Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ma Văn Kháng vẽ chân dung nhà văn

Ma Văn Kháng cho rằng nhà văn như những tín đồ trung thành của một tôn giáo, dâng hiến cuộc sống cho sáng tạo.

Tập tiểu luận và bút ký Nhà văn, anh là ai? của Ma Văn Kháng mới ra mắt đã gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc cũng như bạn bè văn chương.

Ở tuổi 80, nhà văn của Mùa lá rụng trong vườn (tiểu thuyết, 1985), Côi cút giữa cảnh đời (tiểu thuyết, 1989), Đám cưới không có giấy giá thú (tiểu thuyết, 1989) vẫn viết khá bền bỉ. Ông vừa cho xuất bản tiểu thuyết Người thợ mộc và tấm ván thiên (NXB Trẻ, 11/2015) dày hơn 300 trang, mới đây nhất là cuốn tiểu luận và bút ký Nhà văn, anh là ai? (NXB Văn hóa Văn nghệ) dày 242 trang. Nhà văn, anh là ai? của Ma Văn Kháng tiếp nối cách nhìn trong tập tiểu luận và bút ký của cùng một tác giả về nghề văn Phút giây huyền diệu (NXB Hội Nhà văn, 2013).

Khát vọng chân - thiện - mỹ trên mỗi trang văn

Từ một câu nói của nhà thơ Pablo Neruda: “Với tôi, viết là hít thở. Tôi không thể sống mà không hít thở và tôi không thể sống mà không viết”, Ma Văn Kháng đưa ra những luận đề cơ bản nhất để hình dung, phác họa chân dung đầy đủ nhất của nhà văn.

Nhà văn Ma Văn Kháng và tác phẩm vừa ra mắt. Ảnh:tư liệu

“Chúng ta yêu mê say công việc của mình, vì như Maxim Gorki nói: Với quyển sách và cây bút là vũ khí trong tay, chúng ta chiến đấu cho ngày mai! Vì nghề nghiệp này đã hóa giải tâm hồn và lý tưởng của chúng ta. Vì hơn ở đâu hết, đây là một nghề nghiệp để hóa thân đến triệt để, đến tận cùng. Vì khát vọng về sự toàn thiện, toàn mỹ trên mỗi câu chữ, mỗi trang văn” - Ma Văn Kháng viết. Mạch viết của ông trong suốt cuốn sách dựa vào triết lý thuận theo người mà không bỏ mình của nhà thơ - chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925).

Ông viết về lao động văn chương, về những lúc kiệt sức bởi viết, như những tín đồ trung thành của một tôn giáo, dâng hiến cuộc sống cho sáng tạo. Ông tự nhận mình thuộc thế hệ thứ ba (1954-1975) của lớp nhà văn Việt Nam hiện đại, trước đó là thế hệ thứ nhất - các nhà văn hình thành trước năm 1945 và thế hệ thứ 2 - gồm những tên tuổi đình đám: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu…

Thế hệ ông ở trong dòng chảy mạnh mẽ của 50 năm dữ dội và oai hùng nhất lịch sử chống ngoại xâm. Trong dòng chảy đó, các nhà văn đã suy ngẫm, giằng xé, day dứt, lựa chọn, hăm hở, khai phá, trải nghiệm và tìm thấy những giá trị lâu bền. Nhà văn Ma Văn Kháng nói: “Đó là toàn bộ những gì đã kết tinh lại trong cuộc đời văn chương của tôi”. Mặc dù, như ông bảo, tất cả chỉ là “cơn mê mụ của cái nghề bút mực nhọc nhằn”.

Nhắc đến nhiều chân dung lớn trong văn giới của Việt Nam và thế giới, Ma Văn Kháng nhớ Nguyễn Minh Châu viết trên giường bệnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường viết trên xe lăn, Tô Hoài trên suốt dọc con đường sáng tạo… Ông chiêm nghiệm lại những “hậu hiệu có vẻ đại ngôn - như Đổi mới hay là chết mà Thu Bồn đã hô to từ những năm thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới và giờ đây, mỗi lúc nó càng hiện hữu như một vấn đề lớn lao của thời đại". Ông suy ngẫm thêm về cách nói phải sống cuộc đời rất thơ của Hoàng Cầm để giúp bạn đọc hiểu rằng sáng tạo nghĩa là phải sống cuộc đời của kẻ nhạy cảm, thường trực tiếp nhận cái mới mẻ, biết rung động trước những vẻ đẹp, xúc động trước tình cảm nhân văn, yêu quý dân tộc, đất nước, nhìn ra được những cái vô hình vô ảnh, xuyên thấu được chốn thăm thẳm của cuộc đời, tâm can thời đại… Và sau cùng là biết chuyển hóa hiện thực qua ngôn ngữ thành những hình tượng thẩm mỹ.

“Trút hết vào những trang sách toàn bộ tinh lực của đời người. Giữa các dòng chữ, ta nghe thấy tiếng đập bồi hồi của con tim bệnh tật… Viết xong một cuốn sách, như một kẻ mất máu, anh đã kiệt lực hoàn toàn…” - ông bày tỏ.

Văn học là tấm gương phản chiếu thời đại

“Mỗi cuốn tiểu thuyết của tôi thường ứng với một quãng đời thật” - nhà văn Ma Văn Kháng cho biết.

Theo ông, “đọc chúng, tôi nhận ra mình chỉ có thể viết được nếu trong đó có phần tham dự của cá nhân mình, có khi là rất ít ỏi và chỉ là gián tiếp. Chẳng hạn, Mùa lá rụng trong vườn là cuốn sách đầu tiên trong đó nguyên mẫu đã rõ hơn hình bóng tôi và những người thân của tôi. Lý là hình ảnh tổng hợp của các bà chị dâu tôi: xinh đẹp, tháo vát, thành thạo, đáo để và quan trọng là gắn liền với nhịp sống thường ngày hôm nay… Nhân vật người bà trong Côi cút giữa cảnh đời nguyên mẫu là hình ảnh người mẹ thân sinh ra tôi. Tôi đã chuyển hóa toàn bộ những hình ảnh cùng kỷ niệm về mẹ tôi vào trang sách, với biết bao thương nhớ, kính yêu…”.

Văn học là tấm gương phản chiếu văn hóa của thời đại. Nhà văn, anh là ai?, theo Ma Văn Kháng, là một giá trị tự thân, là kẻ tự xuất hiện, tự lựa chọn, gánh vác một trách nhiệm, một nghề nghiệp để rồi sống chết với nó và bằng cách sống, cách làm việc sẽ đem tài năng phụng sự cho lợi ích của con người.

http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/ma-van-khang-ve-chan-dung-nha-van-20151215222724155.htm

Theo Hoà Bình/Báo Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm