Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Sử liệu vô giá về cha ông ta'

Theo giới phê bình, dịch thuật, những mô tả chi tiết, ảnh chụp chân thực trong “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” giờ đây là sử liệu vô giá, cho phép ta biết về đời sống cha ông.

Nguoi Viet cuoi the ky 19 anh 1

Suốt nửa năm nay, làng xuất bản trở nên sôi động bởi câu chuyện ba nhà sách có tiếng đều làm cuốn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ. Ấn bản đầu tiên ra mắt là của công ty sách Omega Plus qua bản dịch Thanh Thư; kế đến là công ty Đông A với bản dịch của Đinh Khắc Phách; cuối cùng là sách của Nhã Nam qua bản dịch Trương Quốc Toàn.

“Vậy Một chiến dịch ở Bắc Kỳ có gì đặc biệt khiến nhiều nhà sách cùng làm, có tới ba bản dịch và nhiều độc giả quan tâm như vậy?”, câu hỏi của nhà phê bình Mai Anh Tuấn đặt ra trong tọa đàm tối 18/10 tại Hà Nội như lời gợi mở để giới nghiên cứu, dịch thuật tìm về những giá trị của tác phẩm.

Ghi lại phong cảnh, con người Việt với tâm thế khám phá

Để hiểu về tác phẩm, không thể không nhắc tới tác giả cũng như bối cảnh ra đời của cuốn sách. Ông Emmanuel Cerise - đại diện vùng Ile-de-France, Pháp tại Hà Nội - cho biết Charles-Édouard Hocquard (1853-1911) là một bác sĩ. Ông tình nguyện nhập ngũ và tới Việt Nam năm 1884, phục vụ trong quân đội viễn chinh.

Tuy vậy, ông luôn coi mình là một bác sĩ, không phải một người lính. Điều này thể hiện trong nhiều cuốn sách ông đã viết. Đó cũng là lý do trên một số sách của ông, các nhà xuất bản thường đề tên tác giả là “Bác sĩ Hocquard”.

Ông Emmenuel nói về con người tác giả Hocquard: “Là người theo chủ nghĩa nhân văn, rất quan tâm tới con người, điều kiện sống của người xung quanh, đời sống, trang phục, đồ ăn thức uống".

Bên cạnh đó, Hocquard còn là người đam mê nhiếp ảnh. Ông mang theo máy ảnh và chụp con người, phong cảnh, sinh hoạt tại mỗi nơi mình đến.

Tinh thần phiêu lưu, ưa khám phá, khả năng chụp ảnh đã giúp Hocquard thực hiện một “chiến dịch” khác. Đó là chiến dịch ghi chép, chụp lại cảnh quan, con người, đời sống người dân Việt.

Nguoi Viet cuoi the ky 19 anh 2

Sách Một chiến dịch ở Bắc Kỳ qua bản dịch của Trương Quốc Toàn. Ảnh: Nhã Nam.

Dịch giả Trương Quốc Toàn nói khi dịch cuốn sách, anh cảm nhận ở Hocquard có tới vài con người khác nhau: Ông là bác sĩ quân y, nhưng khi đọc sách, ta dễ nghĩ ông sinh ra để làm nhà nghiên cứu văn hóa. Khi xem tranh, nhìn ảnh, ta có thể nghĩ ông là nghệ sĩ nhiếp ảnh. Ông là nhà nghiên cứu văn hóa có tâm hồn nghệ sĩ.

Trong 24 tháng ở Bắc Kỳ và một thời gian ngắn ở Trung Kỳ, Hocquard không ở lại điểm nào quá lâu, mà di chuyển liên tục. Điều đó tạo cho ông cơ hội khám phá nhiều vùng miền khác nhau ở Bắc Kỳ.

Lượng thông tin, kiến thức ông tích lũy dầy lên từng ngày. “Kiến thức ông làm giàu được qua hàng ngày giống hiệu ứng hòn tuyết lăn, sau mỗi ngày kiến thức về Đông Dương thu nhập vào đầu ông tăng lên rõ rệt”, Trương Quốc Toàn nói.

Tố chất khám phá nổi trội trong con người Hocquard. Khi tới thành Bắc Ninh vào ban đêm, trời tối mịt, người mệt lử, ông chỉ biết vào nơi ngủ. Nhưng sớm hôm sau, khi ngủ dậy, ông lập tức đi khám phá ngay nơi mình nghỉ đêm qua.

“Quá trình dịch sách, tôi không còn nhận ra tác giả là bác sĩ quân y. Mỗi chương sách diễn ra đều cuốn hút như trang viết của một người khám phá, một nhà nghiên cứu văn hóa. Đọc sách ta thấy nhịp điệu chiến dịch ông tham gia dồn dập, hối hả. Có những lần ông tham gia chiến dịch, vừa quay về Hà Nội được 15 phút thì lại phải tham gia một chiến dịch tiếp theo”, dịch giả Trương Quốc Toàn chia sẻ.

Nguoi Viet cuoi the ky 19 anh 3

Một bức ảnh của bác sĩ Hocquard. Nguồn ảnh: manhhaiflick.

Tác phẩm bản lề trong tư liệu về Đông Dương cuối thế kỷ 19

Theo nhà phê bình Mai Anh Tuấn, hiện nay chúng ta đang xuất bản, làm lại nhiều sách tác giả Pháp viết về Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, ví dụ: Bắc Kỳ tạp lục, Nghệ thuật xứ An Nam, Lễ tang của người An Nam, Tâm lý người An Nam, Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ… Các cuốn này có thể gọi chung là “dòng sách Đông Dương”.

Tư liệu về Đông Dương có thể chia làm ba cấp độ. Cấp độ thứ nhất là sách của các học giả, nhà nghiên cứu chuyên sâu, hệ thống, với phương pháp khoa học. Cấp độ thứ hai là trang viết của các nhà báo, nhà văn hóa; cấp độ thứ ba là những trang viết của những người ưa khám phá, du khách…

Trong các tư liệu về Đông Dương, Một chiến dịch Bắc Kỳ nằm ở vị trí bản lề, có sự chuyển giao từ mô tả, ghi chép địa lý, phong tục tập quán đi tới nhận xét, khái quát.

Cuốn sách là ký sự, ghi chép, tường trình của tác giả. Ông dùng kỹ năng chụp ảnh khi viết sách. Bởi vậy tác phẩm có cái nhìn toàn cảnh, bao quát, đồng thời có cái nhìn cụ thể, cận cảnh.

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn đánh giá những chi tiết, phát hiện nhỏ chính là sức mạnh của cuốn sách. Các mô tả như: Sinh hoạt thường ngày, cảnh quan địa lý, chân dung, tính cách con người được mô tả chi tiết, sống động giờ đây là nguồn tư liệu quý để bạn đọc hình dung về cha ông, cụ kị chúng ta.

Tác giả quan sát những khía cạnh đời thường, ví dụ, ông mô tả nghề lấy ráy tai, nghề tẩm quất phổ biến ở Hà Nội. Ông tả chi tiết trạng thái, dụng cụ… sinh động để ta mường tượng được sinh hoạt thị dân Hà Nội cuối thế kỷ 19.

Đồng quan điểm, dịch giả Trương Quốc Toàn nói: “Đây là sách tập hợp chân dung tương đối sinh động về con người Bắc Kỳ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ta muốn có câu trả lời cha ông, cụ kị mình như thế nào, có thói quen gì, hãy nhìn và đọc kỹ cuốn sách này”.

Nếu quan tâm tới văn hóa nước ta hơn 100 năm trước, những ghi chép trong sách rất bổ ích với người nghiên cứu.

Dịch giả Trương Quốc Toàn

Những bức ảnh ông chụp cho thấy hàm lượng thông tin lớn về văn hóa, từ nón quai thao, áo tơi của dân phu mặc… đều là tư liệu quý giá về người Bắc Kỳ cuối thế kỷ 19.

So sánh với các tư liệu về Đông Dương, Một chiến dịch ở Bắc Kỳ có lợi thế vượt trội là ngoài trang viết đầy ắp thông tin còn là hình ảnh giàu giá trị.

Một chiến dịch ở Bắc Kỳ xuất bản lần đầu ở Pháp năm 1892, bao gồm 247 tranh khắc và 2 bản đồ, đã mô tả sắc nét cảnh quan, con người cùng những tập tục của người dân ở vùng đất mà tác giả đã khám phá.

Vào thời điểm xuất bản lần đầu, do bản quyền ảnh thuộc quân đội, cùng kỹ thuật in ấn chưa cho phép in ảnh vào sách, tạp chí nên toàn bộ hình ảnh chuyển sang tranh khắc.

Toàn bộ ảnh (hơn 400 bức) mà bác sĩ Hocquard chụp được lưu trữ ở nhiều đơn vị khác nhau như Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp, Viện Viễn Đông Bác Cổ, Thư viện Quốc gia Pháp…

Ấn bản Một chiến dịch ở Bắc Kỳ của Nhã Nam mới phát hành ngoài tranh khắc còn có phụ bản là một số bức ảnh chọn từ các tác phẩm mà Hocquard đã chụp. Các bức ảnh này được mua bản quyền với chất lượng cao, cung cấp cho bạn đọc hình ảnh chân thực về cha ông ta hơn 100 năm trước.

‘Một chiến dịch ở Bắc Kỳ’ chưa phải là bức tranh toàn cảnh

Theo dịch giả Đinh Khắc Phách, tác phẩm của Hocquard mô tả sinh động con người, phong cảnh nước ta hơn 100 năm trước, nhưng vẫn có những thiếu sót nhất định.

Tần Tần

Bạn có thể quan tâm