Theo một bài báo đăng ngày 3/4 của New York Times, từ tháng 3/2020, cổng quyên góp điện tử cho chiến dịch của ông Trump đưa vào một lựa chọn, được đánh dấu sẵn, với nội dung: "Quyên góp định kỳ hàng tháng".
Bởi nội dung này đã được tự động lựa chọn, nếu người ủng hộ không chú ý, họ sẽ liên tục quyên góp tiền theo tháng, vượt ngoài số tiền dự định ban đầu.
Tới tháng 6/2020, chiến dịch của ông Trump đưa vào ô lựa chọn thứ hai, cũng được đánh dấu sẵn; qua đó những người tài trợ cho chiến dịch sẽ quyên góp thêm một khoản tiền bổ sung.
Cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP. |
Đầu tháng 9/2020, khi nhận thấy bị chiến dịch của ông Biden bỏ xa 150 triệu USD về tài trợ, phía ông Trump càng quyết liệt gây quỹ.
Ô lựa chọn đầu tiên, triển khai từ tháng 3/2020, được điều chỉnh tần suất từ hàng tháng thành hàng tuần.
"Bạn sẽ không nhận ra cho tới sau khi mọi thứ đã xong xuôi", Bruce Turner, một cử tri Cộng hòa 72 tuổi, cho biết.
Vợ của ông Turner quyên góp 1.000 USD vào đầu tháng 10/2020. Đến ngày tranh cử, số tiền gia đình này quyên góp cho ông Trump biến thành 6.000 USD.
Sau thay đổi này, các ngân hàng và công ty thẻ tín dụng đã ghi nhận sự tăng vọt về số lượt khiếu nại về gian lận tài chính liên quan tới chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Các khoản quyên góp ngoài ý muốn khiến thẻ ghi nợ của nhiều cá nhân vượt trần chi tiêu. Một số người phải hủy thẻ vì không muốn tiếp tục các khoản quyên góp định kỳ. Một số phải trả phí thấu chi cho ngân hàng.
Chiến dịch của ông Trump cũng tiếp tục mở chế độ quyên góp tiền sau ngày bầu cử, với lý do chống lại gian lận trên diện rộng ở nhiều bang.
Tuy nhiên, bởi số tiền quyên góp của mỗi cá nhân cho các ứng viên tổng thống có mức giới hạn là 2.800 USD/năm, nên chiến dịch của ông Trump sau đó phải hoàn tiền cho người ủng hộ.
Theo đó, chiến dịch của ông Trump hoàn lại khoảng 122 triệu USD cho các nhà tài trợ, tương đương khoảng 12% số tiền quyên góp được. Trong khi đó, chiến dịch của ông Biden hoàn lại 21 triệu USD cho các nhà tài trợ, tương đương 2,2%.