Những phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 3/12 bị Ukraine và một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) chỉ trích. Ảnh: Reuters. |
Theo các nhà ngoại giao, đại diện của một số quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) vào hôm 12/12 đã chuyển công hàm phản đối những phát biểu của Tổng thống Emmanuel Macron tới quan chức phụ trách các vấn đề châu Âu của Bộ Ngoại giao Pháp, Reuters đưa tin.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với kênh TF1 vào hôm 3/12, Tổng thống Macron nhận định EU cần phải xây dựng một cấu trúc an ninh tương lai, đồng thời "suy nghĩ về những đảm bảo mà các quốc gia có thể đưa ra cho Nga nếu nước này quay trở lại bàn đàm phán nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine".
Sau tuyên bố của Tổng thống Macron, Czech - quốc gia giữ cương vị chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu (EC) - đã tập hợp các quốc gia không đồng tình với phát biểu của tổng thống Pháp để soạn thảo một công hàm ngoại giao chính thức.
Theo 2 nhà ngoại giao thuộc EU, các nước bày tỏ sự ủng hộ văn bản này bao gồm các nước vùng Baltic là Estonia, Latvia, Lithuania cùng với Ba Lan và Slovakia.
Các nhà ngoại giao cho biết một bản dự thảo của công hàm, được chuyển tới chính phủ các quốc gia thành viên của EU vào tuần trước, đã nhấn mạnh rằng các hành động trước đây của Nga thường có mục đích nhằm chia rẽ và làm suy yếu các quốc gia thành viên của EU.
Văn kiện trên cũng liệt kê những thỏa thuận an ninh có sự tham gia của Nga. Trong số này bao gồm một đề xuất được liên minh châu Âu đưa ra vào tháng 12/2021, với những điều khoản tuân theo các điều kiện về đảm bảo an ninh được Moscow đặt ra trong quá khứ.
Trước hành động của một số quốc gia thành viên EU, Bộ Ngoại giao Pháp và các quan chức nước này trong những ngày qua đã cố gắng giảm nhẹ tầm quan trọng của những nhận định được ông Macron đưa ra vào hôm 3/12.
Trả lời phóng viên vào hôm 9/12, một quan chức thuộc chính quyền của ông Macron cho biết những phát biểu của tổng thống Pháp giống với những tuyên bố được các quốc gia khác đưa ra trong quá khứ.
Theo người này, Tổng thống Macron, thông qua phát biểu hôm 3/12, chỉ muốn tái khẳng định việc xung đột tại Ukraine chỉ có thể được giải quyết thông qua quá trình đàm phán.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.