Binh lính Ukraine ở Bakhmut, vùng Donetsk, ngày 5/12. Ảnh: Reuters. |
Một tuyên bố cho biết các ngoại trưởng EU họp tại Brussels hôm 12/12 đã đạt được một "thỏa thuận chính trị" bổ sung thêm 2 tỷ euro vào quỹ trong năm tới. Số tiền đó có thể tăng lên 5,5 tỷ euro vào năm 2027 nếu các quốc gia thành viên cảm thấy cần thiết, theo Reuters.
“Quyết định hôm nay sẽ đảm bảo rằng chúng tôi có kinh phí để tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự cụ thể cho lực lượng vũ trang của các đối tác", quan chức phụ trách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết.
Quỹ Cơ sở Hòa bình châu Âu được thành lập vào năm ngoái để giúp EU hỗ trợ quân sự cho các đối tác quốc tế khi khối này tìm cách tăng cường ảnh hưởng toàn cầu, theo AFP.
Cuộc xung đột ở Ukraine kể từ tháng 2 đã chứng kiến phần lớn quỹ được rút ra để tài trợ vũ khí cho Kyiv, khi Brussels phá vỡ điều cấm kỵ lâu đời về việc không chi trả cho việc chuyển giao vũ khí.
Hiện chỉ còn khoảng 800 triệu euro còn lại trong ngân sách ban đầu là 5,7 tỷ euro, vốn được lên kế hoạch sử dụng đến năm 2027.
Cho đến nay, cùng với các quốc gia thành viên của mình, EU đã cam kết hỗ trợ quân sự khoảng 8 tỷ euro cho Ukraine, bằng khoảng 45% số tiền mà Mỹ đã cung cấp.
Bên cạnh việc tài trợ vũ khí cho Kyiv, EU cũng đã liên tục áp đặt các làn sóng trừng phạt chưa từng có đối Nga kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Tổng cộng, 1.241 cá nhân và 118 tổ chức có thể bị đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh vào EU vì cuộc xung đột ở Ukraine.
Khối này đang cân nhắc các đề xuất về cách sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để giúp chi trả cho việc tái thiết Ukraine.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.