Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổng thống tháo chạy của Sri Lanka đã sai ở đâu?

Trước khi rời khỏi Sri Lanka, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa là người cuối cùng trong số 6 thành viên của gia tộc quyền lực nhất nước này, vẫn cố gắng bám trụ trên chính trường.

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa cùng vợ và vệ sĩ đã bay đến thành phố Male, thủ đô của Maldives, trên chiếc máy bay quân sự Antonov-32, vào ngày 13/7.

Quyết định rời khỏi đất nước của ông được thực hiện chỉ vài ngày sau khi đám đông biểu tình xông vào dinh thự tổng thống. Dưới áp lực từ công chúng, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa cam kết sẽ từ chức để dọn đường cho "quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình", đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của gia tộc, theo AP.

tong thong Sri Lanka thao chay anh 1

Tổng thống Sri Lanka đã rời khỏi đất nước bằng máy bay quân sự vào ngày 13/7. Ảnh: Reuters.

Gia tộc Rajapaksa có ảnh hưởng như thế nào?

Trong nhiều thập kỷ, gia tộc đầy quyền lực của ông Rajapaksa đã chi phối tình hình chính trị ở một quận phía nam Sri Lanka, trước khi ông Mahinda Rajapaksa, anh trai của ông Gotabaya, được bầu làm tổng thống vào năm 2005.

Nhờ khơi dậy tình cảm dân tộc của những người theo Phật giáo Sinhalese chiếm đa số trên quốc đảo, ông Mahinda đã dẫn dắt Sri Lanka đi đến chiến thắng vẻ vang trước quân nổi dậy của dân tộc thiểu số Tamil vào năm 2009, kết thúc cuộc nội chiến tàn bạo kéo dài 26 năm. Khi đó, ông Gotabaya là một quan chức quyền lực và nhà chiến lược quân sự trong Bộ Quốc phòng.

Ông Mahinda vẫn tại vị cho đến năm 2015, khi thất bại trước phe đối lập do cựu trợ lý của mình lãnh đạo. Song, nhà Rajapaksa không từ bỏ tham vọng nắm quyền.

Sau khi hiến pháp sửa đổi khiến ông Mahinda không được phép tranh cử nhiệm kỳ thứ ba, ông Gotabaya được các thành viên trong gia tộc lựa chọn là ứng viên của đảng SLPP chạy đua trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2019.

Vị tổng thống đã giành chiến thắng với lời hứa khôi phục an ninh sau vụ đánh bom khủng bố liều chết vào lễ Phục sinh khiến 290 người thiệt mạng.

Ông cũng cam kết khôi phục chủ nghĩa dân tộc hùng mạnh từng giúp gia đình ông nhận được sự ủng hộ từ đa số Phật tử, và đưa đất nước thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế với thông điệp ổn định và phát triển. Tuy nhiên, ông đã mắc hàng loạt sai lầm “chết người” dẫn đến một cuộc khủng hoảng chưa từng có.

Tổng thống Rajapaksa phạm sai lầm gì?

Khi ngành du lịch lao dốc sau các vụ đánh bom, và những khoản vay nước ngoài cho các dự án phát triển gây tranh cãi - bao gồm một cảng và sân bay ở quê hương của tổng thống - đến hạn hoàn trả, ông Rajapaksa đã không lắng nghe các cố vấn kinh tế của mình.

Nhà lãnh đạo Sri Lanka "cố chấp" thực hiện đợt cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử đất nước nhằm thúc đẩy chi tiêu. Song, các nhà phê bình cảnh báo chính sách này sẽ làm giảm nguồn lực tài chính của chính phủ. Sau đó, các đợt phong tỏa do đại dịch Covid-19 và lệnh cấm phân bón hóa học một cách sai lầm càng làm tổn hại nền kinh tế vốn đã rất mong manh này.

Sri Lanka sớm cạn tiền và không thể trả được những khoản nợ khổng lồ của mình. Tình trạng thiếu lương thực, khí đốt nấu ăn, nhiên liệu và thuốc men đã thổi bùng sự phẫn nộ của công chúng đối với những gì mà nhiều người coi là cách quản lý yếu kém, tham nhũng và chuyên quyền.

Sự sụp đổ bắt đầu

Sự sụp đổ của gia tộc Rajapaksa bắt đầu vào tháng 4, khi các cuộc biểu tình ngày càng gia tăng buộc 3 người thân của Tổng thống Gotabaya, bao gồm cả bộ trưởng tài chính, phải từ bỏ chức vụ trong Nội các và một người khác rời bỏ công việc bộ trưởng.

Vào tháng 5, những người ủng hộ chính phủ đã tấn công những người biểu tình trong một làn sóng bạo lực khiến 9 người thiệt mạng. Sự tức giận của những người biểu tình sau đó dồn vào ông Mahinda Rajapaksa. Dưới áp lực của công chúng, ông đã từ chức thủ tướng và ẩn náu trong một căn cứ hải quân kiên cố.

Tuy nhiên, ông Gotabaya khi đó vẫn từ chối rời đi, khiến những người biểu tình hô vang trên đường phố: "Hãy về nhà (của ông) đi!". Thay vào đó, ông Gotabaya đã tìm thấy vị cứu tinh của mình, chính trị gia đối lập dày dạn kinh nghiệm Ranil Wickremesinghe, và để ông này giúp đất nước thoát khỏi vực thẳm. Tuy nhiên, cuối cùng, ông Wickremesinghe vẫn không thể vực dậy đất nước do thiếu sự ủng hộ từ các chính trị gia và công chúng.

Người biểu tình nô đùa sau khi xông vào nhà tổng thống Sri Lanka Sau khi Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa tháo chạy khỏi dinh thự ở Colombo, báo địa phương Daily Mirror đăng video cho thấy người biểu tình nô đùa ở bể bơi của tòa nhà.

Tổng thống Sri Lanka tháo chạy khỏi đất nước

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa rời khỏi đất nước bằng máy bay quân sự vào đầu ngày 13/7, sau tuyên bố từ chức dưới áp lực của các cuộc biểu tình trên khắp đất nước.

Bị chặn ở sân bay, tổng thống Sri Lanka tìm cách lên tàu hải quân

Tổng thống Sri Lanka đang cân nhắc dùng tàu tuần tra hải quân để rời khỏi đảo quốc sau khi bị nhân viên hải quan ngăn rời đi tại sân bay, AFP dẫn các nguồn tin quan chức.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm