Bộ sách tuyển chọn 10 cuốn chân dung văn học đặc sắc của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng viết về những người bạn, cũng là những văn nghệ sĩ tài ba.
Đó là các tác phẩm Cây bút đời người (Vương Trí Nhàn), Phê bình và cảo luận (Thiếu Sơn), Hình dung và tâm tưởng (Lan Khai), Văn thi sĩ tiền chiến (Nguyễn Vĩ), Văn thi sĩ hiện đại (Bàng Bá Lân), Đốt lò hương cũ (Đinh Hùng), Chân dung văn học (Nguyễn Tuân), Mười chín chân dung nhà văn cùng thời (Vũ Bằng), Những gương mặt (Tô Hoài), Bạn văn (Nguyễn Quang Lập).
10 tác phẩm trong bộ sách Bạn văn bạn mình. |
Qua Bạn văn bạn mình, bạn đọc sẽ thấy mảng chân dung - phê bình văn học không hề khô khan mà ngược lại rất hấp dẫn, nhiều tác phẩm hay, giá trị, đã làm nên tên tuổi các tác giả.
Bạn đọc sẽ thấy chân dung các văn nghệ sĩ được khắc họa rõ nét, với nhiều góc nhìn, nhiều khía cạnh, bật lên đặc điểm khác biệt trong hình dung và tâm tính mỗi người.
Bạn đọc cũng được tìm hiểu về những kỷ niệm vui buồn trong đời sáng tác của của nhiều nhà văn, tình bạn, tình yêu và cả những thói quen độc đáo của họ.
Chẳng hạn nhắc tới Tản Đà, ai cũng biết ông luôn được kính trọng về nhân cách và tài thơ phú. Nhưng nếu được chứng kiến bữa cơm do tự tay nhà thơ chuẩn bị, chúng ta sẽ hiểu vì sao anh em văn nghệ sĩ nể phục tài sành và kỹ trong ẩm thực của ông.
Bên cạnh đó, bạn đọc còn có dịp tìm hiểu một số giai thoại ít biết về các văn nghệ sĩ, như chuyện nhà văn Nguyễn Tuân là một trong những diễn viên Việt Nam đầu tiên ra nước ngoài đóng phim.
Tiểu thuyết Tắt đèn được đặt tựa và viết theo lời thách đố của những người bạn văn ra sao? Câu chuyện ngoài đời của Nguyễn Nhược Pháp với cô gái “đi chùa Hương” thú vị thế nào?
Hoặc chuyện Vũ Trọng Phụng viết Số đỏ mà không chuẩn bị trước. Đến hẹn phải nộp bài cho báo, ông mới ngồi vào bàn viết và hỏi bạn bè: “Kỳ trước tớ viết đến đâu rồi nhỉ?”...
Trong Cây bút đời người của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, bạn đọc sẽ thấy chân dung của 12 văn sĩ, thi sĩ. Đó là “Xuân Quỳnh, cuộc đời để lại trong thơ”, “Lưu Quang Vũ và một mảng đời, một mảng thơ thường bị quên lãng”, “Nguyễn Khải và nỗi hào hứng viết để chinh phục bạn đọc”, “Nguyễn Minh Châu, người viết văn và thời đại”, “Nguyễn Thành Long và một cuộc sống khác”…
Ngoài chân dung các văn nghệ sĩ được khắc họa bởi “cái tôi” độc đáo riêng biệt của mỗi tác giả, bạn đọc còn có thể thấy được chân dung của chính người viết trong mỗi tác phẩm.
Qua Văn thi sĩ tiền chiến, bạn đọc sẽ thấy một nhà thơ Nguyễn Vỹ điều độ, quy củ, nghiêm ngắn trong công việc nhưng lại không thích nằm yên trong khuôn sáo cũ mòn. Ông luôn tìm tòi hình thức diễn tả mới lạ khi sáng tác. Người mới gặp sơ sẽ thấy Nguyễn Vỹ hơi lạnh lùng, kiêu ngạo, nhưng với bạn bè thân thiết, ông lại rất chân tình.
Với Chân dung văn học, nhà văn Nguyễn Tuân vẫn luôn là cây bút hết mực tài hoa, trân trọng chữ nghĩa. Ông thường vận dụng con mắt tinh tường về cả điện ảnh, hội họa, sân khấu, âm nhạc... để quan sát, cảm thụ văn chương và đưa ra những nhận xét độc đáo, tế nhị về tác phẩm, tác giả. Cách thưởng văn của ông như nhâm nhi thưởng “Chén trà sương” và tinh tế phát hiện ra một phần tư vỏ trấu bị lẫn trong ấm trà ngon.
Còn trong Bạn văn, chỉ qua vài dòng diễn tả cử chỉ hay câu nói cửa miệng: “tôốk lắm tôốk lắm”, “âu chầu”, “may chi nỏ”... là độc giả đã thấy được “chất” của một văn nghệ sĩ nào đó, và những người trong giới thì phải bật cười khi nhận ra đặc điểm của người bạn văn qua giọng kể rất hài hước tếu táo mà... thấm của nhà văn Nguyễn Quang Lập.