người vốn không được trả lương cao, có thể sẽ làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập và làm suy yếu tương lai của các ngành công nghiệp sáng tạo phụ thuộc vào chất xám, Thorbecke cho hay.
Ngoài việc được tạo ra từ tác phẩm bị đánh cắp, một trong những lời chỉ trích lớn nhất đối với nghệ thuật do AI tạo ra là chúng không có linh hồn và không có cảm xúc. Hayao Miyazaki, nhà làm phim từng đoạt giải Oscar, từng nói rằng ông "ghê tởm" khi xem một đoạn phim hoạt hình do AI tạo ra. "Tôi thực sự cảm thấy đây là một sự xúc phạm đến sự sống", ông nói trong một bộ phim tài liệu của NHK năm 2016.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.