Tin nhắn lừa đảo tuyển dụng được gửi về điện thoại. |
Khảo sát do Liên minh Chống lừa đảo Toàn cầu (GASA) và dự án Chống lừa đảo thực hiện, với sự tham gia của 1.063 người tại Việt Nam.
Theo kết quả, 70% người khảo sát gặp các hành vi lừa đảo ít nhất một lần mỗi tháng trong năm 2023. Tiếp theo, 311 người thừa nhận bị mất tiền do lừa đảo, thiệt hại trung bình 734 USD/người.
Đa số người tin tưởng khả năng nhận diện lừa đảo của họ (55%). Trong khi đó, tỷ lệ hoàn toàn không tự tin chỉ chiếm 14%.
Đáng chú ý khi hơn 50% người được khảo sát cảm thấy bị các công ty, cá nhân lừa đảo tiếp cận thường xuyên hơn so với năm ngoái. Chỉ khoảng 10% cho biết họ ít được tiếp cận hơn.
Các kênh lừa đảo phổ biến tại Việt Nam
Trong năm 2023, gọi điện thoại là cách tiếp cận phổ biến nhất của kẻ lừa đảo, khi 80% người tham gia khảo sát cho biết bị kẻ xấu tìm đến thông qua kênh liên lạc này.
Trả lời Tri thức – Znews, ông Nguyễn Hồng Hào, chuyên gia giám sát mối nguy từ Chống lừa đảo, cho biết việc sử dụng điện thoại để gọi điện, truy cập Internet, thực hiện giao dịch ngân hàng tạo ra cơ hội cho kẻ lừa đảo tìm cách tiếp cận.
Những nền tảng được kẻ lừa đảo sử dụng nhiều để tiếp cận nạn nhân. Ảnh: Chống lừa đảo. |
“Một số người vẫn thiếu kiến thức về các hình thức lừa đảo qua điện thoại nên không phát hiện dấu hiệu. Họ có thể rơi vào bẫy của các tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo, hoặc tải xuống ứng dụng độc hại mà không nhận ra”, ông Hào cho biết.
Bên cạnh gọi điện thoại, kết quả khảo sát cho thấy kẻ lừa đảo còn tiếp cận nạn nhân thông qua tin nhắn SMS, ứng dụng nhắn tin (Facebook Messenger, WhatsApp, Telegram…), bài đăng trên mạng xã hội...
Trên Internet, 5 nền tảng được kẻ lừa đảo sử dụng nhiều lần lượt gồm Facebook, Gmail, Telegram, Google và TikTok.
“Các kẻ lừa đảo ngày càng thông minh, sử dụng công nghệ tiên tiến. Chẳng hạn, họ có thể giả mạo số điện thoại, tin nhắn từ tổ chức uy tín để gửi email lừa lọc, hoặc tạo ra ứng dụng giả mạo, độc hại nhằm lừa người dùng”, đại diện từ Chống lừa đảo nói thêm.
Đầu tư là loại lừa đảo phổ biến nhất
Khoảng 13% người khảo sát gặp ít nhất một vụ lừa đảo liên quan đến đầu tư trong năm 2023, tiếp theo là lừa đảo mua sắm và đánh cắp danh tính. Trung bình, mỗi người gặp phải 0,8 vụ lừa đảo.
Bị lừa đảo ảnh hưởng đến nạn nhân về nhiều mặt. Trong đó, lừa đánh cắp danh tính có tác động lớn nhất (được chọn bởi 21% người khảo sát), tiếp theo là dạng lừa đảo đầu tư, mua sắm và tuyển dụng việc làm. 54% nạn nhân chịu ảnh hưởng mạnh mẽ về tinh thần khi bị lừa.
Một số thủ đoạn lừa đảo được nạn nhân mô tả. Ảnh: Chống lừa đảo. |
Một số trải nghiêm tiêu cực được thu thập trong khảo sát, bao gồm bị lừa tham gia sàn giao dịch tiền mã hóa, lừa cọc tiền mua tai nghe giảm giá, hoặc xâm nhập tài khoản Facebook để vay tiền bạn bè.
Lý do chính khiến người dùng Việt rơi vào lừa đảo là lời đề nghị hấp dẫn. Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Hào, trong năm qua, kẻ xấu sử dụng một số kỹ thuật, phương pháp mới để tăng lòng tin, tiếp cận nạn nhân dễ dàng hơn.
Đầu tiên là lừa đảo qua tin nhắn OTP. Với thủ đoạn này, kẻ xấu gửi tin nhắn thương hiệu (SMS brandname) giả mạo tổ chức tài chính hoặc dịch vụ trực tuyến, yêu cầu nhập mã OTP. Khi cung cấp OTP, chúng sẽ thực hiện giao dịch trái phép để chiếm đoạt tiền của người dùng.
Ngoài ra, kẻ lừa đảo có thể giả mạo nhân viên ngân hàng hoặc cơ quan chức năng, sau đó gọi điện yêu cầu chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân hoặc truy cập website để tải app giả mạo, từ đó chiếm quyền điều khiển điện thoại hoặc ăn cắp tiền. Một số tên còn sử dụng video deepfake để lấy lòng tin của nạn nhân.
Tin nhắn chứa mã OTP được gửi về điện thoại. |
Trên các mạng xã hội như Facebook hay TikTok, kẻ lừa đảo có thể tạo tài khoản giả cơ quan hoặc tổ chức lớn, gửi tin nhắn lừa đảo, quảng cáo bán hàng giả, tuyển thí sinh cho cuộc thi giả.
Một số kịch bản phổ biến khác như quảng cáo dịch vụ vay tiền, nâng hạn mức thẻ tín dụng, hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa… Kẻ lừa đảo dụ dỗ nạn nhân tham gia bằng cách yêu cầu nộp thông tin, thực hiện nhiệm vụ online để chiếm đoạt tiền.
“Các nạn nhân lừa đảo ít nhiều bị dẫn dụ vào Telegram bởi ứng dụng này có tính bảo mật và ẩn danh cao. Kẻ xấu có thể xóa tin nhắn 2 chiều để tẩy dấu vết nhanh gọn” ông Hào nhấn mạnh.
Làm sao để trình báo khi bị lừa đảo qua mạng?
Dù lừa đảo trực tuyến có tác động tiêu cực, 66% người khảo sát không báo cáo các vụ lừa đảo cho cơ quan chức năng. Một số lý do phổ biến gồm không biết báo cáo cho ai, quy trình phức tạp và không đủ quan trọng để trình báo.
Nếu bị lừa, đa số người được khảo sát ưu tiên báo cáo với gia đình và bạn bè, tiếp theo là công an địa phương, ngân hàng và mạng xã hội.
Theo kết quả khảo sát, chỉ 1% người tham gia có thể lấy lại toàn bộ số tiền. Trong khi đó, 32% thừa nhận không tìm cách lấy lại tiền, 64% đã thử nhưng không thể lấy lại.
Một số lý do khiến nạn nhân không trình báo khi bị lừa. Ảnh: Chống lừa đảo. |
Trao đổi với Tri thức – Znews, ông Nguyễn Hồng Hào từ Chống lừa đảo cho biết nếu bị lừa qua mạng, nạn nhân có thể trình báo với công an địa phương.
“Các cơ quan này thường có đội ngũ chuyên gia về phòng chống tội phạm mạng công nghệ cao, từ đó điều tra và xử lý những vụ việc liên quan đến lừa đảo qua mạng”, ông Hào cho biết.
Người dùng cũng có thể báo cáo lên canhbao.khonggianmang.gov.vn thuộc Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia (NCSC), báo cáo tin giả, xấu độc trên không gian mạng tại tingia.gov.vn, hoặc gọi đầu số 18008108.
Hướng dẫn phản ánh, thông tin về các thủ đoạn lừa đảo qua mạng thường xuyên được cập nhật trên website chongthurac.vn.
“Nếu liên quan đến lừa đảo ngân hàng hoặc giao dịch tài chính, nạn nhân có thể liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ. Ngoài ra, có thể gửi báo cáo đến chongluadao.vn hoặc email info@chongluadao.vn”, đại diện từ Chống lừa đảo nói thêm.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.