Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Chẳng còn gì' ở Sri Lanka

Từng là điểm sáng kinh tế, cuộc sống của hàng triệu người ở Sri Lanka đang sụp đổ khi không có khả năng tiếp cận những dịch vụ và hàng hóa cơ bản nhất như thực phẩm, xăng dầu.

sri lanka vo no anh 1

Selwi Thangawelu là người phụ nữ hai con sống ở thủ đô Colombo. Chồng bà là công nhân nhặt rác. Khi nền kinh tế Sri Lanka rơi xuống vực sâu khủng hoảng, tiền lương của người chồng không còn đủ để trả chi phí sinh hoạt như thức ăn, nhiên liệu.

Mới đây, Thangawelu tìm được công việc mới ở Kuwait, làm người giúp việc gia đình. Tiền lương hàng tháng đủ để bà duy trì việc học của hai con.

Nhưng để sang Kuwait, Thangawelu phải được cấp hộ chiếu, một thách thức thực sự lúc này khi hàng chục nghìn người Sri Lanka cũng đang tìm đường tháo chạy ra nước ngoài, theo New York Times.

Suốt 3 tuần qua, vợ chồng bà Thangawelu sống nhờ số gạo ít ỏi còn lại. Thức ăn duy nhất ăn cùng cơm là rau được nhường hết cho các con.

"Cảnh ra nước ngoài làm việc khiến tôi sợ, nhưng không có đường sống nếu ở lại", Thangawelu nói.

Quốc gia 22 triệu dân Sri Lanka đã có thời là điểm sáng kinh tế của khu vực, với tầng lớp trí thức được đào tạo bài bản, giới trung lưu đông đảo, thu nhập bình quân thuộc hàng cao nhất Nam Á. Nhưng lúc này, hàng triệu người thậm chí không còn đủ khả năng mua những hàng hóa tiêu dùng cơ bản.

Hàng hóa trong siêu thị ngày càng khan hiếm hơn, những gì còn bán thì đắt tới mức đa phần người dân không đủ tiền mua. Lượng xăng dầu bán ra nhỏ giọt khiến người dân phải xếp hàng trong nhiều ngày mới có thể mua được một chút.

Khó khăn chưa từng thấy

Chỉ vài tháng trước, ôtô và xe lam là phương tiện giao thông chủ yếu ở Sri Lanka. Nhưng lúc này, đa phần người dân chỉ có thể đi bộ, hoặc đơn giản là ở trong nhà.

"Đây là lần đầu tiên cuộc sống tôi trở nên khó khăn như lúc này", một nông dân 80 tuổi tên Deyarathna Liyanage cho biết.

sri lanka vo no anh 2

Người dân xếp hàng chờ mua xăng ở Colombo. Ảnh: New York Times.

Gia đình Liyanage thuộc số ít may mắn. Khi mà nạn đói đang bao trùm cả nước, gia đình Liyanage có thể sống dựa vào nguồn lúa gạo, rau xanh và cây ăn trái mà họ tự trồng trên cánh đồng nhỏ của mình.

"Ngoài kia không còn đồ ăn, không còn nhiên liệu, chẳng còn gì hết. Chúng tôi thậm chí không thể đi đâu khác", ông Liyanage nói.

Cuộc khủng hoảng tại Sri Lanka lên đến đỉnh điểm vào cuối tuần qua khi hàng nghìn người tấn công dinh thự Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, yêu cầu ông này từ chức. Một nhóm người biểu tình đốt phá tư gia của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe.

Hôm 11/7, văn phòng thủ tướng cho biết Tổng thống Rajapaksa đã chấp nhận sẽ từ chức trong vài ngày tới.

Bất kể ai là người kế nhiệm Rajapaksa, người đó sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mà không dễ tìm ra giải pháp.

Sri Lanka đã cơ bản vỡ nợ, triển vọng tài chính càng trở nên tồi tệ hơn khi lạm phát toàn cầu đang dâng cao. Các chủ nợ quan trọng của Sri Lanka, như Ấn Độ, cho biết sự kiên nhẫn và hầu bao của họ không phải vô hạn. Sri Lanka bởi vậy càng khó nhập khẩu hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu.

Chính phủ sai lầm, người dân trả giá

"Người dân Sri Lanka đang trả giá cho những sai lầm của chính phủ", New York Times bình luận.

Trước đây, một nguồn thu chính của gia đình Liyanage là từ lúa gạo, trong đó phân bón hóa học được chính phủ cung cấp. Sau đó, chính phủ Sri Lanka đột ngột cấm việc sử dụng phân bón hóa học, làm sản lượng mùa màng sụt giảm nghiêm trọng.

Nhận ra sai lầm, chính phủ cho phép sử dụng phân hóa học trở lại, khiến giá mặt hàng tăng chóng mặt. Nhưng khi đó, phân hóa học đã không còn được cấp miễn phí.

Lúc này, gia đình Liyanage sử dụng phân hỗn hợp để bón ruộng, sản lượng mùa màng chỉ bằng 20% so với trước kia.

"Ngày trước lúa gạo mang lại lợi nhuận rất lớn. Bây giờ, bán gạo chỉ có lỗ. Tốt hơn hết là giữ lại trong gia đình để sử dụng", Liyanage nói.

Mohammed Rafiq là một tiểu thương bán hoa quả. Những ngày này, khách hàng thưa thớt tới mức Rafiq phải giảm giá 50% để lấy lại vốn, dù phải trả giá cao hơn cho hoa quả nhập từ miền Nam Sri Lanka.

