Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Những con trăn kim loại khổng lồ chất chứa sự cuồng nộ ở Sri Lanka

Trong bối cảnh bất ổn, người dân Sri Lanka cho biết các cuộc biểu tình giúp gây sức ép thành lập chính phủ mới và lấy lại lòng tin của cộng đồng quốc tế để nhận viện trợ.

loi thoat cua nguoi dan Sri Lanka anh 1

Cuộc biểu tình lịch sử hôm 9/7 ở Sri Lanka, gây sức ép khiến cả tổng thống và thủ tướng nước này từ chức, đã "thể hiện ý chí to lớn của công chúng", người biểu tình Catherine Mack nói với BBC.

Người mẹ hai con đến từ thủ đô Colombo nhấn mạnh: “Chúng tôi chỉ muốn thay đổi, vì điều tốt đẹp hơn. Đó không phải là bạo lực”.

"Có rất nhiều người phản đối và ra đường biểu tình nhằm yêu cầu thay đổi. Điều đó thực sự tuyệt vời. Nó đã thay đổi suy nghĩ theo hướng tốt hơn. Tôi hy vọng nó sẽ kéo dài", Catherine cho biết.

Trong khi đó, giảng viên đại học Dinithika Appuhamy (27 tuổi), người cũng tham gia các cuộc biểu tình ở Colombo, nói rằng sự đoàn kết mà người dân Sri Lanka đã thể hiện và những gì họ đạt được xứng đáng để ăn mừng. Tuy nhiên, cô cảnh báo các nhà lãnh đạo vẫn chưa chính thức từ chức.

Cả hai người phụ nữ đều nhận thức được tình hình kinh tế tồi tệ của đất nước và hy vọng rằng ban lãnh đạo mới sẽ khôi phục vận mệnh của Sri Lanka.

loi thoat cua nguoi dan Sri Lanka anh 2

Tác động của khủng hoảng kinh tế khiến người dân Sri Lanka bất mãn với giới lãnh đạo nước này, dẫn đến tình trạng bất ổn trong những ngày qua. Ảnh: Reuters.

Nền kinh tế Sri Lanka đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng, lạm phát tăng cao kỷ lục lên gần 60% và chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Trong khi giá cả tăng vọt, tình trạng mất điện, thiếu hụt xăng dầu và gas đun bếp xảy ra thường xuyên, khiến cuộc sống của người dân - đặc biệt là nhóm người nghèo - thêm phần khốn khổ.

"Sống sót là ưu tiên số một"

Dinithika có thể chi trả những thứ cần thiết cho cuộc sống, như thức ăn và thuốc men, nhưng cô ấy biết rằng không phải ai cũng có thể làm điều này.

Nhiều người ở Sri Lanka không có tủ lạnh, cô cho biết. Vì vậy, họ uống sữa bột thay vì sữa tươi. Thế nhưng, hiện nay, nguồn cung sữa bột cũng đang cạn kiệt. Điều đó có nghĩa là nhiều trẻ sơ sinh và trẻ em không còn sữa để uống.

Dinithika cũng chia sẻ một số người tại Sri Lanka đang sống mà chỉ ăn một bữa mỗi ngày và cố gắng chuyển sang nuôi trồng để tự cung tự cấp. Nhưng "nếu bạn sống ở một khu vực đô thị, bạn không thể thấy điều kỳ diệu khi mới chỉ trồng vài tháng", cô cho biết.

Cô nói thêm phân bón hiện đắt đến mức thường chỉ có thể tìm thấy ở chợ đen.

loi thoat cua nguoi dan Sri Lanka anh 3

Dinithika và cha tham gia cuộc biểu tình hôm 9/7 ở Colombo. Ảnh: BBC.

Nguồn cung cấp y tế cũng đang thiếu hụt. Cha của Dinithika là một bệnh nhân ung thư và mới cắt bỏ tuyến giáp. Hàng ngày, ông phải dựa vào thuốc để sống sót.

"Chúng tôi đã dự trữ thuốc trong 6 tháng nhưng sau đó chúng tôi không biết phải làm gì", cô nói. "Em gái tôi sống ở Mỹ, vì vậy tôi hy vọng rằng con bé có thể gửi thuốc cho chúng tôi. Nhưng không phải ai ở Sri Lanka cũng có con gái ở Mỹ".

Bản thân giảng viên cũng cảm nhận được tác động của cuộc khủng hoảng. Vài tháng trước, cô trở về sống với bố mẹ ở Marawila, cách Colombo 70 km, sau khi tình trạng thiếu điện khiến cô không còn lựa chọn nào khác.

Ở khu vực nông thôn nơi Dinithika sống hiện nay, kết nối Internet không ổn định, khiến việc dạy học tại nhà theo yêu cầu của chính phủ trở nên khó khăn. Các trường học hiện phải đóng cửa để tiết kiệm nhiên liệu. Học sinh và sinh viên phải học trực tuyến đến năm thứ 3 liên tiếp.

“Về cơ bản là tôi không thể đến (trường) được”, cô giải thích. "Đường bị tắc do người dân xếp hàng đổ xăng. Trong khi đó, kết nối Internet của tôi không ổn định. Một số sinh viên sống ở các vùng hẻo lánh hơn cả tôi. Vì vậy, đôi khi (việc dạy học ở nhà) gần như vô nghĩa”.

"Ngay cả khi chúng tôi có thể đến đại học, đôi khi trường không có điện. Tôi làm việc trong một cơ sở kỹ thuật. Không có điện, tôi không thể làm việc được", cô nói thêm.

