Cha mẹ nên thảo luận để đưa ra những quy tắc chung trong việc giáo dục con cái. Ảnh: PNO. |
Một số người cho rằng tử tế là biết nhường nhịn, nhưng điều này không đúng. Trên thực tế, đôi khi sự nhường nhịn có thể gây hại vì nó có nghĩa là bạn phớt lờ ranh giới, giá trị và nhu cầu của bản thân để đáp ứng nhu cầu của người khác.
Chúng ta không muốn để con cái mình nghĩ rằng người tử tế là một tấm thảm chùi chân. Vì vậy, một yếu tố quan trọng nữa của việc dạy trẻ trở nên tử tế là chỉ cho chúng cách duy trì ranh giới của bản thân thật vững chắc và phù hợp hoàn cảnh cũng như cách tôn trọng ranh giới của người khác.
Nếu trẻ được cha mẹ hướng dẫn đặt ranh giới một cách nhất quán và giàu tình cảm, chúng sẽ nhận được nhiều kết quả tích cực, như tự lập, tự tin hơn, mức độ hài lòng với xã hội cao hơn (có thêm bạn bè hoặc các mối quan hệ tương hỗ) và hạnh phúc hơn.
Trong suốt những nǎm làm chuyên gia tâm lý, nhiều khách hàng của tôi cho rằng việc đặt ra ranh giới sẽ làm con cái khó chịu hoặc ảnh hưởng đến hạnh phúc của chúng; nhưng đó là một quan điểm sai lầm, chệch hướng vì bị yêu thương làm mờ mắt.
Trẻ em cần cha mẹ hoặc những người chǎm sóc chúng đưa ra các quy tắc nhất quán: điều đó giúp chúng cảm thấy an toàn và tự tin vì có thể đoán được điều gì sẽ diễn ra và chúng cảm thấy có thể kiểm soát được điều đó. Cha mẹ cũng cần đặt ra những kỳ vọng hoặc quy tắc rõ ràng đối với hành vi và thái độ mà trẻ thể hiện. Nếu bạn muốn trẻ trở nên tử tế, ranh giới của bạn phải khớp với kỳ vọng này.
Nếu bạn không chấp nhận một biểu hiện nào đó ở trẻ, thì phải luôn nghiêm khắc một cách nhất quán, hoặc con bạn bắt buộc phải hiểu rõ về cách áp dụng các quy tắc và ranh giới mà bạn đang đặt ra. Ngay cả khi trẻ đang mệt mỏi, hoặc đã có một ngày không vui hay hôm ấy là sinh nhật của chúng thì vẫn phải tuân thủ quy tắc!
Những đứa trẻ cảm thấy an toàn sẽ điều chỉnh tốt hơn về mặt cảm xúc và ứng xử xã hội, vậy bạn có thể làm gương và đưa ra các quy tắc phù hợp cho con như thế nào?
Các quy tắc và ranh giới giúp tạo công thức và các chỉ số rõ ràng về những hành vi mà bạn mong đợi từ con mình. Chúng có thể là quy tắc thường thức (biết tôn trọng, biết trung thực, v.v...) hoặc cụ thể hơn (bỏ quần áo bẩn vào giỏ giặt, không chửi thề, v.v...), nhưng dù bắt nguồn từ đâu thì điều quan trọng là chúng phải nhất quán.
Khi bắt đầu đọc những hướng dẫn trong cuốn sách này, bạn sẽ thấy các quy tắc và ranh giới được đưa vào thực tế và cuộc sống hàng ngày như thế nào. Nhưng tại sao các quy tắc lại quan trọng như vậy?
Về cơ bản, quy tắc là cơ sở để trẻ biết thế nào là “ổn” và “không ổn”. Những quy tắc gia đình ban đầu sẽ dạy cho trẻ biết rằng có những nơi và hoàn cảnh khác mà chúng phải tuân theo các quy tắc hoặc hướng dẫn.
Việc trẻ có thể tuân theo quy tắc và kỳ vọng của xã hội sẽ giúp chúng biết cách thể hiện sự tử tế với người khác vì đã học được cách kiềm chế sự bốc đồng và sự thỏa mãn của bản thân để đáp ứng yêu cầu chung của tập thể hoặc để giúp đỡ người khác.
Nếu con bạn thách thức các quy tắc mà bạn đặt ra, đó là điều hoàn toàn bình thường. Tôi cũng là mẹ của một bé gái mới chập chững biết đi, và cho dù kỹ nǎng chuyên môn và kiến thức của tôi như thế nào thì con tôi vẫn thách thức các giới hạn mà tôi đặt ra cho bé.
Mặc dù có những ngày tôi phải vò đầu bứt tóc vì những chuyện con bé gây ra để xem tôi phản ứng ra sao, nhưng đó cũng là điều bình thường. Có thể bạn sẽ thấy khó chịu, nhưng khi con bạn thách thức các ranh giới, cách phản ứng của bạn sẽ giúp chúng tìm hiểu về thế giới xung quanh, về vai trò của chúng và những gì người khác mong đợi ở chúng.
Ngoài ra, bạn cần lưu ý rằng nếu trẻ còn nhỏ, chúng có thể quên béng các quy tắc hoặc những điều bạn hướng dẫn. Vì vậy, điều quan trọng là sự nhất quán của bạn, là quá trình giảng giải liên tục và cách bạn phản hồi với trẻ khi chúng thách đố hoặc bẻ cong quy tắc.
Nếu không có sự nhất quán, trẻ sẽ bối rối vì không biết mọi người mong đợi gì ở chúng (có thể dẫn đến việc trẻ cư xử thô lỗ, có những cảm xúc bất trị hoặc thiếu tự tin, v.v...) và chúng cũng dần nhận ra rằng nếu chúng cư xử không đúng thì cũng chẳng sao cả - cả hai hệ quả đều bất lợi cho mục tiêu giáo dục con thành người tử tế.