Cục An toàn thông tin cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Cục ATTT. |
Dịp Tết cận kề là thời điểm kẻ lừa đảo tăng cường tiếp cận nạn nhân trên Internet, thông qua các kịch bản như tặng vé xe, bán vé máy bay giá rẻ, khuyến mãi, việc làm thời vụ lương cao...
Trước tình trạng lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin & Truyền thông, liệt kê 5 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến trong dịp Tết Nguyên đán 2024, nhằm bảo vệ người dân khỏi các rủi ro không đáng có.
Mua vé máy bay giá rẻ
Nhu cầu về quê, du lịch của người dân tăng mạnh dịp giáp Tết. Do nhiều chuyến bay hết chỗ sớm hơn dự kiến, nhiều người gặp khó khăn khi tìm mua vé qua dịch vụ trung gian hoặc trên Internet, dẫn đến nguy cơ lừa đảo.
Để tiếp cận nạn nhân, đối tượng lừa đảo thường mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo các website, mạng xã hội với giao diện "nhái" hãng bay hoặc đại lý chính thức.
Nhu cầu mua vé máy bay để về quê, du lịch của người dân thường tăng cao trong dịp Tết. Ảnh: Chariots Tours & Travels. |
Trên các nền tảng này, kẻ lừa đảo đăng bài quảng cáo tour du lịch hoặc khách sạn giá rẻ, kèm nhiều ưu đãi khác. Khi liên hệ, nạn nhân được hướng dẫn làm theo yêu cầu trên Facebook để mua vé máy bay giá rẻ.
Đối tượng lừa đảo làm giả ảnh chụp biên lai và hóa đơn thanh toán, đề nghị nạn nhân chuyển tiền (từ 30-50% giá vé) để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn.
Kẻ lừa đảo thậm chí đặt chỗ vé máy bay để tạo lòng tin. Tuy nhiên sau khi nhận thanh toán, chúng lập tức chặn liên lạc, xóa dấu vết và không xuất vé máy bay. Mã đặt chỗ không được xuất thành vé nên sẽ tự hủy sau một thời gian.
Một số thủ đoạn lừa đảo du lịch giá rẻ cần cảnh giác. Ảnh: Cục ATTT. |
Bên cạnh giả mạo website hay mạng xã hội, nhiều đối tượng còn tự nhận là nhân viên hãng bay nên có chiết khấu cao, đưa ra giá vé hấp dẫn khiến nhiều người sập bẫy.
Trước tình trạng trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân tỉnh táo trước khi giao dịch chuyển tiền trên mạng xã hội, đặc biệt với các quảng cáo mua hàng siêu rẻ, ưu đãi lớn.
Khi có nhu cầu mua vé máy bay, khách hàng nên đặt vé trực tiếp qua website của hãng hàng không, hoặc gọi lên tổng đài nếu chưa nắm rõ thao tác đặt vé qua mạng.
Trước khi giao dịch, cần xác minh thông tin đặt vé, yêu cầu nhân viên hãng bay kiểm tra thông tin hành trình và khách hàng.
Đặc biệt, không nên giao dịch qua trung gian hay đại lý nếu không nắm rõ chất lượng, độ uy tín.
Làm thêm trên mạng xã hội
Nhắm đến đối tượng mẹ bỉm sữa, học sinh, sinh viên, người lao động thu nhập trung bình thấp... kẻ lừa đảo tự xưng nhân viên sàn thương mại điện tử hoặc công ty môi giới việc làm.
Chúng đăng bài lên mạng xã hội với lời hứa tạo việc nhẹ lương cao, làm việc tại nhà, không cần cọc tiền... Những công việc được mô tả thường gồm chốt đơn trực tuyến, mẫu ảnh, gấp bao lì xì, cộng tác viên bán hàng, dịch thuật, lồng tiếng chương trình cuối năm...
Đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều số điện thoại, mạng xã hội. Khi có người liên hệ, chúng dụ dỗ họ tham gia nạp tiền để làm thử thách, nhận về tiền gốc kèm hoa hồng.
Một số điều cần lưu ý về thủ đoạn lừa đảo tuyển cộng tác viên online. Ảnh: Cục ATTT. |
Trong lúc lừa đảo, đối tượng liên tục dồn ép nạn nhân khiến họ gặp ảnh hưởng tâm lý, tiếp tục chuyển tiền vì sợ không thể lấy lại tiền gốc.
Khi số tiền nạp ngày càng lớn, kẻ lừa đảo viện nhiều lý do như tài khoản đóng băng, hệ thống lỗi... nên không rút tiền được, từ đó chiếm đoạt hoàn toàn tài sản của nạn nhân.
Cục ATTT cho biết người dân nên cẩn trọng các lời mời giới thiệu việc làm trên mạng xã hội, cần tìm hiểu kỹ người giới thiệu và chính sách của công ty tuyển dụng.
Tuyệt đối không đặt cọc cho đối tượng dưới mọi hình thức khi chưa nắm rõ thông tin và độ uy tín. Cần cảnh giác trước những đề nghị quá hấp dẫn như việc nhẹ lương cao, không yêu cầu trình độ hay kỹ năng.
Nếu có nhu cầu tìm việc, người dân nên đến các văn phòng, công ty có danh tiếng, uy tín hoặc website chính thống để nắm bắt thông tin tuyển dụng. Đặc biệt, không gửi thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay mã OTP cho người khác dưới mọi hình thức.
Dụ dỗ "lấy lại tiền bị lừa"
Đánh vào tâm lý muốn lấy lại tiền bị lừa, nhiều đối tượng lập tài khoản mạo danh lãnh đạo, cán bộ thuộc cơ quan chức năng hoặc văn phòng luật, cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân thu hồi tiền bị lừa trước đây.
Trên mạng xã hội, đối tượng cam kết lấy lại tiền bị lừa với thủ tục nhanh chóng, hiệu quả hơn so với đến cơ quan công an trình báo.
Khi liên hệ, nạn nhân được yêu cầu đóng phí hỗ trợ, hoặc làm nhiệm vụ để rút tiền treo trên hệ thống. Sau khi nhận tiền, đối tượng báo tài khoản ngân hàng bị lỗi, không thể trả tiền.
Không dễ lấy lại tiền bị lừa trên mạng. Ảnh: Cục ATTT. |
Trước tình trạng trên, Cục ATTT cho biết người dân cần nâng cao cảnh giác nếu nhận cuộc gọi nghi ngờ mạo danh. Ngoài ra, có thể ghi âm cuộc gọi, lưu số điện thoại và thông báo kịp thời cho cơ quan công an gần nhất.
Ngoài ra, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như CCCD, CMND, số tài khoản ngân hàng, mã OTP... để tránh bị đánh cắp thông tin, sử dụng cho mục đích phi pháp.
Tương tự những thủ đoạn lừa đảo khác, người dân không giao dịch chuyển tiền trên mạng xã hội nếu chưa xác minh người nhận tiền là ai.
Nếu đã chuyển tiền và phát hiện bị lừa, cần báo cho cơ quan công an gần nhất, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của đối tượng mạo danh, cam kết lấy lại tiền nhưng yêu cầu chuyển phí trước.
Vay tiền qua app tín dụng đen
Lợi dụng ưu điểm nhanh gọn, thuận tiện của hình thức vay tiền online, các đối tượng lừa đảo ngày càng đưa ra nhiều thủ đoạn tinh vi để giăng bẫy, đưa người dùng rơi vào tình trạng vay tín dụng đen, nợ nần và mất tài sản.
Các app tín dụng đen đa phần được quảng cáo có lãi suất thấp, giải ngân nhanh, một số nơi thậm chí cho vay ưu đãi 0%, không cần tài sản thế chấp. Trên thực tế, chúng là hình thức vay nhanh, thanh toán ngắn hạn trong 7-10 ngày với lãi suất rất cao.
Các đối tượng sử dụng mạng xã hội, app nhắn tin để điều hành hoạt động cho vay và thu nợ. Chúng thẩm duyệt hồ sơ bằng cách yêu cầu nạn nhân cung cấp họ tên, năm sinh, địa chỉ, nơi làm việc và số điện thoại.
Để thuận tiện đòi nợ, đối tượng yêu cầu người vay nợ cho phép truy cập danh bạ điện thoại, tài khoản mạng xã hội, gửi ảnh chân dung, ảnh chụp CCCD hoặc CMND.
Một số ứng dụng cho vay online. Ảnh: Minh Khánh. |
Khi đến hạn nhưng người dân không trả hoặc chậm thanh toán lãi, kẻ lừa đảo sẽ truy cập điện thoại, lấy thông tin danh bạ để đòi nợ những người không liên quan. Chúng thậm chí gửi tin nhắn đe dọa, xúc phạm hoặc bôi nhọ trên mạng xã hội, gây áp lực buộc người vay trả tiền.
Trước tình trạng trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân tìm đến các tổ chức cho vay uy tín như ngân hàng hoặc công ty tài chính hợp pháp.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng trên website, ứng dụng không tin cậy. Đặc biệt, không để bên cho vay truy cập tài khoản và danh bạ điện thoại cá nhân.
Khi cài đặt ứng dụng, đặc biệt liên quan đến tài chính, người dân cần kiểm tra kỹ quyền truy cập, đọc chính sách và điều khoản sử dụng. Nếu phát hiện điểm đáng ngờ, lập tức ngừng cài ứng dụng.
Nếu nghi ngờ website có dấu hiệu liên quan đến "tín dụng đen", người dân có thể gửi cảnh báo lên trang canhbao.khonggianmang.vn để cơ quan chức năng kiểm tra và ngăn chặn.
Trong trường hợp bắt buộc vay tiền qua mạng, người dân cần tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ, ứng dụng cho vay uy tín.
Các thông tin cần kiểm tra với dịch vụ cho vay qua mạng gồm tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, chính sách về lãi suất (trả nợ trước hạn, chậm trả...), mẫu hợp đồng, trách nhiệm chủ thể tham gia giao dịch...
Nhận quà trúng thưởng dịp Tết
Lợi dụng tâm lý mua sắm dịp Tết, kẻ lừa đảo đánh vào chi tiết nhận quà trúng thưởng để chiếm đoạt tài sản. "Kịch bản" của hình thức lừa đảo này có nhiều biến thể khác nhau.
Đầu tiên, kẻ lừa đảo sử dụng mạng xã hội hoặc gọi điện thoại, mạo danh thương hiệu uy tín để thông báo tri ân khách hàng, tặng quà dịp Tết. Chúng yêu cầu nạn nhân chuyển cọc để nhận quà, nhưng nhanh chóng "biến mất" sau khi nhận tiền.
Thứ hai, đối tượng gọi đến nạn nhân báo trúng thưởng, nhưng yêu cầu mua sản phẩm được chỉ định để lấy mã nhận thưởng xem như nộp thuế, mua càng nhiều tiền trúng càng lớn. Sau đó, kẻ lừa đảo yêu cầu nạn nhân chuyển tiền mua hàng vào tài khoản rồi chiếm đoạt.
Một số kịch bản lừa đảo qua hình thức nhận quà trúng thưởng. Ảnh: Cục ATTT. |
Với kịch bản thứ ba, nạn nhân thấy tin nhắn trên Messenger với nội dung thông báo trúng phần quà giá trị lớn, kèm đường link nhận thưởng. Khi nhấn vào, họ được yêu cầu cung cấp thông tin, chuyển tiền (xem như nộp thuế) để hoàn tất thủ tục.
Để tạo lòng tin, đối tượng còn nhấn mạnh câu chữ, bao gồm "đề nghị không cung cấp mã trúng thưởng cho bất cứ ai". Tuy nhiên sau khi chuyển tiền, chúng lập tức cắt liên lạc, chặn tài khoản của nạn nhân. Một số đối tượng còn cài cắm mã độc vào đường link để đánh cắp thông tin cá nhân, danh bạ.
Theo Cục ATTT, người dân cần cảnh giác trước những lời mời gọi trên mạng xã hội. Không làm theo hướng dẫn, cung cấp thông tin cá nhân cho đối tượng khi chưa xác minh danh tính, không truy cập đường link hoặc tải ứng dụng lạ.
Khi nhận cuộc gọi báo trúng thưởng, người dân cần yêu cầu cung cấp họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, địa chỉ, số điện thoại (nếu bên tặng thưởng là cá nhân), hoặc tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế, giấy phép đăng ký kinh doanh (nếu bên tặng thưởng là doanh nghiệp).
Ngoài ra, nên liên hệ các cơ quan có thẩm quyền như Sở Công Thương, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương để được hỗ trợ bởi các chương trình khuyến mãi, trao thưởng lớn đều phải được đăng ký và cấp phép.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.