Khi được hỏi về tương lai của mình, Dinithika cố kìm nước mắt. "Tôi từng có những kỳ vọng lớn về tương lai của mình", cô cho biết. "Nhưng tất cả đều đã trôi xuống cống. Giờ đây, sống sót là ưu tiên số một".

loi thoat cua nguoi dan Sri Lanka anh 4

Một người đàn ông ngủ trên vỉa hè khi xếp hàng chờ mua xăng trong tình cảnh thiếu nhiên liệu ở Sri Lanka. Ảnh: Reuters.

Những con trăn kim loại khổng lồ

Trên khắp các đường phố ở Sri Lanka, những chiếc xe tuk-tuk xếp hàng dài chờ đổ xăng trông như những con trăn kim loại khổng lồ.

Các tài xế buộc phải xếp hàng nhiều ngày mới có nhiên liệu để chạy xe. Với bình chứa xăng 8 lít, một chiếc xe tuk-tuk chỉ có thể chạy trong khoảng 48 giờ. Sau đó, những tài xế lại tiếp tục gia nhập vào đoàn người chờ mua xăng. Họ còn mang theo chăn gối, quần áo và nước để sinh hoạt trên xe.

loi thoat cua nguoi dan Sri Lanka anh 5

Những hàng dài xe tuk-tuk chờ đổ xăng đã trở thành cảnh tượng quen thuộc ở Sri Lanka trong nhiều tháng qua. Ảnh: BBC.

Leisha, một người mẹ ba con đến từ Colombo, đã tham gia biểu tình phản đối chính phủ 3-4 lần một tuần. Cô cho biết hàng người xếp hàng chờ đổ xăng thậm chí đã kéo dài đến địa điểm họ tổ chức biểu tình - nơi cách trạm bơm xăng gần nhất là 3 km.

"Giữa lúc phần còn lại của thế giới trở lại cuộc sống bình thường, chúng tôi mắc kẹt với những điều này", cô nói và đổ lỗi do các nhà lãnh đạo Sri Lanka quản lý yếu kém và thiếu năng lực. Cô lo ngại rằng đất nước sẽ sớm đi vào bế tắc.

Catherine là một trong những người Sri Lanka may mắn hơn khi có đồ ăn, có khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân và một khu vườn lớn.

Đối với những gia đình "thu nhập trung bình" như cô, cuộc khủng hoảng mang nghĩa "bất tiện, thay vì thực sự khó khăn".

Nhưng Catherine cho biết một số phụ nữ tham gia cùng cô vào các cuộc biểu tình chỉ kiếm được tối đa 1.500 rupee Sri Lanka (tương đương 4,10 USD) mỗi ngày dù "họ đã phải căng mình để ra sức kiếm sống".

Với bánh mì hiện giờ đã lên tới mức giá khó có thể chi trả (170 rupee), gia đình họ thường ăn cơm cả ba bữa, với một phần nhỏ rau và dừa sambol (món ăn truyền thống được làm bằng cùi dừa khô). Trứng, với giá 50 rupee một quả, hiếm khi có trong thực đơn.

Thậm chí, nhiều gia đình buộc phải nấu nướng trực tiếp trên bếp củi trong không gian nhỏ hẹp vì không có gas, gây nguy hiểm cho chính bản thân họ.

loi thoat cua nguoi dan Sri Lanka anh 6

Saroja, hàng xóm của Catherine, không có lựa chọn nào khác ngoài việc nấu ăn trực tiếp trên bếp củi trong không gian nhỏ hẹp vì thiếu nhiên liệu. Ảnh: BBC.

Catherine hy vọng rằng một chính phủ đa đảng mới sẽ được thành lập và Sri Lanka sẽ lấy lại được lòng tin của cộng đồng quốc tế để nhận được thêm các khoản viện trợ.

"Từ đó, chúng tôi có thể thoát ra khỏi mớ hỗn độn này", cô nói. "Tôi hy vọng điều này và đây cũng là lý do chúng tôi biểu tình".

“Những ngày gần đây, mọi thứ đã đến giới hạn chịu đựng", Dinithika nói. "Mọi người không còn quan tâm điều gì nữa. Tại sao phải làm việc khi mọi thứ đã trở thành địa ngục?".

Dinithika cho hay cô hy vọng phần còn lại của thế giới sẽ hiểu "người dân Sri Lanka muốn chính phủ thay đổi đến mức nào".

Người biểu tình nô đùa sau khi xông vào nhà tổng thống Sri Lanka Sau khi Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa tháo chạy khỏi dinh thự ở Colombo, báo địa phương Daily Mirror đăng video cho thấy người biểu tình nô đùa ở bể bơi của tòa nhà.

Tháo chạy khỏi tư dinh, tổng thống Sri Lanka đang ở đâu?

Những người biểu tình cho biết họ sẽ tiếp tục chiếm các dinh thự của tổng thống và thủ tướng Sri Lanka cho đến khi cả hai nhà lãnh đạo này chính thức từ chức.

Dinh thự xa hoa của tổng thống và nỗi khốn khổ của người dân Sri Lanka

Mỗi ngày trôi qua, người dân Sri Lanka càng thêm khốn khổ. Đa số họ ăn không đủ no, không có xăng để di chuyển, không đủ thuốc men để chữa bệnh,...

Minh An

theo BBC

Bạn có thể quan tâm