Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan (phải) gặp Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraine, tại Kyiv hôm 4/11. Ảnh: Reuters. |
Những người này cho biết lời khuyên của các quan chức Mỹ không nhằm đẩy Ukraine vào bàn đàm phán. Thay vào đó, họ gọi đây là một nỗ lực có tính toán để đảm bảo chính phủ ở Kyiv duy trì sự ủng hộ của các quốc gia khác, Washington Post đưa tin ngày 5/11.
Các cuộc thảo luận cho thấy quan điểm của chính quyền Biden đối với Ukraine đã trở nên phức tạp, giữa lúc các quan chức Mỹ công khai cam kết hỗ trợ Kyiv những khoản khổng lồ trong khi hy vọng giải quyết được cuộc xung đột kéo dài hơn 8 tháng qua. Cuộc xung đột được cho là gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế thế giới và làm dấy lên lo ngại về xung đột hạt nhân.
Các quan chức Mỹ đồng ý với những đánh giá của Kyiv về quan điểm của Moscow lúc này với việc đàm phán. Tuy nhiên, họ thừa nhận lệnh cấm của Tổng thống Volodymyr Zelensky về việc đối thoại với Nga đã gây ra lo ngại ở các khu vực châu Âu, châu Phi và Mỹ Latin, nơi cuộc xung đột gây ảnh hưởng nặng nề nhất đến nguồn cung và chi phí của thực phẩm, cũng như nhiên liệu.
“Một số đối tác của chúng tôi đã mệt mỏi với vấn đề Ukraine”, một quan chức Mỹ nói với điều kiện giấu tên vì tình nhạy cảm của sự việc.
Trong khi Tổng thống Zelensky đề xuất đàm phán hòa bình trong những tuần đầu của cuộc xung đột, các quan chức Ukraine có lập trường cứng rắn hơn trong những tháng gần đây.
Vào cuối tháng 9, sau khi Nga sáp nhập thêm 4 khu vực miền Đông và Nam Ukraine, Tổng thống Zelensky đã ban hành một sắc lệnh tuyên bố "không thể" đàm phán với Nga.
Trong chuyến công du tới Kyiv hôm 4/11, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết Mỹ ủng hộ một nền hòa bình công bằng và lâu dài cho Ukraine, đồng thời cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ bất kể tình hình chính trị trong nước.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.