Một trong những điều phổ biến nhất của các trận đấu là trường hợp “nằm sân” của các cầu thủ. Đó có thể là tình huống chấn thương thật sau một pha va chạm mạnh. Nhưng nhiều khi đó là tiểu xảo của các cầu thủ nhằm kéo dài thời gian hay hạn chế sự hưng phấn của đối phương.
Neymar rất hay ăn vạ trên sân. Đây là tình huống anh va chạm với tiền vệ Matip của Cemeroon. Ảnh: Getty Images. |
Về khoản này, Brazil là số 1 khi họ có đến 17 trường hợp lăn lộn đau đớn trên sân nhưng không có chấn thương nào thật sự. Tổng thời gian họ nằm sân là 3 phút 18 giây. Chỉ riêng Neymar đã có đến 5 lần nằm sân nhưng anh cũng thường trở lại sân rất nhanh, chỉ sau 15 giây.
Đội bóng có thời gian “đau đớn” trên sân lâu nhất là Honduras với tổng cộng 7 phút 40 giây. Chỉ riêng ở trận gặp Pháp họ đã nằm sân 5 phút 10 giây. Honduras là một trong những đội chơi rắn và tiểu xảo nhất tại vòng bảng. Tuy nhiên, việc nằm sân lâu cũng không giúp họ vượt qua vòng bảng.
Biếm họa của CĐV: Chỉ cần con bướm đậu lên vai, Neymar cũng sẽ lăn ra ăn vạ. |
Đội chơi “quân tử” nhất là tân binh Bosnia & Herzegovina khi cầu thủ của họ chỉ nằm sân 24 giây. Có lẽ việc chơi quá sòng phẳng, không dùng tiểu xảo khiến tân binh này chịu không ít thiệt thòi từ trọng tài và chia tay ngay sau vòng bảng dù được đánh giá cao.
Một thống kê đáng chú ý tại vòng bảng là những đội thua có 40 ca nằm sân với thời gian 12,5 phút trong khi những đội chiến thắng có đến 103 số lần nằm sân với thời gian “đau đớn” gấp bốn lần.
Một số thống kê thú vị khác như Chile dẫn đầu số ca chấn thương trong 1 trận đấu. Cầu thủ của họ đã 11 lần ngã vật ra trong trận đấu với Tây Ban Nha, hơn 24 đội bóng khác khi thi đấu 2 trận. Tiền đạo Enner Valencia là cầu thủ chấn thương nhanh nhất, chỉ 4 giây sau tiếng còi khai cuộc trong trận đấu với Honduras. Trong số 9 cầu thủ rời sân bằng cáng tại vòng bảng, có đến 5 người trở lại sân chỉ sau 90 giây.
Thống kê cụ thể về các đội, số ca chấn thương, nằm sân (Injuries) cũng như tổng thời gian nằm trên sân (Writhing times). |