Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ viện trợ thêm gói quân sự trị giá 275 triệu USD cho Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 9/12 đã phê duyệt khoản viện trợ quân sự mới trị giá 275 triệu USD cho Ukraine nhằm giúp tăng cường khả năng phòng không của nước này.

Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) của quân đội Mỹ. Ảnh: AP.

Gói này cũng bao gồm các tên lửa cho bệ phóng của hệ thống tên lửa pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), 80.000 viên đạn pháo 155mm, xe quân sự Humvee và khoảng 150 máy phát điện, theo một bản ghi nhớ do Nhà Trắng công bố, Reuters đưa tin.

Đây là lần thứ 27 ông Biden sử dụng quyền rút vốn của Tổng thống (PDA) cho Ukraine, cho phép Mỹ chuyển các vật phẩm quốc phòng từ kho dự trữ một cách nhanh chóng mà không cần sự chấp thuận của quốc hội trong trường hợp khẩn cấp.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng các thiết bị viện trợ mới "đang trên đường tới".

Tuy nhiên, có rất ít thông tin chi tiết về hai hệ thống phòng không mới mà gần đây Washington công bố hỗ trợ cho Kyiv.

Để giúp Ukraine chống lại các cuộc tấn công tên lửa gia tăng, Mỹ hồi tháng 11 đã gửi các hệ thống phòng không NASAMS tinh vi đến Ukraine.

Washington trước đó cũng thông báo họ đang gửi bốn hệ thống phòng không tầm ngắn Avenger và tên lửa đánh chặn HAWK.

Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2, Mỹ đã gửi hỗ trợ an ninh trị giá khoảng 19,3 tỷ USD cho Kyiv.

Trong diễn biến liên quan, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), dẫn đầu là Bỉ và Luxembourg, đã đóng băng 18,9 tỷ euro tài sản thuộc về các nhà tài phiệt Nga và các tổ chức bị trừng phạt do cuộc xung đột ở Ukraine, Brussels cho biết.

Bỉ dẫn đầu với việc phong tỏa 3,5 tỷ euro, tiếp theo là Luxembourg với 2,5 tỷ, Italy với 2,3 tỷ và Đức với 2,2 tỷ, AFP dẫn thống kê của EU hôm 9/12

Ireland, Áo, Pháp và Tây Ban Nha là những thành viên khác của khối 27 quốc gia đã đóng băng hơn 1 tỷ euro mỗi nước, theo dữ liệu được công bố vào ngày 25/11.

EU đã liên tục áp đặt các làn sóng trừng phạt chưa từng có đối với nền kinh tế Nga kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Tổng cộng, 1.241 cá nhân và 118 tổ chức có thể bị đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh vào EU vì cuộc xung đột ở Ukraine.

Khối này đang cân nhắc các đề xuất về cách sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để giúp chi trả cho việc tái thiết Ukraine.

Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine

Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.

Mỹ lên tiếng sau thông tin bí mật khuyến khích Ukraine đàm phán

Trong cuộc họp với ngoại trưởng Ukraine tại Campuchia, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Kyiv sẽ quyết định thời gian và nội dung của bất kỳ khuôn khổ đàm phán nào với Nga.

Mỹ lần đầu cung cấp hệ thống phòng không Avenger cho Ukraine

Lầu Năm Góc thông báo cung cấp hệ thống phòng không Avenger tầm ngắn và tên lửa đất đối không cho Ukraine như một phần trong gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 400 triệu USD.

Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm