Những đứa trẻ sống trong gia đình hạnh phúc sẽ trân trọng bản thân mình, luôn biết yêu thương và thấu hiểu những người xung quanh. Ảnh: BHX. |
Khi bạn mắc lỗi, điều quan trọng là phải thừa nhận rằng bạn đã sai và tìm kiếm sự tha thứ. Chúng ta không thể mong đợi bản thân luôn hoàn hảo hoặc cho rằng mình sẽ không bao giờ mắc lỗi, vì chúng ta đều là con người. Do đó chúng ta cũng đừng bao giờ kỳ vọng con cái phải thập toàn thập mỹ.
Khi bạn đủ mạnh mẽ để thừa nhận mình đã sai và cho trẻ thấy phản ứng đúng đắn trong trường hợp này là gì, bạn đang giúp trẻ hiểu rằng mắc lỗi là việc có thể chấp nhận được và điều đó không khiến trẻ “giảm giá trị” đi, trẻ không phải cảm thấy xấu hổ khi làm sai, và cũng sẽ chẳng thiệt thòi gì khi nói lời xin lỗi. Nếu bạn có lỗi và thể hiện sự ǎn nǎn, con bạn sẽ học được cách phản ứng tích cực trong tương lai và có được cơ hội rút kinh nghiệm từ sai lầm của mình.
Bạn cũng có thể làm gương cho con về “cách thể hiện” sự tha thứ, vì chân thành tha thứ và bộc lộ lòng trắc ẩn với người mắc lỗi cũng là một cách tử tế. Khi con bạn hay ai đó có phản ứng tiêu cực khi đối diện với nỗi tuyệt vọng hoặc khó khǎn trong cuộc sống, đừng quá nghiêm khắc với họ. Tha thứ không phải là điều dễ dàng, nhưng nếu không có lòng thương cảm đến từ bạn, họ có thể sẽ bị cảm giác tội lỗi và xấu hổ dày vò.
Bạn cũng có thể tận dụng cơ hội này để dạy con một số phản ứng tích cực khác và cách lấy lại tinh thần sau khi vấp ngã. Con trẻ cần phải biết cảm giác được tha thứ là như thế nào để chúng hiểu tại sao việc tha thứ cho người khác lại quan trọng đến vậy.
Con bạn cũng để ý đến cách bạn đối xử với bản thân. Bạn có đang quá khắt khe với những thất bại hoặc sai lầm của mình không? Bạn có thường ưu tiên nhu cầu của người khác và ít khi nghĩ cho mình hoặc bỏ lỡ nhiều lợi ích cho bản thân không?
Thật không may, nhiều bậc cha mẹ có kỳ vọng rất cao về bản thân họ, bản chất điều này không có gì xấu, vì kỳ vọng khiến chúng ta cố gắng cải thiện và “làm tốt hơn”. Tuy nhiên, những kỳ vọng này thường không thực tế và khiến những bậc phụ huynh giàu tinh thần trách nhiệm cảm thấy tội lỗi rằng họ không hoàn hảo. Nhưng chẳng ai hoàn hảo mãi được. Hãy tin tôi!
Sự ưu tiên nhu cầu của người khác nhằm thể hiện rằng mình quan tâm đến họ thực ra gây áp lực rất lớn lên các bậc cha mẹ. Chưa kể việc đó lại còn hút hết nǎng lượng của bạn, khiến bạn rất dễ phản ứng thái quá, trở nên cáu kỉnh và nổi giận bất chợt.
Kết quả là bạn cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ, và nhiều khả nǎng bạn sẽ cố gắng dành nhiều nǎng lượng thể xác lẫn tinh thần hơn nữa hòng bù đắp cho những người thân yêu của bạn.
Điều này càng khiến bạn sức cùng lực kiệt, và sẽ càng khó hơn khi phải “góp nhặt” đủ dũng khí, lòng kiên nhẫn và nǎng lượng để hoàn thành vai trò của bậc cha mẹ một cách tỉnh táo và quả quyết, cuối cùng bạn cáu gắt vô cớ vì cảm thấy quá áp lực, mệt mỏi, kiệt sức… và vòng tròn luẩn quẩn ấy cứ tiếp tục diễn ra.
Tôi thực sự muốn cầm một cái loa và hét thật lớn rằng “Tự chǎm sóc bản thân không phải là ích kỷ!” bởi vì rất nhiều ông bố bà mẹ cứ vướng mắc mãi với khái niệm này và sợ sẽ bị người khác đánh giá khi họ dành thời gian chǎm lo cho sức khỏe và hạnh phúc của chính mình. Cứ như thể làm thế thì họ sẽ không còn khả nǎng chǎm sóc những người họ yêu thương vậy.
Tôi phải nói với bạn rằng quan điểm đó hoàn toàn sai lầm, nó khiến mọi người ngại tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc không chǎm sóc bản thân đúng cách. Tự chǎm sóc thực sự là một yếu tố thiết yếu của cuộc sống hàng ngày, vì nó giúp bạn trở thành những người cha người mẹ tử tế, tỉnh táo và kiên nhẫn hơn, điều mà đa số các bậc cha mẹ đều mong muốn.
Chǎm sóc bản thân chính xác là gì? Tôi muốn giải thích bằng một phép so sánh sau đây: nếu bạn đã từng đi máy bay, hãy thử nhớ lại phần hướng dẫn an toàn. Tiếp viên hàng không hướng dẫn rằng nếu mặt nạ dưỡng khí bung ra trong trường hợp khẩn cấp, bạn cần phải đeo mặt nạ cho mình trước khi bạn giúp bất kỳ ai khác.
Đối với nhiều người, điều này hoàn toàn trái ngược với bản nǎng tiên quyết muốn bảo vệ người thân của họ. Tuy nhiên, lý do bạn cần phải đeo mặt nạ cho mình trước là vì nếu bạn không có đủ oxy, bạn có thể không còn tỉnh táo, rất mệt mỏi và không thể bảo vệ chu đáo cho gia đình (hoặc ngay chính bản thân bạn!).
Nuôi dạy con cái có thể là một hành trình đầy chông gai nên đừng quên mất giá trị to lớn của việc đối xử tốt với bản thân. Nếu chúng ta không đủ khoan dung với chính mình, hoặc cứ mãi trách móc, phán xét bản thân khi mắc sai lầm thì làm sao ta có thể mong đợi con trẻ dám chấp nhận những sai lầm (rất bình thường và con người) của chúng?
Tử tế không chỉ là lòng trắc ẩn dành cho người khác mà còn là yếu tố không thể thiếu để bạn thúc đẩy niềm hạnh phúc và niềm tin phải đối xử tốt với chính mình. Chúng ta thường trǎn trở tự vấn về bản thân và giá trị của chính mình.
Nếu ta muốn khơi dậy trong con cái một tiếng nói dịu dàng và biết chấp nhận bản thân, ta cần làm gương cho chúng bằng cách đối xử tử tế với chính mình cũng như với những người khác.