Vương miện, gươm và quyền trượng nạm đá quý có thể là thứ lấp lánh nhất trong lễ đăng quang của Vua Charles III, nhưng trong số tất cả lễ vật đăng quang, thứ quan trọng nhất từ góc độ lịch sử có thể là một chiếc thìa, theo Guardian.
Bảo vật đăng quang lâu đời nhất
Khi 2.000 quan khách chứng kiến lễ đăng quang tại tu viện Westminster vào ngày 6/5 tới, những bảo vật linh thiêng tượng trưng cho nghĩa vụ và quyền lực của quân vương sẽ tiếp tục vai trò mà chúng đã thực hiện tại nơi này trong nghi thức tồn tại gần 1.000 năm.
Tuy nhiên, hầu hết vật phẩm vô giá này đều có niên đại không quá 350 năm, kể từ sau cuộc nội chiến ở Anh và vụ hành quyết Vua Charles I năm 1649.
Hầu hết bảo vật sử dụng cho lễ đăng quang đã bị phá hủy trong thời kỳ nội chiến và chỉ được thợ kim hoàn hoàng gia tái tạo vào năm 1660 theo lệnh của Vua Charles II.
Một món đồ hiếm hoi còn sót lại là chiếc thìa đăng quang, lâu đời nhất trong số các bảo vật đăng quang, theo thông tin chi tiết được Cung điện Buckingham công bố hôm 9/4.
Chiếc thìa đăng quang được cho là có từ thế kỷ 12. Ảnh: Royal Collection Trust. |
Có niên đại từ thế kỷ 12, chiếc thìa - có hình bầu dục, được chia thành hai thùy, dùng để đựng dầu thánh trước khi xức cho tân vương và tân vương hậu - đã "sống sót" sau cuộc tranh đoạt vương quyền của Oliver Cromwell.
Nó từng được bán với giá 16 shilling cho Clement Kynnersley, một quan chức trông coi kho y phục và trang sức của Vua Charles I, sau đó là của Cromwell. Shilling là loại tiền tệ của Anh được lưu hành cho đến năm 1971, bằng một phần hai mươi của đồng bảng.
Kynnersley đã trả lại nó trước lễ đăng quang của vua Charles II, dù có tin đồn cho rằng ông ta trả lại để đổi lấy một khoản lợi nào đó.
Chiếc thìa được cho là đã được đem ra sử dụng lần đầu trong lễ đăng quang của vua Henry II hoặc Richard I.
Kathryn Jones, người phụ trách nghệ thuật trang trí cao cấp tại bảo tàng Royal Collection Trust cho biết: “Dù có lẽ là vật phẩm khiêm tốn nhất trong bộ sưu tập hoàng gia nhưng nó là thứ lâu đời nhất”.
Bà Jones tin rằng vì chỉ là một chiếc thìa nên nó mới còn toàn vẹn trong cuộc nội chiến, do người ta có thể không nghĩ rằng nó là một phần của nghi lễ hoàng gia trọng đại nhất.
Bảo vật đăng quang gây tranh cãi nhất
Trong khi chiếc thìa có thể là bảo vật đăng quang lâu đời nhất, một trong những bảo vật gây tranh cãi nhất có thể là chiếc trượng vương hậu làm bằng ngà voi và có gắn tượng chim bồ câu.
Được sử dụng trong các lễ đăng quang kể từ thời Vua James II vào năm 1685, chiếc trượng dài gần một mét, có ngàm bằng vàng và trên đỉnh có hình một con chim bồ, tượng trưng cho thánh linh.
Trượng vương hậu bằng ngà voi có gắn tượng chim bồ câu. Ảnh: Royal Collection Trust. |
Hoàng tử William từng nói rằng mình muốn tiêu hủy tất cả vật phẩm làm từ ngà voi trong điện Buckingham nhằm khuyến khích bảo vệ động vật hoang dã và chống nạn săn bắt trái phép.
Một số trang tin tức đồn đoán rằng chiếc trượng trên có thể sẽ không xuất hiện trong lễ đăng quang sắp tới, nhưng các quan chức hoàng gia nói rằng những thông tin này là thiếu cơ sở.
Các nghi lễ và bảo vật sử dụng trong lễ đăng quang
Lễ rước
Trong lễ rước, hai chiếc chùy bạc có niên đại từ năm 1660 và 1695 được nâng đi phía trước nhà vua như biểu tượng thể hiện quyền lực. Quyền trượng bằng vàng của Thánh Edward (1660), cũng sẽ được đưa đi theo.
Ba thanh gươm, còn lành lặn sau cuộc nội chiến 1649, sẽ được tháo vỏ và được các khanh tướng nâng đỡ, hướng mũi lên trên.
Chúng bao gồm: Gươm công lý thế tục (sword of temporal justice), biểu thị vai trò của nhà vua với tư cách là người đứng đầu lực lượng vũ trang; gươm công lý tâm linh (sword of spiritual justice), biểu thị nhà vua là người bảo vệ đức tin; và gươm nhân từ (sword of mercy, hay còn gọi là curtana), không có mũi nhọn, tượng trưng cho lòng nhân từ của bậc quân vương.
Những thanh gươm trên lần đầu tiên được sử dụng trong lễ đăng quang của Vua Charles I vào năm 1626.
Thanh gươm đất nước (sword of state) có từ năm 1678, tượng trưng cho quyền lực hoàng gia, sẽ xuất hiện trong lễ rước và được sử dụng sau lễ đăng quang thay cho thanh gươm lễ vật nạm ngọc (jewelled sword of offering), đang được lưu giữ cùng tại Tháp London.
Lễ xức dầu
Dầu thánh - được thánh hiến tại nhà thờ Holy Sepulcher ở Jerusalem - được đựng trong một chiếc bình vàng nguyên khối hình đại bàng (có từ năm 1661) và được rót vào chiếc thìa đăng quang.
Hai thùy của chiếc thìa giúp tổng giám mục Canterbury có thể nhúng hai ngón tay vào dầu một cách dễ dàng để sau đó tạo hình chữ thập trên tay, ngực và đầu của tân vương.
Bình đựng dầu thánh và thìa đăng quang. Ảnh: Royal Collection Trust. |
Lễ trao bảo vật
Một cặp đinh thúc ngựa làm bằng vàng và nhung đỏ nằm trong số những đồ vật được trao cho quốc vương trong các lễ đăng quang kể từ thời Vua Charles II. Chúng tượng trưng cho các giá trị hiệp sĩ như bảo vệ kẻ yếu, bảo vệ nhà thờ và đảm bảo công lý.
Gươm lễ vật - được làm vào năm 1820 cho Vua George IV, trang trí lộng lẫy bằng kim cương, hồng ngọc và ngọc lục bảo - sẽ được tổng giám mục ban phước trước khi đặt vào tay quốc vương. Điều này tượng trưng rằng nó nên được sử dụng để bảo vệ điều thiện và trừng phạt cái ác. Thanh gươm sau đó được nhà vua đặt trên bệ thờ.
Hai chiếc vòng tay bằng vàng có các biểu tượng quốc gia - được gọi là Vòng tay Chân thành và Trí tuệ, có từ năm 1661 - sẽ được đeo vào cổ tay cho quốc vương.
Quả cầu Sovereign (1661), rỗng và làm bằng vàng, được chia thành ba phần, đại diện cho ba lục địa được biết đến trong thời trung cổ. Tượng trưng cho quyền lực Cơ Đốc giáo, nó được đặt vào tay phải của quốc vương và được chuyển đến bệ thờ cao trước thời điểm đăng quang.
Chiếc nhẫn Sovereign là biểu tượng của phẩm giá và niềm tin, được làm cho lễ đăng quang của Vua William IV (1831), sẽ được đeo cho tân vương trong buổi lễ.
Quyền trượng Sovereign đầu thánh giá cũng là một bảo vật quan trọng trong lễ đăng quang. Viên đá gắn ở đầu quyền trượng là Star of Africa (Ngôi sao châu Phi) - viên kim cương đã cắt gọt lớn nhất thế giới. Quyền trượng được làm năm 1661, sau đó được thiết kế lại để phù hợp với viên kim cương 530 carat vào năm 1910.
Quyền trượng đại diện cho quyền lực trần thế của quân vương và sự trị vì anh mình.
Các bảo vật đăng quang bao gồm vương miện St Edward, 2 quyền trượng Sovereign, gươm lễ vật, nhẫn Sovereign, cặp Vòng tay Chân thành và Trí tuệ, một cặp đinh thúc ngựa vàng, quả cầu Sovereign, bình đựng dầu thánh và thìa. Ảnh: Royal Collection Trust. |
Quyền trượng Sovereign đầu bồ câu, được gọi là "quyền trượng của sự công bằng và lòng thương xót", sẽ được đặt vào tay trái của quốc vương, biểu trưng cho sức mạnh tinh thần của quốc vương. Bồ câu tráng men tượng trưng cho thánh linh.
Lễ trao vương miện
Vương miện St Edward, được đặt theo tên Vua Edward Người Tuyên xưng Đức tin ("Edward the Confessor"), nặng gần 2,28 kg, sẽ được đội lên cho quân vương trong lễ đăng quang. Nó được chế tác cho vua Charles II vào năm 1661 để thay thế cho chiếc vương miện thời trung cổ đã bị phá hủy.
Vương miện được chế tác từ một khung bằng vàng nguyên khối đính hồng ngọc, thạch anh tím, ngọc bích, ngọc hồng lựu, hoàng ngọc và đá tourmalines. Trên đỉnh vương miện là một quả cầu và một cây thánh giá, tượng trưng cho thế giới Cơ Đốc giáo.
Vương hậu cũng có lễ tôn của riêng mình cùng với nhà vua. Chiếc nhẫn vàng đính hồng ngọc được làm cho lễ đăng quang của Vua William IV và Nữ hoàng Adelaide vào năm 1831, sẽ được đeo lên tay vương hậu.
Bà cũng sẽ được trao trượng vương hậu bồ câu và trượng vương hậu thập giá.
Vương miện St Edward và vương miện Imperial State. Ảnh: REX Shutterstock/Reuters. |
Vương miện Nữ hoàng Mary sẽ được trao cho vương hậu. Đây là trường hợp đầu tiên trong thời hiện đại, một vương miện được sử dụng cho lễ tôn của vương hậu.
Vào cuối lễ đăng quang, vương miện Imperial State sẽ được dùng để thay thế cho vương miện St Edward.
Được làm cho Vua George VI vào năm 1937, chiếc vương miện được nạm 2.868 viên kim cương (trong đó viên Cullinan II lớn nhất nặng 317,4 carat), 17 viên ngọc bích, 11 viên ngọc lục bảo và 269 viên ngọc trai.
Chín cuốn sách nên đọc về Nữ hoàng Anh Elizabeth II
Độc giả có thể hiểu sâu hơn về cuộc sống, gia đình và cá tính của Nữ hoàng Elizabeth qua chín cuốn sách do New York Times giới thiệu. Trong đó có thể kể đến cuốn Elizabeth the Queen: The Life of a Modern Monarch - cuốn tiểu sử cung cấp nhiều thông tin và được ra mắt trùng với lễ kỷ niệm kim cương của Nữ hoàng (2012).
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.