Ngày 27/9, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay địa phương này sẽ đóng cửa tạm thời các khu chợ truyền thống, ngừng mua bán từ 14h cùng ngày. Đồng thời, tỉnh tổ chức sơ tán hơn 14.000 hộ dân với 43.000 nhân khẩu ở những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bão trước 12h cùng ngày.
Nhà chức trách yêu cầu người dân không được ra đường từ 21h ngày 27/9. Các chủ doanh nghiệp có phương án bố trí ca, kíp làm việc đảm bảo an toàn cho người lao động khi bão đến, mưa lớn.
Chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các chủ khách sạn đảm bảo an toàn cho khách du lịch đang lưu trú ở địa phương. Đến hôm nay, tỉnh này có hơn 2.000 khách du lịch (trong đó có 690 khách quốc tế) đang lưu trú.
Trước đó, Sở GD&ĐT tỉnh đã cho hơn 280.000 học sinh nghỉ học ngày 27-28/9 để đảm bảo an toàn. Đại học Huế cũng cho hơn 40.000 sinh viên tạm thời nghỉ học để tránh bão.
Tại Đà Nẵng, sáng 27/9, UBND TP yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 20h ngày 27/9 đến khi có thông báo tiếp theo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố.
Chính quyền địa phương yêu cầu tuyệt đối không để người ở lại trên trên tàu cá, lán trại tạm công trình đang xây dựng từ 14h ngày 27/9 cho đến khi có tin cuối cùng về cơn bão số 4.
Các địa phương tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vùng núi, vùng ven sông, ven suối, ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng đến nơi an toàn, hoàn thành trước 14h ngày 27/9.
Trước đó, tại cuộc họp phòng chống bão Noru, TP Đà Nẵng quyết định từ 12h ngày 27/9 tạm dừng họp chợ truyền thống; tất cả cán bộ công chức viên chức, người lao động, công nhân… nghỉ làm việc để tránh bão.
Tại Quảng Nam, sáng 27/9, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị Nhà nước nghỉ làm từ 12h ngày 27/9 đến hết ngày 28/9.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các công ty, doanh nghiệp, nhà máy may tư nhân trên địa bàn tỉnh cho công nhân, người lao động được nghỉ việc từ 12h ngày 27/9 đến hết ngày 28/9.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà từ 18h ngày 27/9 để phòng tránh bão Noru cho đến khi có thông báo mới của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam.
Cùng ngày, Sở GD&ĐT Quảng Nam tiếp tục thông báo cho học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh nghỉ học ngày 28/9 để phòng, tránh bão số 4.
Tại Bình Định, sáng 27/9, các khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão tiếp nhận 5.600 tàu thuyền. Đối với tàu hàng, hiện toàn bộ tàu đang bốc dỡ hàng hóa ở khu vực cảng Quy Nhơn đã di chuyển vào tránh trú tại vịnh Xuân Đài (Phú Yên) từ chiều 26/9.
Đối với khách du lịch, hiện có 1.033 người đang lưu trú ở TP Quy Nhơn đã nhận đầy đủ thông tin về cơn bão.
Tỉnh Bình Định xác định 13 khu vực nguy cơ cao sạt lở đất và đã lên kế hoạch sơ tán 18.995 hộ với 65.404 người dân bị ảnh do bão số 4.
Địa phương này khuyến cáo người dân dự trữ lương thực trong 7 ngày. Tỉnh Bình Định không cho người ở trên các lồng bè và trên thuyền đã vào khu neo đậu; không cho người ra đường khi có bão...
Siêu bão Noru
Nỗi sợ lũ về trong đêm của người miền Trung
2h sáng, lũ ùn ùn đổ về, kéo dài suốt một ngày. Nhiều nhà dân trở tay không kịp, ngậm ngùi nhìn tài sản chôn chặt dưới lớp bùn đặc.
Sự bất thường của siêu bão Noru
Giới khoa học cho rằng trong tương lai, cường độ bão trở nên khó dự đoán hơn. Điều này khiến các quốc gia dễ bị tổn thương vì khí hậu cần luôn sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Nước biển ở Huế đổi màu bất thường sau bão Noru
Sau bão Noru, bờ biển xã Lộc Vĩnh xuất hiện màu nước khác thường. Người dân nghi ngờ việc nước biển màu nâu đỏ có thể do nước thải từ bãi tập kết dăm gỗ gần đó gây ra.
Lời cảnh báo cho cả thế giới từ hai siêu bão
Trước lời cảnh báo về việc thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện ngày càng dày đặc, thế giới được cho vẫn làm chưa đủ để tự bảo vệ mình, đặc biệt khi hành tinh tiếp tục nóng lên.
Sạt lở chia cắt tỉnh lộ ở Quảng Nam, 6.000 người bị cô lập
Tuyến ĐT601 của tỉnh Quảng Nam sạt lở khiến 6.000 người thuộc 4 xã vùng biên giới bị cô lập.