Giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà là cơ hội để dạy trẻ nhỏ về lòng tốt. Ảnh: M&C. |
Khi tôi còn là một cậu bé khoảng tám tuổi, cha đã dạy tôi một bài học mà đến tận bây giờ tôi vẫn còn ghi nhớ. Hồi đó, cha tôi là một “người giao sữa”. Vào những năm 80, công việc của những người như ông là giao sữa đến tận nhà khách hàng. Ông lái một chiếc xe van nhỏ và tôi thường đi cùng cha, giúp ông mang sữa đến từng nhà dọc theo tuyến đường.
Một tối nọ, khi chúng tôi đang đi về trên một con đường nhỏ rải sỏi yên tĩnh, cha cho xe chạy chậm lại và chăm chú nhìn về khoảng tối trước mặt qua vô lăng. Có một vật gì đó ở giữa đường. Cha cho xe từ từ dừng lại cách đó không xa. Và hai cha con tôi phát hiện ra đó là một người đàn ông.
Cha tôi cẩn trọng mở cửa xe và bước ra ngoài. “Justin, con hãy ở yên trong xe”, cha tôi nói. Sau đó ông hỏi người đàn ông: “Anh ơi, anh không sao chứ?”. Nhưng ông ta không trả lời.
Cha tôi tiến dần đến bên cạnh người đàn ông và thấy ông ta say mèm, nửa tỉnh nửa mê. Cha tôi đoán ông ta đã uống quá nhiều ở quán rượu phía cuối đường và quyết định sẽ không lái xe mà tự đi bộ về nhà. Nhưng ông ta bị mất phương hướng, gục ngã và say đến nỗi ngủ quên luôn ở giữa con đường đầy sỏi đó.
Cha tôi gắng sức để nhấc và đưa ông ta lên xe. Cha mở cánh cửa trượt phía sau xe và đẩy ông ta vào chỗ có điều hòa. Cha tôi kiểm tra ví của ông ta để tìm địa chỉ nhà, rồi cùng tôi leo lên phía trước xe tải và đưa ông ta về. Đến nơi, cha tôi cõng người này tới trước cửa, bấm chuông và giao người đàn ông say mèm đó cho vợ ông ta. Người vợ rất xấu hổ, lúng túng nhưng không quên bày tỏ lòng biết ơn với cha con tôi.
Có thể là lòng tốt của cha tôi đã cứu một mạng người vào đêm hôm đó. Nhưng không chỉ có vậy. Ngoài bài học phải làm gì khi ai đó cần giúp đỡ, tôi còn hiểu ra mình không nên làm gì.
Lẽ ra cha tôi có thể tận dụng sai lầm của người đàn ông say xỉn đó để răn dạy tôi về sự nguy hiểm của rượu. Nhưng thay vì chỉ tay phán xét và lấy họ ra làm tấm gương xấu để hướng dẫn tôi về việc không nên làm, cha tôi đã dạy tôi một bài học đạo đức hoàn toàn khác. Cha đã làm mẫu cho tôi về cách giúp người khi họ gặp hoạn nạn, ngay cả khi những khó khăn đó là do họ tự gây ra.
Tôi đã tình cờ đọc được một đoạn trích từ vị linh mục Jeffrey R.Holland, ông nói:
“Khi thấy một người cố lấy hơi sức cuối cùng để bơi vào bờ, sau khi đã chiến đấu với gió mạnh và sóng dữ - một thử thách mà anh ta không nên nhận lãnh ngay từ đầu thì chúng ta, những người có óc phán đoán tốt hơn, hoặc có thể là may mắn hơn, nhất quyết không nên chèo thuyền ra cạnh anh ta, đánh bầm dập rồi nhấn đầu anh ta xuống nước. Chúng ta không tạo ra những con thuyền để làm việc đó. Nhưng một số người trong chúng ta lại làm vậy với nhau.”
Ai cũng có thể buông ra lời nói: “Chà, đó là cái giá anh ta phải trả cho sự ngốc nghếch của mình.” Chẳng khó gì khi mở miệng răn dạy người khác, tỏ ra mình có đạo đức hơn người và lờ đi những khó khăn mà họ gặp phải. Nhưng đó không phải là sự tử tế và nó cũng không giúp ích hoặc dạy con cái chúng ta bất cứ điều gì.
Tuy nhiên, khi được chứng kiến lòng tốt, tâm hồn chúng ta lấp lánh niềm vui. Sự tử tế truyền cảm hứng để tất cả chúng ta sống tốt hơn, đặc biệt là khi nó hiện diện trong những mảnh đời kém thiện lành. Joseph Wirthlin từng nói: “Sự tử tế là cốt cách tạo nên sự vĩ đại và là phẩm chất cơ sở của những con người cao quý nhất mà tôi từng biết.” Tôi tin Joseph. Đó quả là một lời dạy tuyệt vời mà chúng ta có thể truyền lại cho con cái.
Thế giới chúng ta đang sống vẫn còn nhiều hành vi sai trái, thiếu lương tâm, khiến ai nấy đều dễ nản lòng. Nó len lỏi trong lĩnh vực chính trị, thể thao, tin tức, nó xuất hiện trên đường ta đi, trên mạng xã hội. Những tin tức như thế được nhắc đến hàng ngày nhưng ta không nên bị chúng thao túng.
Lòng tốt có ở khắp mọi nơi. Nó có thể hiện hữu trong mái ấm của chúng ta, trong trái tim của chúng ta và trong tấm lòng của con cái chúng ta khi chúng được cha mẹ dạy về sự tử tế.
Bình luận