Kẻ lừa đảo dùng nhiều giao thức khác nhau, bao gồm gọi điện thoại để tiếp cận nạn nhân. |
Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin & Truyền thông, tiếp tục cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến đáng chú ý tại Việt Nam.
Ngoài thủ đoạn mạo danh lãnh đạo công an tỉnh để lừa cán bộ xã, kẻ lừa đảo còn tiếp cận người dân với kịch bản làm thử thách nhận quà.
Mạo danh lãnh đạo công an tỉnh lừa chủ tịch xã
Ngày 9/1, Trưởng Công an huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) cho biết thời gian gần đây, xuất hiện nhiều đối tượng mạo danh lãnh đạo Công an tỉnh Phú Yên, lãnh đạo Công an huyện Tây Hòa. Chúng gọi đến lãnh đạo, cán bộ hoặc công chức cấp xã, thông báo số điện thoại của họ bị người khác chiếm đoạt.
Để lấy lại số điện thoại, cán bộ xã, huyện được đối tượng yêu cầu cung cấp hình ảnh và thông tin cá nhân. Nếu không, số điện thoại sẽ bị khóa trong thời gian ngắn.
Xuất hiện thủ đoạn mạo danh lãnh đạo công an tỉnh, gọi điện đe dọa bí thư, chủ tịch xã. Ảnh: Cục ATTT. |
Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Yên khẳng định khi tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và khi cần làm việc với người bị tố giác, lực lượng công an đều gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập đến cá nhân.
Không có chuyện công an chụp hình giấy mời gửi qua mạng xã hội hoặc làm việc, lấy lời khai qua điện thoại.
Trước đó, Công an xã Hàm Cường (tỉnh Bình Thuận) cho biết một số đối tượng sử dụng đầu số 0837xxx, 0838xxx702, 0886xxx514... gọi cho cán bộ xã, người dân để báo rằng thông tin cá nhân, tài khoản định danh điện tử bị sai thông tin.
Các đối tượng dùng số điện thoại khác, liên lạc bằng ứng dụng nhắn tin để hướng dẫn, yêu cầu công dân điều chỉnh thông tin bằng cách tải app giả mạo cổng dịch vụ công quốc gia. Chúng còn ra thời hạn ép người dân điều chỉnh sớm.
Cục ATTT khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản đăng nhập VNeID, mã OTP, thông tin CCCD hoặc tài khoản ngân hàng cho cá nhân, tổ chức không có trách nhiệm, và không làm theo hướng dẫn của số điện thoại lạ.
Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để giải quyết vụ việc theo quy định.
Cảnh giác “bẫy” quà tặng 0 đồng
Chị M.T. (ngụ quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) nhận thông báo lấy quà từ một thương hiệu thời trang. Sau khi đồng ý, chị T. được nhân viên tư vấn là Ngọc Ánh liên lạc, yêu cầu cung cấp địa chỉ, số điện thoại và tham gia nhóm chat (gồm hơn 400 thành viên) để nhận quà.
Để tạo lòng tin, đối tượng gửi video quảng cáo của nhãn hàng cho chị T., hướng dẫn nhấn vào để nhận quà tri ân từ 20.000-50.000 đồng.
Tin nhắn yêu cầu chị T. nạp tiền tăng doanh số nhãn hàng trước khi nhận quà. Ảnh: Cục ATTT. |
Kẻ lừa đảo tiếp tục kêu gọi chị T. tham gia sự kiện tăng doanh số cho thương hiệu. Nạn nhân được yêu cầu tạm gửi 250.000 đồng để tạo hóa đơn trên sàn thương mại điện tử, giúp tăng mức tiêu thụ sản phẩm cho nhãn hàng. Sau 3-5 phút, chị nhận tiền gốc lẫn hoa hồng.
Đối tượng yêu cầu nạn nhân làm đủ thao tác mới được nhận quà. Tuy nhiên do nghi ngờ mức hoa hồng, chị T. liên hệ trực tiếp nhãn hàng mới biết rằng thương hiệu này không có chương trình tri ân tặng quà.
Theo Cục ATTT, một trong những nguyên nhân dẫn đến mất an toàn thông tin của người dùng Internet đến từ sự bất cẩn, dễ dàng gửi thông tin qua mạng xã hội, mua sắm trực tuyến hoặc các hình thức trực tiếp.
Cục ATTT khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác trước những cuộc gọi dịch vụ. Tuyệt đối không chia sẻ, cung cấp CCCD, CMND, số thẻ ngân hàng, mã OTP... để tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân, nguy cơ mất tài sản hoặc lợi dụng dữ liệu cho mục đích phi pháp.
Ngoài ra, người dân cần biết cách tự bảo vệ bản thân, có biện pháp lưu trữ, phân loại và chia sẻ thông tin phù hợp, cân nhắc kỹ trước khi cung cấp thông tin cho các dịch vụ trên Internet.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.