Trong cuốn sách, không chỉ mô tả đời sống của người dân Việt Nam, vị bác sĩ quân y Pháp đã dành nhiều trang viết để ghi chép về quang cảnh nước ta cũng như các sinh hoạt của triều đình nhà Nguyễn mà ông trực tiếp chứng kiến.
Sách Một chiến dịch ở Bắc Kỳ. Ảnh: Omega Plus. |
Hậu cung đông đảo của vua nhà Nguyễn
Charles-Édouard Hocquard là bác sĩ quân y trong quân đội Pháp tiến hành cuộc xâm lược Việt Nam, có mặt tại Việt Nam từ tháng 2/1884 đến tháng 4/1886, tức cuối đời vua Tự Đức và kéo dài qua thời gian trị vì ngắn ngủi của các vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh.
Không chỉ là một bác sĩ, ông còn là một nhà nhiếp ảnh và người thích phiêu lưu. Hành trình của ông trên đất Việt Nam đã được ông ghi chép lại chi tiết, trải dài qua tám tỉnh thành từ Bắc đến Trung kỳ của nước ta thời Nguyễn. Tại kinh thành Huế, vị bác sĩ này đã được phép mang máy ảnh vào hoàng cung và trực tiếp gặp gỡ vua Đồng Khánh.
Sau khi được tham quan điện Càn Thành, nhà hát Duyệt Thị Đường, Hocquard đã được dẫn đi tham quan khu vực sinh sống của các phi tần, và đã kể lại rất chi tiết trong thiên ký sự của mình để độc giả người Pháp được biết.
Ông mô tả, vua Tự Đức có 104 phi tần, những người “ăn mặc và hưởng bổng lộc theo quy định của triều đình tùy vào thứ bậc của họ”.
Hocquard không mô tả nhan sắc của các bà phi tần triều Nguyễn, nhưng lại cho biết các diễn viên trong nhà hát Duyệt Thị đường mới là “những cô gái đẹp nhất vương quốc, do chính thái hậu tuyển chọn và chăm sóc, dạy dỗ”.
Tổng số thị nữ ở hậu cung của nhà vua bao gồm 579 người, cùng với 455 a hoàn, vì vậy con số nữ nhân trong cung lên tới 1.014 người, tất cả đều ăn lương triều đình.
Hocquard so sánh rằng bổng lộc của phi tần nhà Nguyễn không cao lắm, khi hoàng hậu mỗi năm chỉ nhận 1.000 xâu tiền, tương đương 800 franc, cùng 250 đấu gạo màu, 50 đấu gạo trắng và 60 súc lụa để may xiêm y; các bà nhất giai phi chỉ có 500 xâu tiền, 205 đấu gạo màu, 45 đấu gạo trắng và 48 súc lụa; các bà cửu giai tài nhân được nhận lương bổng “cực kỳ ít ỏi”, chỉ 53 xâu tiền, 180 đấu gạo màu, 56 đấu gạo trắng và 12 súc lụa.
Vị bác sĩ người Pháp cũng mô tả, các phi tần của vua nhà Nguyễn có quyền đem vào cung một số hầu gái tùy theo cấp bậc, và phải tự bỏ tiền ra trả cho họ. Hoàng hậu có thể có 12 hầu gái và tài nhân cấp thấp nhất có ba hầu gái.
Ảnh minh họa: Một vị phi tần. Ảnh từ sách Một chiến dịch ở Bắc kỳ. |
Nỗi khổ chốn hậu cung
Những người hầu gái này phải làm hết mọi việc, và lao động dưới sự giám sát của những bà già hơn. Những nữ giám sát này chính là người chỉ định thị nữ trong hậu cung mỗi ngày đi phục vụ vua và thái hậu, điều hành các nữ công có nhiệm vụ chèo trên long thuyền và canh gác xung quanh những phòng ốc đặc biệt của nhà vua. Số nữ công này có tới 300 người, chia thành sáu bậc.
Phi tần của các vua nhà Nguyễn đã bị cách ly với thế giới bên ngoài, thậm chí không thể trở về nhà cha mẹ đẻ.
“Các a hoàn của nhà vua cầm kiếm gác tất cả lối ra vào tẩm điện. Những người khác thì hầu hạ các việc thường ngày của vua; năm người trong số thị nữ luôn luôn ở cạnh để phục vụ ngài, và mỗi ngày lại đổi một kíp”, tác giả viết.
Theo ông, phi tần của các vua nhà Nguyễn đã bị cách ly với thế giới bên ngoài, thậm chí không thể trở về nhà cha mẹ đẻ. Nếu phi tần bị bệnh vô phương cứu chữa có thể bị gửi trả về nhà. Trong trường hợp bị đột tử, người ta sẽ đem xác ra khỏi hoàng thành qua bờ tường nhờ một dây tời.
Ký sự hành trình này của Hocquard lần đầu được đăng liên tiếp trên tạp chí Le Tour du Monde (Vòng quanh thế giới) với nhan đề Trente Mois au Tonkin (Ba mươi tháng ở Bắc kỳ), từ năm 1889 đến năm 1891. Năm 1892, tác giả sửa nhan đề thành Un campagne au Tonkin (Một chiến dịch ở Bắc kỳ) và được nhà xuất bản Hatchette (Paris) in, với 229 tranh khắc (khắc lại từ ảnh chụp), bản đồ rất đẹp về Việt Nam.
Trong số ảnh này, có đến 40% chụp về con người Việt Nam, từ những người bình dân như nhạc công, cô bán hàng chợ, người bán thịt rong, thợ cạo, thợ khảm, thợ cày, cô bán than, ông lão mù, người nông dân xay lúa, thợ gốm… đến các vị quan, gồm tổng đốc, đốc học, trưởng làng, sĩ quan Pháp, rồi những người lính khố đỏ và cả tù nhân, thổ phỉ…
Có lẽ vì vậy, mà nhà sử học đương đại Philippe Papin, tác giả của nhiều cuốn sách và bài báo về lịch sử và văn hóa Việt Nam, trong lời giới thiệu cuốn ký sự của Hocquard trong lần xuất bản năm 1999, đã nhận xét: “Hocquard bộc lộ tài năng nhất và cho thấy trải nghiệm của ông là quý giá nhất chính ở những đoạn mô tả cảnh sinh hoạt đời thường và mô tả những công cụ của nền văn minh vật chất”.
Cuốn sách Một chiến dịch ở Bắc kỳ vừa được NXB Đà Nẵng cho ra mắt độc giả, với 605 trang tiếng Việt, qua bản dịch của dịch giả Thanh Thư.