Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự sáng tạo của Nguyễn Huy Thiệp trong truyện lịch sử

Truyện lịch sử là một mảng sáng tác quan trọng của Nguyễn Huy Thiệp. Năm 1989, nhà phê bình Phong Lê đã có bài viết bàn về khía cạnh chất liệu lịch sử trong truyện "Phẩm tiết".

Ở cơ quan tôi (Viện Văn học) tổ chức một cuộc trao đổi ý kiến về truyện Nguyễn Huy Thiệp, có tác giả tham dự. Các ý kiến đang vỡ ra, có sự khác nhau, bên cạnh nhiều điểm thống nhất về phong cách riêng và cái mới mà tác giả đem lại trên một số mảng truyện, về sự cần thiết phải hoan nghênh và cẩn trọng trước một tài năng.

Nhưng ở mảng truyện có chất liệu lịch sử này thì, theo sự nhận xét của tôi, các ý kiến nêu ra còn dè dặt. Trong đối thoại giữa tác giả và người đọc, và giữa người đọc với nhau, vẫn tồn tại lắm khoảng trống, còn nhiều rào đón, thăm dò.

Tôi là một trong số (không biết nhiều ít thế nào) chủ trương không phủ nhận, thậm chí mong mỏi sự sáng tạo mạnh mẽ, phóng khoáng của nhà văn; nhưng rồi vẫn không hết ngập ngừng trước mấy cái tên nhân vật mới, là Khải và Thi đã nói trên, không kể tên Phương buôn bò - phản chủ, mà anh Thiệp đưa vào truyện.

Truyen ngan Pham tiet anh 1

Sách Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: Y.N.

Băn khoăn: Các nhân vật đó có trong lịch sử không, chỉ là một cách nói mượn dạng “thật thà”, để thay cho cái ý: Những giới hạn mà truyện mượn chất liệu lịch sử có quyền vươn đến, và không nên vượt qua.

Còn công chúng nói chung thuộc số đông, họ rất có lý, và càng có quyền nêu câu hỏi trên sự đối chiếu sự thật lịch sử và sự thật văn học.

Vậy là Quang Trung có ít nhất ba vợ: Mẹ Quang Toản - người kế ngôi Quang Trung là một; Ngọc Hân - tác giả bài văn tế Ai tư vãn là hai; và bây giờ lại có thêm... Vinh Hoa? (Còn chuyện Quang Trung đi chân đất, xõa tóc đến gặp Vinh Hoa; chuyện Quang Trung chưa được thành thân với Vinh Hoa; rồi Quang Trung chết mà không nhắm mắt…

Khoan hãy bàn - cứ xem là “sự hư cấu” nằm trong “quyền” của nhà văn, nếu ba nhân vật trên đều có dấu tích trong lịch sử). Và tôi, trước các câu hỏi ấy tôi không thể lý luận, hoặc nói năng quấy quá cho qua chuyện; mà chỉ có thể lấy sự im lặng để trả lời. Im lặng, như là khất nợ. Để hỏi lại ý kiến mấy ông bạn sử gia. Và để kiểm tra lại cái vốn lý luận văn nghệ e có mặt còn bảo thủ của mình.

Yêu mến Quang Trung, và nếu có đủ căn cứ có thể giảm sự thành kiến với Gia Long. Yêu mến Quang Trung, muốn có một chân dung Quang Trung dầy dặn, sinh động để yêu thêm, hoặc để giảm bớt lòng yêu, để hiểu mới hoặc hiểu lại Quang Trung; qua chân dung trực tiếp về Quang Trung, hoặc qua chân dung những nhân vật khác, có thật trong lịch sử, hoặc “hư cấu”, như một hồi quang để nhận dạng Quang Trung; từ đó mà giác ngộ, mà “vỡ nhẽ” ra nhiều chuyện lạ, đó là điều mọi người đọc đều nhất trí mong đợi.

Nhưng tất cả đều phải được chứng minh. Chứ không phải tung ra rồi để vậy, mặc ai hiểu thế nào, thì tùy. Cố nhiên chứng minh theo cách của nhà văn. Nói cách khác, phải sao cho người đọc tin được. Điều này khó đấy. Vì nhân vật lịch sử mà tác giả chọn ở đây là một trong số không nhiều nhân vật đã định hình trong quan niệm, trong ký ức, trong đánh giá của nhân dân.

Không dễ làm thay đổi hoặc đảo ngược những gì đã được xem là chân lý. Tóm lại, việc chọn nhân vật Quang Trung một tính cách như thế nào, có khác với việc chọn bất cứ ai, cái khác đó là thế nào, nên như thế nào - đó là vấn đề tôi xin đặt lại, để được bàn thêm.

Còn với bất cứ ai khác, trong thế giới các nhân vật lịch sử, với tất cả yêu cầu của sự sáng tạo, người viết có quyền tự do “hư cấu”, cố nhiên với các mức độ khác nhau, tùy theo sắc độ đậm nhạt mà lịch sử thành văn hoặc truyền ngôn đã góp phần quy định nên gương mặt họ.

GS Phong Lê / NXB Trẻ

SÁCH HAY