Trong cái nhìn của nhà phê bình Vương Trí Nhàn, một nhà văn thực sự đúng nghĩa không chỉ hiện diện trên tác phẩm, mà thường xuyên và quan trọng không kém, còn ở trong đời sống. Ở đó, họ cũng là con người với tất thảy tính tốt hay thói xấu, với những mơ mộng, trăn trở, lao động nghề nghiệp vừa mạnh mẽ, quyết liệt vừa đơn độc, nhọc nhằn.
Nhà văn, nghề văn không biến ai đó trở nên khác biệt mà ngược lại, chính tư cách đó làm họ gần gũi, sinh động hơn giữa nhân gian vốn dĩ muôn hình vạn trạng.
Bản lĩnh của người nhìn ra phẩm tính nhà văn
Lựa chọn viết về các nhà văn, theo Vương Trí Nhàn, là một cách phác thảo, tái hiện con người đời thường và con người sáng tạo của họ. Muốn vậy, người viết ít nhất phải có khả năng quan sát kỹ lưỡng, phải thu thập nhiều dữ liệu, từ tác phẩm, con đường văn chương đến tính cách, lối sống của nhà văn.
Có dữ liệu nhưng cũng phải biết sắp xếp, đặt trong bối cảnh thời đại, trong những biến chuyển cá nhân lẫn văn đàn để không bị cuốn theo những cả tin, phong thanh, vô sở cứ, càng không bị cảm xúc yêu ghét thuần túy lấn át góc nhìn.
Vương Trí Nhàn đã duy trì được bản lĩnh, vị thế của người quan sát như vậy, một phần vì ông từng trải qua công việc nghiên cứu, phê bình; phần khác vì, như ông tự thấy, có may mắn tiếp xúc trực tiếp, trò chuyện, bàn bạc “về công việc văn chương cũng như việc đời” với nhiều nhà văn nhà thơ.
Sách Cây bút đời người mới được in trong tủ sách Bạn văn Bạn mình. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Ông cũng đủ tỉnh táo để không thiêng hóa văn nhân, nhìn ra trong văn giới “có thánh thần và có ma quỷ”, “phần lớn người cầm bút cũng có cả những chỗ tầm thường lẫn chỗ cao quý”. Khôn ngoan khi giữ một cự ly gần, với thái độ trân trọng, đồng cảm và tri âm, Vương Trí Nhàn lần lượt dựng lại 12 chân dung nhà văn mà ông đã dành nhiều năm nghiền ngẫm.
Trong số đó, có người cùng thế hệ Vương Trí Nhàn như Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Nghiêm Đa Văn, có người nổi danh trong giai đoạn văn chương kháng chiến chống Mỹ như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thành Long, lại có người là tác giả lớn từ trước 1945 như Tô Hoài, Tế Hanh, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu.
Mỗi người một kiểu, nhưng hấp dẫn và có thể gợi ít nhiều suy nghĩ cho văn đàn hôm nay, theo tôi, là những phát hiện của Vương Trí Nhàn về phẩm chất nhà văn của họ. Đó phải là người khao khát được học, vượt qua ngưỡng hạn chế học vấn như Xuân Quỳnh; là người thể hiện được cảm xúc thật của mình trên trang viết, dẫu nó khác thời và khác người, như Lưu Quang Vũ; là người sống sôi nổi, phiêu lưu nhưng không nên tản mát văn tài như Nghiêm Đa Văn.
Phẩm chất nhà văn đôi khi hiện hữu ở tinh thần chấp nhận cái khổ, thiếu thốn, một sự “dễ dàng trong cách sống” như Nguyễn Khải, nhưng đôi khi, cũng nên “lơ mơ sự đời”, ngay giữa đám đông “vẫn có thể chìm đắm trong những suy nghĩ riêng” như Nguyễn Minh Châu.
Người biết nhiều chuyện và có thể mang được “đủ thứ chi tiết linh tinh” vào trang viết như Tô Hoài phải là người “sòng phẳng và biết tới biết lui”, “lõi đời, sành sỏi, con ruồi bay qua không lọt khỏi mắt!”; người “rù rì lần bước” ngoài đời lại định hình được một phong cách “hoàn chỉnh và ổn định” trong thơ như Tế Hanh.
Một người có hoàn cảnh xuất thân “làng nhàng”, ốm đau bệnh tật, đến với phê bình văn học vừa muộn vừa “cam tâm chấp nhận rằng mình thất bại trong việc đời” nhưng nếu biết “vừa học vừa chơi mà tiếng Pháp học được vẫn đủ để kiếm công ăn việc làm khi ra đời” thì cũng có chút đóng góp dịch thuật văn học như Nhị Ca.
Cũng có người sớm bộc lộ tài năng, tác phẩm phổ biến rộng rãi, khi gặp điều kiện sống khó khăn thì “trở nên sinh động tự nhiên” nhưng khi gặp hoàn cảnh ổn định thì “yếu đuối” đến mức không viết được gì đáng kể như Thanh Tịnh...
Phẩm tính nhà văn, rõ ràng, là một đại lượng khó lường, càng không dễ qui vào tốt xấu rành rẽ. Chúng nổi trội, nhất quán ở người này nhưng cũng biến đổi, đứt gãy ở người kia.
Dĩ nhiên, phẩm tính đó cũng cần được rèn luyện, bồi đắp và, như Vương Trí Nhàn nhấn mạnh, phải kinh qua sáng tạo, qua dòng chảy cuộc đời. Không có một kiểu nhà văn chung chung, chỉ có nhà văn của con người này, số phận và cuộc đời này, cụ thể và duy nhất.
Sách khắc họa chân dung một thế hệ nhà văn tài năng, nhiều khao khát. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Tư liệu về một thế hệ nhà văn tài năng
Không chủ trương viết văn học sử nhưng cuốn sách của Vương Trí Nhàn cũng là tư liệu giúp độc giả hôm nay nhìn lại, hiểu rõ hơn về một thời đoạn văn học đầy biến động, nhất là từ khoảng sau năm 1954 đến đầu Đổi mới.
Thời đó, như trang sách gợi dẫn, có những ràng buộc oái oăm khiến nhà văn khó lòng thành thật, viết thật, hoặc, không cách nào khác, phải thích ứng thời cuộc chóng vánh.
Nguyễn Tuân cũng “nhập vai”, Tô Hoài “muốn viết gì thì viết, không định bụng thế này thế kia, mà cũng sợ mang tiếng khi viết”, Nguyễn Khải có “lối phù thịnh một cách rất tự nhiên”, Nguyễn Thành Long “người căn bản là lành, căn bản là tốt” mà thỉnh thoảng gặp phải “những tai nạn nghề nghiệp nho nhỏ”...
Giữ một cự ly gần, với thái độ trân trọng, đồng cảm và tri âm, Vương Trí Nhàn dựng lại 12 chân dung nhà văn mà ông đã dành nhiều năm nghiền ngẫm.
Vương Trí Nhàn nhìn thấy ở họ những băn khoăn, chất vấn nội tâm trước trang văn, đồng thời cũng có những thỏa hiệp, xoay xở để sống, làm việc một cách bình thường.
Một thế hệ tài năng, nhiều khao khát, “vừa sống, vừa viết, vừa quan tâm tới đời sống văn hóa khác” như Vương Trí Nhàn chứng kiến, rút cuộc, vẫn không tránh khỏi những ảo tưởng, vụng về và mệt mỏi khi bước tiếp hành trình văn chương. Có lẽ, nếu có một giá trị mẫu mực nào đó từ những nhà văn này, có thể làm cẩm nang cho thế hệ cầm bút hiện nay, thì tôi nghĩ, đấy là những nỗ lực lớn, cả trong nhận thức lẫn việc làm, khi lựa chọn nghề cầm bút.
Tài năng hay hoàn cảnh văn hóa xã hội hẳn cần thiết, và là nền tảng để đạt thành tựu, nhưng sự cố gắng, tự học và tự trưởng thành của người viết cũng tựa như nguồn năng lượng bứt phá lâu dài. Đây là điểm mà văn học sử ít khi tường tận, nên độc giả, để hiểu một đời sống văn chương đúng nghĩa, phải tìm đến tư liệu của người trong cuộc.
Bản thân một số nhà văn mà Vương Trí Nhàn nhắc tới trong cuốn sách cũng từng viết, xuất bản nhiều tập tiểu luận - phê bình, chân dung văn học đặc sắc như Trang giấy trước đèn của Nguyễn Minh Châu, Tản mạn trước đèn và Thăm thẳm bóng người của Đỗ Chu, Nghề văn cũng lắm công phu của Nguyễn Khải...
Viết chân dung văn học, nhất là lối viết kết hợp giữa kể, hồi ức, tâm tình và nhận định, đánh giá như cuốn Cây bút đời người thể hiện, luôn là cơ hội để bộc lộ chính bản thân người viết. Dẫu tự đặt mình ở vị trí lắng nghe, quan sát và ghi chép, Vương Trí Nhàn cũng không giấu cá tính, quan điểm và trải nghiệm văn chương của mình.
Ông dẫn dắt, chắp nối sự kiện nhưng khi cần, sẽ diễn giải, phân tích. Ông miêu tả, so sánh, kể lể nhưng không quên tranh luận, đối thoại. Ông cho thấy cơ sở của “họa người” là phải hiểu văn, hiểu “ngoài trời còn có trời”, nhưng cũng cần buộc mình nghĩ sâu hơn, phát hiện khía cạnh mới.
Chưa kể độ lùi thời gian giúp ông tìm ra nhiều góc nhìn thấu đáo hơn. Trước thái độ thẳng thắn nhưng chân tình của Vương Trí Nhàn, tôi thấy các văn nhân xưa ít ra gặp may mắn, bởi họ không bị đặt trong những cái viết cuống cuồng, thêu dệt và thù tạc như đang phổ biến trên văn đàn hiện nay.
Viết chân dung nhà văn, xét cho cùng, chẳng công kênh hay làm mất mặt được ai, nhưng vẫn là thể loại giúp người viết tự họa được bản tính và kiến văn của mình.
Cây bút đời người của Vương Trí Nhàn in lần đầu năm 2002 (NXB Trẻ), được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải B hạng mục phê bình, lý luận năm 2003. Sách tái bản năm 2005 (NXB Hội nhà văn). Mới đây, NXB Kim Đồng in lại cuốn sách này trong tủ sách Bạn văn Bạn mình.