Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Chất lượng không khí TP.HCM dễ thở nhất trong 5 năm

Theo Báo cáo chất lượng không khí thế giới do IQAir chính thức cập nhật lần cuối hôm 22/3, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở TP.HCM năm 2021 đạt mức thấp nhất trong 5 năm qua.

Dữ liệu trong báo cáo ghi nồng độ PM2.5 trung bình năm 2021 của TP.HCM là 19,4 microgram/m3 (μg/m3). So với các nước châu Á, con số này tương đương của thủ đô Bangkok (Thái Lan), Seoul (Hàn Quốc) và bằng Malaysia.

Trong nước, xếp hạng PM2.5 ở TP.HCM đứng thứ 4 sau Hà Nội, Hà Tĩnh, Huế. Thành phố Hà Nội nằm ở vị trí 15 trong danh sách 107 thủ đô các nước về mức ô nhiễm không khí năm 2021, với nồng độ PM2.5 trung bình là 36,2 μg/m3.

Các quốc gia và khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á có nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm cao nhất tính theo dân số. Năm 2021, Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm về nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm.

Báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới (World Air Quality Report) do IQAir tổng hợp và so sánh hàng triệu phép đo PM2.5 được thực hiện ở hàng nghìn địa điểm trên thế giới. Dữ liệu được thu thập trong suốt cả năm. World Air Quality Report 2021 được IQAir công bố ngày 22/3.

Bụi mịn PM2.5 là ô nhiễm không khí gồm những chất dạng hạt đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet, đặc biệt gây hại cho sức khỏe con người, chủ yếu gây ra các bệnh như hen suyễn, đột quỵ, các bệnh tim và phổi.

chat luong khong khi TP.HCM anh 1

Cách đánh giá tình trạng PM2.5 theo thang đo của IQAir.

Hiện TP.HCM có hơn 15 trạm đo chất lượng không khí và PM2.5, gồm mạng lưới theo dõi chất lượng không khí của các cơ quan chính phủ lẫn cá nhân và tổ chức phi chính phủ.

Tuy nhiên hệ thống này còn chưa phủ khắp thành phố, chủ yếu phân bố ở khu trung tâm, quận 7 và TP Thủ Đức. “Ngoài ra còn thiếu dữ liệu thời gian thực và công khai”, báo cáo viết.


Mức PM2.5 của TP.HCM giảm liên tiếp

“Chất lượng không khí ở TP.HCM, thành phố đông dân nhất Việt Nam, được cải thiện với nồng độ PM2.5 giảm từ 22 μg/m3 năm 2020 còn 19,4 μg/m3 năm 2021”, báo cáo của IQAir viết.

Cụ thể, nồng độ PM2.5 của thành phố năm vừa qua giảm 11,8% so với năm 2020, giảm 23,3% so với năm 2019 và giảm mạnh so với năm 2018 là 30,7%. Nếu tính cả mức giảm khoảng 22% so với năm 2017, chất lượng không khí TP.HCM đạt mức tốt nhất trong 5 năm.

Trong các tháng giãn cách xã hội, hoạt động giao thông, sản xuất, xây dựng gần như ngưng trệ trong 3-4 tháng. Đây là yếu tố cải thiện chất lượng không khí TP.HCM trong năm qua.

chat luong khong khi TP.HCM anh 2

Tính riêng thống kê từng tháng, nồng độ PM2.5 giảm mạnh trong các tháng TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội. Đồ họa: World Air Quality Report 2021.

Song thời gian còn lại chất lượng không khí rơi vào ngưỡng không lành mạnh. Có ngày nồng độ PM2.5 trong không khí cao gấp chục lần ngưỡng của WHO khuyến cáo.


Không khí ở TP.HCM chưa đạt mức an toàn

Chỉ số PM2.5 năm 2021 của TP.HCM 19,4 μg/m3 vẫn cao gấp gần 4 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Từ năm 2006, WHO khuyến cáo ngưỡng PM2.5 trung bình hàng năm là 10 μg/m3 đủ để giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng sức khỏe tới con người. Tuy nhiên vào tháng 9/2021, WHO đã cắt giảm ngưỡng này từ 10 μg/m3 xuống 5 μg/m3.

Chỉ có 3% quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và không có thành phố nào ở Việt Nam đáp ứng tiêu chí về chất lượng không khí trung bình hàng năm của WHO.

Con số trong các báo cáo của IQAir thể hiện mức độ ô nhiễm không khí ở Việt Nam (đứng thứ 36 trên thế giới) không bằng mức của Trung Quốc hay Ấn Độ, nhưng những rủi ro về sức khỏe là thứ đang hiện hữu và đáng quan ngại. WHO cho biết PM2.5 là nguyên nhân của hàng triệu ca tử vong mỗi năm.

Theo báo cáo, ước tính năm 2021 có 40.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong liên quan trực tiếp đến ô nhiễm không khí PM2.5. Và trong thời buổi dịch Covid-19, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với PM2.5 làm tăng nguy cơ nhiễm virus và khiến các triệu chứng nghiêm trọng hơn khi bị nhiễm, bao gồm tử vong.

World Air Quality Report 2021 thống kê năm 2020 một nửa lượng điện năng được tạo ra ở Việt Nam là từ các nhà máy nhiệt điện than. Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí, cùng với khí thải ôtô, xe máy và khí thải nhà máy.

“Hít thở không khí sạch phải là một quyền cơ bản của con người, không phải là một đặc ân”.

Ông Avinash Chanchal nêu trong báo cáo.

“Chúng ta hiểu rõ hơn bao giờ hết ô nhiễm không khí gây hại cho sức khỏe và nền kinh tế như thế nào. Để giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí đòi hỏi phải phát triển các nguồn năng lượng tái tạo”, ông Avinash Chanchal, Giám đốc Chiến dịch Greenpeace Ấn Độ, nói.

Tại hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam sẽ giảm phát thải khí nhà kính để đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050, tập trung vào cách giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thay bằng năng lượng tự nhiên.

TP.HCM cũng đang vận hành các loại hình giao thông xanh gồm xe đạp công cộng và xe buýt điện để giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời thay đổi thói quen của người dân trong sử dụng giao thông công cộng.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Những hồ bơi bạn không biết mình có thể vào ở TP.HCM

Nếu các hồ bơi công cộng quanh khu vực bạn sinh sống quá đông hay chất lượng nước không được sạch thì hồ bơi ở các chung cư là lựa chọn dành cho bạn.

10 gợi ý khi mùa bơi về ở TP.HCM

Người đi bơi thư giãn thường không tìm đến những hồ đông người, còn trẻ con học bơi phải chọn hồ có độ sâu thích hợp. Vậy họ nên tìm hồ bơi nào ở TP.HCM?

Hồ bơi cạnh nhà, nhiều cư dân TP.HCM chưa sẵn sàng nhảy xuống

Có hồ bơi là lợi thế của nhiều chung cư nhưng việc cho người lạ vào hồ, chất lượng nước không đảm bảo hay thiếu nhân viên cứu hộ là những điều cư dân mong muốn cải thiện.

Ý Linh

Bạn có thể quan tâm