Tại thủ đô Colombo, đường phố gần như không còn ôtô, ngoại trừ những chiếc xếp hàng dài chờ mua nhiên liệu. Cứ cách vài ngày, Bộ Năng lượng Sri Lanka đăng trên Twitter thời điểm lô xăng dầu mới về, thế là người dân lại đổ đi xếp hàng hy vọng có thể mua được.

sri lanka vo no anh 3

Thủ đô Colombo thường xuyên mất điện. Ảnh: New York Times.

Ngành du lịch, một thời là huyết mạch của nền kinh tế Sri Lanka, lúc này đã bốc hơi sau những cú sốc liên tiếp, ban đầu là Covid-19, hiện nay là khủng hoảng kinh tế.

Hamdan Fawmy, từng là tài xế xe du lịch tới các thắng cảnh nổi tiếng, gần như thất nghiệp nhiều tháng qua. Tuần qua, người đàn ông ngồi trong xe suốt 4 ngày chỉ để chờ đến lượt đổ xăng. Bởi hạn chế số lượng xăng bán ra, mỗi lần đổ chỉ đủ để Fawmy di chuyển trong 2 ngày.

Fawmy cho biết ông sợ cuộc biểu tình nếu thành công, tức buộc Tổng thống Rajapaksa từ chức, sẽ chỉ làm tình hình thêm tồi tệ hơn.

"Nếu chính phủ không còn, tôi sợ sẽ phải đợi 8 ngày mới được đổ xăng. Hay thậm chí sẽ không còn nhiên liệu nữa?", Fawmy nói.

"Khủng hoảng chỉ là chút khó khăn với người giàu"

Tại Sri Lanka, bất bình đẳng kinh tế ngày càng trầm trọng. Với giới nhà giàu thiểu số, cuộc khủng hoảng kinh tế chỉ gây một chút khó chịu chứ không cản trở cuộc sống của họ. Với những tài khoản chứa đầy ngoại tệ ở nước ngoài, giới nhà giàu dễ dàng vượt qua sức ép từ lạm phát phi mã.

Bên trong chuỗi siêu thị hạng sang có tên Keells, các kệ bán hàng tươi sống và ngũ cốc vẫn đầy ắp, dù giá đã tăng gấp ba lần kể từ tháng 4.

Hôm 10/7, một buổi tiệc cưới xa hoa được tổ chức tại khách sạn hạng sang Kingsbury ở thủ đô Colombo, khách tham dự khoác trên mình những bộ trang phục đắt đỏ. Chỉ một ngày trước đó, một cuộc biểu tình đã nổ ra ngay gần khách sạn này.

"Tầng lớp trung lưu và người nghèo đã phản ứng, họ không còn kiên nhẫn nữa, họ sẵn sàng hành động bất cứ lúc nào", Jayadeva Uyangoda, giáo sư khoa học chính trị Đại học Colombo, nói.

sri lanka vo no anh 4

Người dân xông vào dinh thự của Tổng thống Rajapaksa. Ảnh: New York Times.

Cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm đảo lộn nhiều năm tiến bộ xã hội. Các trường học đã đóng cửa suốt nhiều tuần để tiết kiệm nhiên liệu. Các nhà thuốc đã không còn thuốc để kê đơn. Các công ty buộc nhân viên giảm lương.

Ngày càng có nhiều người Sri Lanka tìm cách ra nước ngoài. Những ngày gần đây, người dân xếp hàng dài tại trụ sở cơ quan cấp hộ chiếu ở thủ đô Colombo.

Mới đây, hàng chục người Sri Lanka tìm cách vượt biên bằng thuyền nhỏ đã bị tuần duyên Australia bắt giữ ở Ấn Độ Dương.

Paramasivam Satheesh, năm nay 36 tuổi, làm nghề lái xe lam chở khách. Những ngày qua, bởi không thể mua được xăng, Satheesh đã ngừng chạy xe. Số xăng ít ỏi còn lại được Satheesh dùng để đưa gia đình tới khu trại dã chiến của người biểu tình, nơi họ được phát đồ ăn và nước uống.

Satheesh sợ phong trào biểu tình sẽ sớm chấm dứt, khi đó cả gia đình ông sẽ phải ăn xin trên phố.

Kế hoạch của Satheesh là khi nguồn cung nhiên liệu dễ thở hơn, ông sẽ lại chạy xe, kiếm đủ tiền để xin cấp hộ chiếu. Người đàn ông cho biết sẽ sang châu Âu hoặc Trung Đông làm việc, gửi tiền về quê nhà cho vợ con.

Người biểu tình nô đùa sau khi xông vào nhà tổng thống Sri Lanka Sau khi Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa tháo chạy khỏi dinh thự ở Colombo, báo địa phương Daily Mirror đăng video cho thấy người biểu tình nô đùa ở bể bơi của tòa nhà.

Tổng thống tháo chạy của Sri Lanka đã sai ở đâu?

Trước khi rời khỏi Sri Lanka, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa là người cuối cùng trong số 6 thành viên của gia tộc quyền lực nhất nước này, vẫn cố gắng bám trụ trên chính trường.

Cảnh sát hộ tống tổng thống Sri Lanka và vệ sĩ ở sân bay Maldives

Lực lượng Không quân Sri Lanka ngày 13/7 xác nhận thông tin Tổng thống Gotabaya Rajapaksa cùng phu nhân đã rời khỏi đất nước và lên đường tới Maldives.

Những con trăn kim loại khổng lồ chất chứa sự cuồng nộ ở Sri Lanka

Trong bối cảnh bất ổn, người dân Sri Lanka cho biết các cuộc biểu tình giúp gây sức ép thành lập chính phủ mới và lấy lại lòng tin của cộng đồng quốc tế để nhận viện trợ.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm