Vụ nổ có kiểm soát gây rung chuyển khắp Kabul, nhằm đảm bảo không có bất cứ thiết bị hay thông tin nào bị bỏ lại lọt vào tay Taliban sau khi Mỹ rút quân.
Căn cứ Đại bàng được thiết lập từ thời gian đầu của cuộc chiến ở Afghanistan tại một nhà máy gạch cũ, và được sử dụng xuyên suốt cuộc xung đột.
Từ một tiền đồn nhỏ, căn cứ này đã trở thành trung tâm đào tạo đặc nhiệm chống khủng bố cho lực lượng an ninh Afghanistan. Họ nằm trong số ít các lực lượng vẫn duy trì chiến đấu khi chính quyền Afghanistan sụp đổ, theo các cựu quan chức và quan chức đương nhiệm.
Người dân Afghanistan bên ngoài sân bay Kabul hôm 26/8. Ảnh: New York Times. |
“Đó là một đơn vị đặc biệt”, Mick Mulroy, cựu sĩ quan Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từng phục vụ ở Afghanistan, nói với New York Times.
“Lực lượng này là một trong những phương tiện chính được chính phủ Afghanistan sử dụng để ngăn chặn Taliban trong 20 năm qua. Họ là những người cuối cùng chiến đấu, và họ gánh chịu thương vong nặng nề”.
Cư dân Afghanistan biết rất ít về căn cứ này. Nó được đảm bảo an ninh cao độ và được thiết kế để tránh mọi sự xâm nhập. Những bức tường bao quanh cao tới 3 m và một cổng kim loại dày có thể đóng mở nhanh chóng cho phép ôtô vào bên trong.
Khi đã vào bên trong, những chiếc ôtô vẫn phải qua ba trạm kiểm soát an ninh, nơi các phương tiện sẽ được khám xét và mọi tài liệu phải qua kiểm tra trước khi được phép vào bên trong căn cứ.
Một người từng làm việc cho CIA tại Căn cứ Đại bàng cho biết việc xóa dấu vết ở căn cứ này là nhiệm vụ không dễ dàng. Ngoài việc đốt các tài liệu giấy và nghiền nát những ổ cứng, người ta còn phải phá hủy các thiết bị nhạy cảm khác để tránh lọt vào tay Taliban.
Người này cho biết Căn cứ Đại bàng không giống như tòa Đại sứ quán ở Kabul, nơi các tài liệu có thể xử lý nhanh chóng bằng cách đốt cháy.
Vụ phá nổ căn cứ này được lên kế hoạch và không liên quan tới những vụ nổ lớn bên ngoài sân bay ngày 26/8 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 170 người Afghanisstan và 13 binh sĩ Mỹ. Tuy nhiên, vụ phá nổ Căn cứ Đại bàng - xảy ra vài giờ sau vụ nổ gần sân bay Kabul - đã khiến không ít người dân ở Kabul sợ hãi vì lo ngại một vụ đánh bom khác.
Sứ mệnh sơ tán của Mỹ tại Afghanistan sẽ kết thúc vào ngày 31/8. Taliban nói rằng nỗ lực sơ tán không được kéo dài sau hạn chót này và các quan chức chính quyền Biden thừa nhận việc sơ tán quá thời hạn đã đặt ra sẽ làm tăng đáng kể rủi ro cho cả người Afghanistan và quân đội Mỹ.