Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đang được lực lượng hải quân bảo vệ kể từ ngày 9/7.
Ngày 11/7, ông được đưa tới căn cứ không quân Katunayake, một quan chức cấp cao của quân đội Sri Lanka cho biết. Căn cứ Katunayake nằm cạnh sân bay quốc tế Bandaranaike, AFP đưa tin.
Văn phòng Tổng thống Sri Lanka hiện chưa thông báo chính thức về vị trí của ông Rajapaksa. Tuy nhiên, một số hãng thông tấn Sri Lanka đưa tin có khả năng Tổng thống Rajapaksa sẽ rời khỏi đất nước ngay trong ngày 11/7, điểm đến là Dubai của UAE.
Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa. Ảnh: AFP. |
Văn phòng Thủ tướng Ranil Wickremesinghe tiết lộ ông Rajapaksa đã chính thức thông báo cho cấp dưới về ý định từ chức, nhưng chưa có thời gian cụ thể.
Nếu ông Rajapaksa từ chức, Thủ tướng Wickremesinghe sẽ tự động trở thành tổng thống tạm quyền cho tới khi Quốc hội Sri Lanka bầu ra tổng thống mới để nắm quyền cho tới tháng 11/2024.
Tuy nhiên, Thủ tướng Wickremesinghe cũng đã cho biết ông sẵn sàng rút lui nếu các bên đạt được thỏa thuận thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardena cho biết Tổng thống Rajapaksa sẽ từ chức trong ngày 13/7 để tạo điều kiện cho chuyển giao quyền lực trong hòa bình.
Đảng đối lập lớn nhất Sri Lanka là Samagi Jana Balawegaya (SJB) đang ráo riết đàm phán với các nhóm chính trị nhỏ hơn, thuyết phục họ ủng hộ thủ lĩnh của đảng này là Sajith Premadasa trở thành tân tổng thống.
Một quan chức SJB cho biết họ đã đạt được thỏa thuận với đảng SLPP cầm quyền để đưa ông Premadasa lên vị trí lãnh đạo đất nước.
Hôm 9/7, hàng trăm nghìn người biểu tình kéo đến thành phố Colombo - trung tâm chính trị của Sri Lanka - để đòi ông Rajapaksa từ chức.
Đây là bước leo thang lớn nhất trong làn sóng biểu tình đã kéo dài nhiều tháng tại quốc gia Nam Á này. Người biểu tình cáo buộc chính phủ Sri Lanka quản lý yếu kém và gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong hàng chục năm.
Do thiếu ngoại tệ, Sri Lanka gặp khó khăn trong nhập khẩu cả các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thực phẩm, thuốc men…, khiến cuộc sống của người dân - đặc biệt là nhóm yếu thế - thêm phần khốn khó.