“Ông Rajapaksa đã chính thức thông tin với Thủ tướng Ranil Wickremesinghe rằng ông ấy sẽ từ chức, theo như thông báo trước đó”, Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka ra tuyên bố.
Trước đó, ông Mahinda Yapa Abeywardena, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka, ngày 9/7 cho biết Tổng thống Rajapaksa sẽ từ chức trước áp lực từ các cuộc biểu tình bạo lực tại nước này.
Người biểu tình chụp ảnh selfie trong dinh thự của ông Rajapaksa, ngày 10/7. Ảnh: AFP. |
“Quyết định sẽ từ chức vào ngày 13/7 là để đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực ôn hòa”, ông Abeywardena nói. “Do đó, tôi yêu cầu công chúng tôn trọng luật pháp và duy trì hòa bình”.
Dù vậy, bản thân ông Rajapaksa vẫn chưa xuất hiện trước công chúng hay đưa ra một tuyên bố chính thức nào về vấn đề này.
Hôm 9/7, hàng trăm nghìn người biểu tình kéo đến thành phố Colombo - trung tâm chính trị của Sri Lanka - để đòi ông Rajapaksa từ chức.
Đây là bước leo thang lớn nhất trong làn sóng biểu tình đã kéo dài nhiều tháng tại quốc gia Nam Á này. Người biểu tình cáo buộc chính phủ Sri Lanka quản lý yếu kém và gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong hàng chục năm.
Do thiếu ngoại tệ, Sri Lanka gặp khó khăn trong nhập khẩu cả các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thực phẩm, thuốc men…, khiến cuộc sống của người dân - đặc biệt là nhóm yếu thế - thêm phần khốn khó.
Bên cạnh ông Rajapaksa, Thủ tướng Wickremesinghe cũng đã chấp nhận từ chức để mở đường cho việc hình thành một chính phủ bao gồm đại diện của nhiều đảng phái. Dinh thự của ông Wickremesinghe cũng bị người biểu tình tràn vào và phóng hỏa hôm 9/7.