Cuộc trập trận diễn ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 13/7 công bố lập trường chính thức của Mỹ về tranh chấp tại Biển Đông, qua đó lần đầu tiên khẳng định hầu hết yêu sách của Trung Quốc tại vùng biển là phi pháp.
Trước đó, hai nhóm tác chiến nói trên đã lần lượt rời Biển Đông sau khi kết thúc cuộc tập trận từ ngày 4-7/7.
Trở lại lần này, nhóm tác chiến USS Ronald Reagan "sẽ tiến hành các cuộc diễn tập và hoạt động chất lượng cao giúp duy trì cam kết sẵn sàng, linh hoạt và bễn vững đối với các thỏa thuận phòng thủ chung với đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", theo thông báo trên website Hải quân Mỹ hôm 16/7.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76) đi qua eo biển San Bernardino để tiến vào Biển Đông hôm 3/7. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Nhóm tác chiến Reagan sẽ phối hợp với nhóm tác chiến Nimitz để "duy trì sự sẵn sàng và hiệu quả chiến đấu bằng cách thực hiện các bài tập phòng không chiến thuật", giúp cải thiện năng lực phản ứng của Hải quân Mỹ trước "các tình huống bất ngờ tại khu vực".
"Các hoạt động định kỳ của tàu sân bay ở Biển Đông củng cố cam kết của chúng tôi với các đồng minh và đối tác trong khu vực", Chuẩn đô đốc George Wikoff, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay Reagan, nói. "Chúng tôi ủng hộ cách tiếp cận hợp tác để duy trì ổn định phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời chống lại những ai đe dọa an ninh khu vực".
Mỹ không phải là bên tranh chấp tại Biển Đông, nhưng thường xuyên điều tàu chiến và chiến đấu cơ đến vùng biển để thể hiện quyền tự do hàng hải và hàng không, thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Lập trường của Washington lâu nay là tàu và máy bay của Mỹ và các nước có thể di chuyển ở bất cứ đâu luật quốc tế cho phép. Chính quyền Trump đã thúc đẩy điều này thông qua việc tiến hành các "hoạt động tự do hàng hải" (FONOP).
Hồi đầu tháng 7, khi Trung Quốc ngang ngược tổ chức tập trận tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà nước này chiếm đóng phi pháp, Mỹ đã điều hai nhóm tác chiến tàu sân bay Reagan và Nimitz tới Biển Đông tập trận.
Trong tuyên bố của ngoại trưởng hôm 13/7, lần đầu tiên Mỹ nói các yêu sách biển của Trung Quốc cũng như các hoạt động sách nhiễu láng giềng của nước này là phi pháp. Tuyên bố này đánh dấu bước chuyển đáng kể trong lập trường của Mỹ về Biển Đông, cũng như sự leo thang mới trong đối đầu Mỹ - Trung.
Một ngày sau đó, ông Pompeo cho biết Washington sẽ ủng hộ các nước mà quyền lợi trên Biển Đông đang bị Trung Quốc xâm phạm “thông qua các công cụ mà chúng tôi có”.