Nhà Trắng hôm 26/10 cho biết hiện không thấy triển vọng cho các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột ở Ukraine, khi Tổng thống Joe Biden phải đối mặt với những thách thức mới trong việc duy trì liên minh ủng hộ Ukraine ở cả trong nước và quốc tế, theo New York Times.
Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby khẳng định triển vọng đàm phán giữa Nga và Ukraine vẫn khá mờ nhạt.
Đánh giá này đưa ra một ngày sau khi một nhóm đảng viên Dân chủ cấp tiến ở Hạ viện rút bỏ một lá thư gửi cho ông Biden, trong đó kêu gọi sửa đổi chiến lược và thảo luận về khả năng đàm phán trực tiếp với Nga để giải quyết xung đột đó.
Sự mệt mỏi sau 8 tháng xung đột
Mặc dù 30 đảng viên này đã lùi bước khi đối mặt với phản ứng dữ dội trong chính đảng của họ, sự kiên quyết của nhiều người khác là dấu hiệu cảnh báo về sự mệt mỏi sau 8 tháng xung đột Ukraine.
Trong một bức thư gửi tới ông Biden hôm 24/10, nhóm 30 đảng viên Dân chủ ca ngợi những nỗ lực của ông Biden trong việc hỗ trợ Ukraine khi tránh sự can dự trực tiếp của Mỹ trên thực địa. Tuy nhiên, họ cho rằng cần phải có một nỗ lực mạnh mẽ hơn trong việc kết thúc cuộc xung đột này thông qua biện pháp ngoại giao, theo CNN.
New York Times cho biết Mỹ đã đổ một khoản lớn tiền thuế của người dân để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột này.
Tại Quốc hội, các câu hỏi về việc các nhà lập pháp có sẵn lòng duy trì sự hỗ trợ tài chính và quân sự khổng lồ dành cho Ukraine đã tăng lên. Một số đảng viên Cộng hòa đã đe dọa sẽ cắt viện trợ cho đất nước này nếu họ nắm quyền kiểm soát Quốc hội vào tháng 11.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov gần đây cũng để ngỏ khả năng đàm phán. Ông tuyên bố mục tiêu của “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vẫn không thay đổi, nhưng có thể đạt được qua đàm phán, theo tờ báo Nga Izvestia.
Hạ nghị sĩ Kevin McCarthy của California, người sẽ là chủ tịch Hạ viện mới nếu đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng tới, tuần trước đã đe dọa sẽ hạn chế viện trợ trong tương lai cho Ukraine.
Ở bên kia bờ đại dương, mùa đông lạnh giá đang bắt đầu ở các nước đồng minh châu Âu, giữa lúc Nga đang hạn chế nguồn cung khí đốt qua lục địa. Nhiều quốc gia đã nhìn nhận diễn biến tương lai của cuộc xung đột Nga - Ukraine theo những cách khác nhau.
Trong khi một số quốc gia tin Ukraine sẽ giành lợi thế, các nước như Đức, Pháp và Italy tin rằng điều đó không thực tế và lo ngại rằng Washington chưa suy nghĩ rõ ràng về cách cuộc xung đột này sẽ kết thúc như thế nào.
Quân đội Ukraine bắn một quả đạn từ lựu pháo FH-70 tại vùng Zaporizhzhia hôm 27/10. Ảnh: Reuters. |
Ngay cả giữa các đồng minh có cùng quan điểm, căng thẳng về năng lượng và chiến lược quốc phòng đã gia tăng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã gặp nhau hôm 26/10 để thảo luận về sự khác biệt giữa họ về kế hoạch giới hạn giá khí đốt Nga của châu Âu. Pháp đã ủng hộ chính sách đó, trong khi Đức đã phản đối điều đó.
Đối với ông Biden, vài tuần tới có thể là thời điểm quan trọng. Trong khi Mỹ vẫn ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, cuộc thăm dò ý kiến cho thấy điều đó đang giảm dần, đặc biệt đối với các đảng viên Cộng hòa.
Tháng trước, theo Trung tâm nghiên cứu Pew, 20% người Mỹ cho biết nước này đang trợ giúp quá nhiều cho Ukraine. Vào tháng 5 và tháng 3, con số này lần lượt là 12% và 7%, BBC đưa tin.
Câu hỏi về việc viện trợ cho Ukraine trong tương lai
Với sự hoài nghi ngày càng tăng từ đảng Cộng hòa, một chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ đặt ra câu hỏi về các gói viện trợ trong tương lai cho Ukraine.
Ngay cả trước khi ông McCarthy hứa sẽ chống lại sự ủng hộ “không giới hạn” cho Ukraine, 57 đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện và 11 thành viên Thượng viện đã bỏ phiếu chống lại khoản hỗ trợ 40 tỷ USD vào tháng 5. Nhiều ứng cử viên của đảng này đang tham gia tranh cử cũng bày tỏ phản đối đổ thêm tiền để hỗ trợ Ukraine.
Song nhiều đảng viên Cộng hòa khác đã kiên định ủng hộ Ukraine, đáng chú ý nhất là Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo đảng này ở Thượng viện Mỹ.
Trong khi đó, các đồng minh của ông Biden cho biết đảng Dân chủ đã tỏ ra tự sửa sai khi nhận được lá thư của những người cấp tiến. Tuy nhiên, họ cũng thúc giục tổng thống Mỹ giải thích chiến lược của mình cho công chúng và những người có liên quan.
Các thành viên trong quân đội Ukraine dỡ lô tên lửa chống tăng Javelin, được chuyển giao như một phần trong gói hỗ trợ của quân đội Mỹ cho Ukraine. Ảnh: Reuters. |
Trong khi "chiến dịch quân sự" của Nga vẫn tiếp diễn, những hỗ trợ vũ khí và tiền bạc của Mỹ cho Ukraine đều vượt những đóng góp của tất cả đồng minh khác.
Trong khi đó, châu Âu cũng đã cạn kiệt khá nhiều vũ khí từ thời Liên Xô để gửi tới Ukraine. Ngoài ra, các kho dự trữ phục vụ mục đích phòng thủ của họ cũng đang ở mức thấp.
New York Times cho rằng có sự chênh lệch đáng kể giữa lượng vũ khí do Mỹ, Anh và Ba Lan cung cấp và những gì nhiều quốc gia châu Âu khác đang viện trợ Ukraine. Điều đó cũng đặt ra những câu hỏi dai dẳng về quan điểm của những quốc gia đó, vốn chậm cung cấp vũ khí cho Ukraine, trong cuộc xung đột này.
Ulrich Speck, một nhà phân tích chính sách đối ngoại của Đức, nhận định rằng nhìn chung, phương Tây đang cung cấp cho Ukraine lượng vũ khí vừa đủ để bám trụ, song không đủ để giành lại lãnh thổ.
Trong khi đó, Eric S. Edelman, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời ông George W. Bush, cho biết châu Âu đã gắn bó với nhau bền chặt hơn nhiều người mong đợi.
Tuy nhiên, ông nhận định cũng "không nên đánh giá thấp những thách thức của việc duy trì liên minh này”.
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Joe Biden: Hành trình kéo dài năm thập kỷ" do Nhà xuất bản Thế giới phát hành. Sách khắc họa sự nghiệp của ông Biden tại Thượng viện Mỹ, những điều đã xảy ra trong 8 năm ông đảm nhiệm vai trò phó tổng thống, lý do ông rút khỏi cuộc bầu cử năm 2016 và vì sao ông quyết định trở lại, cạnh tranh cùng ông Donald Trump trong cuộc đua trở thành tổng thống Mỹ.