Tàu ngầm lớp Scorpene, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Pháp ở châu Á. Ảnh: India Defence |
Tạp chí National Interest cho biết, các quốc gia lớn ở châu Âu đang tranh nhau miếng bánh béo bở từ thị trường vũ khí rất sôi động ở châu Á dù không có ảnh hưởng chính trị lớn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Vụ truyền thông Australia rò rỉ hàng nghìn tài liệu mật về đặc tính kỹ chiến thuật của tàu ngầm điện – diesel Scorpene của Pháp đã tiết lộ phần nào về doanh số bán vũ khí ngày càng tăng của châu Âu ở châu Á.
Pháp, Đức độc chiếm thị trường
Năm 2005, Ấn Độ và Pháp đã ký hợp đồng trị giá 3,5 tỷ USD để mua 6 tàu ngầm điện – diesel Scorpene do tập đoàn DCNS chế tạo. Quá trình đóng đang được thực hiện bởi liên doanh giữa DCNS, Pháp và công ty đóng tàu Mazagon Dock Limited ở Mumbai, Ấn Độ.
Pháp cũng đang trong quá trình đàm phán với Ấn Độ để bán 36 tiêm kích Rafale với tổng giá trị khoảng 8,9 tỷ USD. Ngoài ra, New Delhi cũng quan tâm tới việc mua tên lửa và đạn dược với chi phí khoảng 1 tỷ USD.
Trong một diễn biến liên quan, tháng 4, tập đoàn DCNS đã giành được hợp đồng hàng chục tỷ USD để bán 12 tàu ngầm lớp Barracuda cho Hải quân Hoàng gia Australia. Tàu ngầm mới sẽ thay thế cho tàu ngầm lớp Collins đã lạc hậu.
Tàu ngầm lớp Barracuda của Pháp. Ảnh: ABC |
Đây là một trong những hợp đồng bán tàu ngầm lớn nhất lịch sử của DCNS, cũng như trên thế giới. Nhà thầu đến từ Pháp đã chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với ThyssenKrupp Marine Systems (TKMS) của Đức và Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản.
Trong khi Pháp là quốc gia châu Âu gần như thống trị thị trường vũ khí châu Á, Đức một cường quốc châu Âu khác cũng không chịu “ngồi yên”. Đầu tháng 8, Rheinmetall AG của Đức đã khởi động dự án hợp tác với Etika Strategi của Malaysia và BMC của Thổ Nhĩ Kỳ để sản xuất xe chiến đấu bọc thép.
Dự án nhằm mở rộng hoạt động sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng của 3 công ty ở thị trường châu Á. Ngoài ra, TKMS của Đức sẽ cung cấp cho Singapore 2 tàu ngầm điện – diesel Type-218SG vào năm 2020. Tổng giá trị hợp đồng tới 2,2 tỷ USD.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 2005-2015, Pháp dẫn đầu doanh số bán vũ khí cho châu Á với tổng giá trị 9,6 tỷ USD. Đức đứng thứ 2 với tổng giá trị 7,1 tỷ USD. Các nước tiếp theo là Anh 4,7 tỷ USD, Thụy Điển 2,4 tỷ USD, Tây Ban Nha 2,1 tỷ USD, Italy 1,9 tỷ USD và Hà Lan 1,1 tỷ USD.
Các quốc gia châu Âu không thể bán vũ khí hoàn chỉnh cho Trung Quốc do lệnh cấm vận vũ khí mà Liên minh châu Âu áp đặt với Bắc Kinh sau sự kiện Thiên An Môn. Tuy nhiên, các nhà thầu quốc phòng châu Âu lách luật bằng cách bán linh kiện sử dụng đa mục đích cho Bắc Kinh.
Theo báo cáo của SIPRI, Trung Quốc đã mua các động cơ, linh kiện điện tử cho trực thăng thương mại để phát triển vũ khí cho hải quân nước này.
Thương mại đơn thuần
Pháp và Đức là 2 quốc gia châu Âu có thị phần lớn nhất trong miếng bánh vũ khí châu Á. Paris muốn thúc đẩy xuất khẩu quốc phòng để phát triển kinh tế và duy trì tầm ảnh hưởng. Pháp đang đặt mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ và vượt Nga trong vài năm tới.
Berlin có xu hướng né tránh các cuộc xung đột, ngay cả khi châu Âu nổi giận với một vấn đề nào đó. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Đức đang đánh mất cách tiếp cận ngoại giao trung lập đối với các cuộc khủng hoảng, khi đề cập đến doanh số bán hàng vũ khí của họ có được từ bất ổn chính trị trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Các quốc gia châu Âu bán vũ khí cho cả hai phía mà không phân biệt các bên liên quan. Thực tế, EU không phân biệt giữa sự hiếu chiến của Ấn Độ và Pakistan, cũng như Trung Quốc và các quốc gia có tranh chấp chủ quyền.
Emanuele Scimia, nhà phân tích chính sách đối ngoại nhận định, đối với EU, vũ khí đơn giản là một sản phẩm mang tính thương mại đơn thuần ở khu vực châu Á mà dường như không mấy quan tâm đến sự bất ổn chính trị tạo ra từ việc bán vũ khí đó.